Gạc Ma: Khúc bi tráng mang hồn Tổ quốc

Ngày 14/3 hằng năm là dịp đồng bào cả nước hướng về vọng tưởng 64 cán bộ liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa lịch sử 14/3/1988.

Thả hoa tưởng niệm các liêt sĩ Gạc Ma.

Thả hoa tưởng niệm các liêt sĩ Gạc Ma.

Lịch sử đã sang trang, quan hệ hai quốc gia cũng đã nhiều đổi khác, song trận tàn sát của Hải quân Trung Quốc đối với các chiến sĩ hải quân Việt Nam ngày ấy không thể phai mờ. Gạc Ma mãi là nỗi đau mang hồn Tổ quốc.

Vòng tròn bất tử

Trong nhiều câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trường Sa, lịch sử Quân chủng Hải quân mãi nhắc đến 7 chiến sĩ của Đại đội 9 thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa – 88. 31 năm trôi qua - khoảng thời gian khá dài, đủ để xóa nhòa đi nhiều ký ức. Song có một điều không thể nào quên trong tâm tưởng của thân nhân các liệt sĩ, đó là người thân của họ đã ngã xuống ở Trường Sa.

Trong số 42 người con của phường Hòa Cường (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) nhập ngũ năm 1987, có 7 người nhập ngũ vào Đại đội 9 Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Ngày tạm biệt gia đình ra Trường Sa cũng là ngày 7 chiến sĩ rời xa đất liền mãi mãi.

Tôi tìm gặp Anh hùng, Đại úy Nguyễn Văn Lanh, hiện đang công tác tại Phòng hậu cần hành chính phía Nam (Quân chủng Hải quân), một trong số chiến sĩ của Đại đội 9 sống sót trở về. Ký ức trận hải chiến Trường Sa ùa về xúc động khi anh Lanh kể về sự hy sinh của 7 đồng đội.

Theo lời kể của anh Lanh, chiều 13/3/1988, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân có mặt trên tàu HQ-604 chừng nửa tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc đến. Sáng 14/3, pháo 100 ly từ tàu chiến Trung Quốc bắt đầu bắn vào tàu HQ-604 cho tới khi tàu chìm. Không dừng ở đó, tàu Trung Quốc tiếp tục truy sát những chiến sĩ còn sống sót. Một số chiến sĩ may mắn thoát được lúc đó cũng bị Trung Quốc truy lùng bắt làm tù binh đem về giam ở nhà tù Quảng Đông.

Không khí trang nghiêm tại Lễ Tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.

Bảy người con của phường Hòa Cường đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Trường Sa 88 sau khi kết thành vòng tròn bất tử giữ cờ trên đảo Gạc Ma là Trương Quốc Hùng, Trần Văn Tài, Phan Văn Sự, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi, Lê Văn Sanh, Nguyễn Phú Đoàn. Đại đội 9, nơi mà trước đây các anh đã học tập, rèn luyện, nay vẫn còn phiên hiệu, chỉ khác là khuyết 7 vị trí.

Theo tiếng gọi non sông

Trong số 64 liệt sĩ nằm lại Trường Sa, có một liệt sĩ quê Điện Bàn - Quảng Nam đất thép anh hùng tên Nguyễn Bá Cường. Để tường tận về anh, tôi tìm gặp Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07, để nghe ông kể về liệt sĩ Cường tại nhà riêng của ông ở phường 11, TP. Vũng Tàu.

Cũng như nhiều người lính hải quân xung phong đi Trường Sa năm 1988, Nguyễn Bá Cường được điều xuống tàu HQ-604 làm nhiệm vụ. Trước khi xuống tàu, Cường thuộc quân số biên chế của Học viện Hải quân Nha Trang. Ngày ra đi, bà Trương Thị Ngò, mẹ của Cường, bảo: “26 tuổi rồi mà chưa vợ con gì. Đi xong đợt này, về cưới cho mẹ cô vợ, đẻ thằng cu rồi đi. Mẹ già rồi, cần có cháu bồng bế chớ”. Cường chỉ cười đáp lại: “Mẹ yên tâm, con sẽ cưới vợ và đẻ một đàn cháu, tha hồ mẹ bế”. Ai ngờ, niềm ước mong nhỏ nhoi ấy chẳng thành sự thật, Nguyễn Bá Cường mãi mãi nằm lại biển khơi.

Sau 6 ngày hy sinh tại trận hải chiến Trường Sa 1988, di vật của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường được đưa về đất liền. Hành trang của người lính đảo chỉ có chiếc ba lô đựng bộ quân trang, vài lá thư và một cuốn nhật ký viết bằng mực tím đầy ắp tâm tư của người lính trẻ: “Mặc dù biết rằng khi ta bước chân ra đi thì chưa biết ngày nào trở về với gia đình, trước mắt gia đình ta khó khăn về mọi mặt, cha ta một nắng hai sương, mẹ ta lo chạy vạy ngày hai bữa”.

Trung tá Nguyễn Viết Chức xúc động: “Chú Cường hy sinh năm 26 tuổi. Trước khi đi Trường Sa, chú ấy cũng có người yêu là cô bạn gái học cùng trường. Những ngày ở tàu HQ-604, không có điều kiện viết thư cho người yêu, chú ấy đành ghi trong nhật ký: “Anh phải ra đi vì non sông vẫy gọi, đất nước đang cần”. Câu nói đó cứ lặp đi lặp lại. Đã một thời, tôi dùng câu nói của anh để làm lý tưởng sống cho mình”.

Câu chuyện bữa cơm cuối cùng

Câu chuyện của những người lính bao giờ cũng phơi phới lạc quan nhưng thấm đẫm nhiều nước mắt, thế nên nhắc đến liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê ở Hoa Lư (Ninh Bình), người vợ trẻ - chị Đỗ Thị Hà vẫn ngậm ngùi nhớ về câu chuyện “bữa cơm cuối cùng” của 31 năm về trước. Gọi cho chị Hà để được nghe những kỷ niệm thời anh Doanh còn sống, đầu dây từ Khánh Hòa, chị nghẹn giọng: “Tôi chẳng quên được bóng hình anh ấy dù đã quá lâu rồi”. Tôi trò chuyện và hỏi: “Chuyện bữa cơm cuối cùng chia tay anh Doanh đi đảo thế nào chị?”. Thay vì trả lời là tiếng nấc nghẹn trong máy điện thoại. “Chuyện cảm động lắm anh ạ”, chị Hà trả lời.

Chiến sĩ tín hiệu đảo Cô Lin đón tàu cập cảng.

Trước ngày lên đường đi Trường Sa, anh Doanh đến nhà chị Hà và nói với mẹ vợ: “Hôm nay, con ăn cơm nhà má bữa cuối, má à”. Má chị Hà mắng: “Anh chỉ nói gở”, rồi quay đi lau giọt nước mắt. Bà không muốn con rể nhìn thấy đau thương trước giờ đi đảo, dẫu bà hiểu có thể lời con rể nói là sự thật. “Sớm hôm sau, anh Doanh chia tay cả nhà lên đường. Đúng một tuần sau thì nhận được tin anh hy sinh, tôi như chết lặng, còn mẹ tôi thì gào khóc. Bà bảo, anh Doanh nói linh thật. Không ngờ bữa cơm ấy là lần cuối bà nấu cho anh. Cách đây mấy năm, ngư dân vớt được một số xương cốt của các liệt sĩ ở bãi cạn gần đảo Gạc Ma. Tôi đã lấy mẫu xét nghiệm AND, hy vọng có hài cốt của chồng mình nhưng không phải. Năm 2009, tượng đài Cam Ranh xây dựng, tôi thấy có tên anh Doanh ở đó”, chị Hà nghẹn ngào khóc trong điện thoại.

Lịch sử đã sang trang, “sự kiện 14/3” cũng lùi vào dĩ vãng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có nhiều đổi khác, song sự kiện 14/3/1988 thì không thể nào quên. “Việt Nam không bao giờ muốn nhắc lại quá khứ đau thương, song cũng không bao giờ quên tội ác. Quan hệ giữa hai nước có đổi thay, song lịch sử thì không bao giờ thay đổi. 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa ngày ấy, luôn nhắc nhở chúng ta một điều, phải luôn nêu cao cảnh giác. Máu xương hôm qua đổ xuống, là bài học để hôm nay chúng ta giữ biển, đảo bằng sức mạnh dân tộc. Trận chiến Gạc Ma đã được ghi trong chính sử Hải quân. Trận chiến ấy là nỗi đau mang hồn Tổ quốc. 64 liệt sĩ đã ngã xuống, mãi mãi bất tử trong lòng nhân dân”, Trung tá cựu binh hải quân Hoàng Văn Thể, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-11 anh hùng, nói.

Minh Quang

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/gac-ma-khuc-bi-trang-mang-hon-to-quoc-post26301.html