Gác lại cảm xúc 'vỉa hè'

Thanh Hóa đang trong những ngày căng mình chống dịch. Vì sự an toàn cho cộng đồng, nhiều thú vui và mưu sinh cũng đành phải hy sinh.

Mà đâu chỉ có thành phố quê mình làm thế. Một số thành phố khác cũng đã đóng cửa tạm thời những tiện ích của “thế giới” trà đá, kẹo lạc, cà phê “vỉa hè” bằng những văn bản nghiêm khắc từ phía chính quyền. Đó là sự cần thiết, dù ai đó có sự tiếc nuối.

Tôi và đám bạn lặng lẽ sau cánh cửa quán cà phê thân quen vào mỗi sáng mai, có cảm giác xa lạ như đang dùng đồ uống ở nơi nào. Mọi sự khác thường đều đem đến những dị biệt ghê gớm. Với những “tín đồ” cà phê “vỉa hè” mỗi ngày tiếp nhận biết bao câu chuyện ở chốn lao xao và nghiện hình ảnh, thanh âm như mắc cửi trên đường phố, thì đó chính là sự hụt hẫng.

Nhưng có nói gì thì đó cũng chỉ là sở thích cá nhân, không thể bao biện, đòi hỏi. Ngắm phố từ bên trong cánh cửa chớp thì đã sao. Hãy quen với điều đó, chỉ vài tuần thôi, để ta lại được thỏa thích đánh bệt xuống vỉa hè ăn quà sáng, uống cà phê, nhâm nhi chè chén, kẹo lạc và thoải mái tán gẫu.

Những hàng quán vỉa hè, có thể chỉ vài ba mét vuông nhưng là mưu sinh của cả một gia đình. Những quán hàng mưu sinh trên vỉa hè ở thành phố này có cất công để đếm cũng khó hết được. Họ bám vỉa hè để mưu sinh và đó chính là cộng đồng dân cư yếu thế, vốn liếng ít ỏi.

Hỏi họ có dễ dàng để đóng quán không, câu trả lời nằm chính trong câu hỏi, từ những điều mà chúng ta đã nhìn thấy.

Những ngày đầu “giới nghiêm” vỉa hè và những nơi công cộng, có những hàng quán vẫn thói quen từ những lần trước đó, cố tình bày bán, lực lượng chức năng đến lại vội vàng dẹp đồ nghề sinh kế vào góc cây nào đó, xe đi qua lại bày bán. Họ chấp nhận cuộc đuổi bắt trong lo lắng và sợ hãi để giữ lửa cho chiếc bếp của mình. Họ đâu có nghĩ xa được rằng nếu cứ thế họ có thể mất đi nồi cơm vĩnh viễn.

Hôm qua, sau 3 ngày văn bản cấm bán trà đá, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu trên vỉa hè của UBND TP Thanh Hóa có hiệu lực, dường như trật tự đã chính thức được thiết lập. Những hộ kinh doanh bất hợp pháp trên vỉa hè có lẽ đã vượt lên được sự nơm nớp lo sợ bị lực lượng chức năng thu hàng hóa, để nhận ra cái sợ lớn hơn, đó là biết đâu đấy sẽ trở thành thủ phạm gieo mầm bệnh COVID-19.

Mấy anh bạn đã than vãn với nhau rằng thấy nhàn nhạt miệng vì không được uống chè chén và tán gẫu. Tôi cũng thế, mỗi sáng ngồi tít trong góc quán cà phê chật hẹp nhìn ra phố xá rộng lớn qua chiếc cửa hẹp, như thấy tâm hồn mình bị trói buộc. Nhưng đành thế, ai rồi cũng phải hy sinh cho thứ tối thượng lúc này, đó là hạn chế thấp nhất con đường lây lan của thứ bệnh dịch đáng sợ kia.

Thú vui, cảm xúc “vỉa hè” đang tạm đóng lại - nơi ảnh hưởng tới mấy chục phần trăm dân số của thành phố này, gồm cả người bán, người mua, nhưng ai cũng tin rằng nó sẽ sớm mở lại. Hãy cứ nhốt sự tù túng bản thân vào một không gian cảm xúc chặt hẹp, để mai này ta lại trở lại với chính ta trong sự an toàn và phóng khoáng hơn.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/gac-lai-cam-xuc-via-he/131972.htm