Gà trống – những sắc màu văn hóa!

Một trong những họa phẩm nổi tiếng của tranh Đông Hồ có tên chữ Hán là 'Vinh hoa' với hình ảnh cậu bé bụ bẫm ôm con gà trống. Đó là sự biểu hiện khát vọng của con người về sự may mắn, hạnh phúc, 'vinh hoa, phú quý'.

Xét về nghĩa thì gà trống âm Hán Việt là “đại kê” đồng âm với “đại cát” tức những điều tốt lành to lớn. Người xưa phú cho gà trống cái “ngũ đức” (5 phẩm chất) của người quân tử: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín như hào hiệp chia sẻ thức ăn cho đồng loại, nhất là gà mái và gà con; đầu có mào như đội mũ đỏ oai vệ, thân có màu sặc sỡ; mỏ và chân cứng, lại thêm cựa nhọn làm vũ khí; quyết chiến không lui trước đối phương; tiếng gáy đúng giờ... Thì ra dân gian còn gửi vào bức tranh “Vinh hoa” cái ước ao cậu bé kia lớn lên có đủ 5 phẩm chất quý báu ấy!

Trong lời ăn tiếng nói dân gian hình tượng gà cũng thật nhiều. Nói về cảnh đàn ông góa vợ nuôi con một mình thì: “Gà trống nuôi con”. Chế giễu những kẻ tiểu khí không muốn ai hơn mình thì “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Chê sự nhầm lẫn thiếu sự suy đoán tỉnh táo thì “Trông gà hóa cuốc”. Chê sự thiếu dứt khoát: “Như gà mắc tóc”. Giễu sự không thống nhất: “Ông nói gà, bà nói vịt”. Mỉa kẻ cậy thế: “Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế vườn”…Hình tượng xuất hiện nhiều đến nỗi trở thành vật linh bước vào đời sống tâm linh: cúng tổ tiên thường có “con gà, đĩa xôi”.

“Vinh hoa” – Tranh Đông Hồ.

“Vinh hoa” – Tranh Đông Hồ.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Thánh,…thường có biểu tượng con gà trống đứng trang trọng trước điện thờ. Điều này được giải thích trong nhiều thần thoại của dân tộc Việt thì gà là tướng Nhà Trời có nhiệm vụ trừng phạt Thiên Lôi vì tội đánh lầm người lương thiện. Trời bắt Thiên Lôi chịu phạt phải nằm im ở một góc rừng để thỉnh thoảng gà đến mổ một cái thật đau. Đến khi thoát tội Thiên Lôi còn giật mình sợ hãi khi nghe thấy tiếng gà. Cũng từ đó người dưới trần thế đua nhau nuôi gà trống là còn để tránh sét. Vì Thần này hay nóng nảy vô cớ biết đâu lại vung một lưỡi tầm sét vào nhà mình...!!!

Vì là vật linh nên thậm chí người ta còn coi một bộ phận của gà là chân có thể đoán được may dữ...gọi là “bói chân gà”. Nhưng có lõi duy vật ở chỗ con gà trống (chưa đạp mái) rất nhạy cảm với từ trường vùng đất nó sống. Những tín hiệu tốt xấu “thu” vào thể hiện qua bàn chân (đã luộc chín) được kinh nghiệm dân gian xét đoán hình dạng, đường gân, mạch máu...Thế nên có người mua gà ở chợ về rồi “bói” thì hoàn toàn không có căn cứ gì cả. Phải là gà nhà nuôi, càng lâu càng tốt.

Ở nhà quê ngày trước nuôi gà thả rông nên thường nhà nào cũng có gà trống. Vừa để nhân giống vừa để bảo vệ gà con, khi có quạ hay diều hâu sà xuống thì chính những chú gà trống này có nhiệm vụ chống trả hiệu quả nhất! Người ta càng quý gà trống là vì thế.

Không chỉ ở xứ ta mà trong lịch sử nhân loại cũng mang nét tương tự.

Tranh vẽ đầu tiên về gà ở châu Âu được tìm thấy trên đồ gốm niên đại thế kỷ VII. TCN. Dựa vào đặc tính báo sáng mà người La Mã cổ cho rằng gà trống có mối liên hệ với thần Mercury - người đưa tin của các vị thần, cũng là người chịu trách nhiệm đưa các linh hồn người chết về thế giới bên kia. Thế nên họ cũng có thuật bói gà để dự đoán tương lai. Người Hy Lạp cổ coi gà trống là biểu tượng của các thần Ares và Heracles nên con vật mạnh mẽ nhất là sư tử cũng phải sợ gà trống là như vậy. Tín ngưỡng này lan rộng ra, “tiếp biến” vào văn hóa Trung Âu, rõ nhất trong cổ tích với môtíp khi nghe tiếng gà trống gáy thì quỷ dữ cũng phải sợ.

Trong tiếng Latinh từ “Gallus” đa nghĩa vừa có nghĩa là “Gà trống” vừa là “người Gaulois” (người Gô loa). Phải chăng nhờ tư tưởng có phần “duy mỹ” ở thời Phục hưng mà hình tượng gà trống với sự oai vệ của dáng đi, màu đỏ kiêu sa của mào, chiếc đuôi xanh đen cong vút có phần cao ngạo... đã trở thành biểu tượng của người Pháp. Văn hóa Pháp vẫn coi gà trống Gô-loa là biểu tượng của chiến thắng, niềm tin, hạnh phúc. Họ thần tượng gà đến mức có thành ngữ nổi tiếng thế giới là “Gà đẻ trứng vàng” để chỉ những gì sinh lợi mà không tốn nhiều công sức, trí tuệ...

Vì gà gọi mặt trời mọc nên trong thế giới cổ tích Nhật Bản – Đất nước “Mặt trời mọc” hình tượng gà trống rất sinh động, huyền diệu, hấp dẫn. Nhưng hầu như tất cả đều châu tuần quanh sự kiện vì giận em trai là Thần bão tố Susano mà Nữ Thần Mặt trời Amaterasu vào hang ở ẩn nên dương gian chìm trong tăm tối. Để Nữ thần Mặt Trời rời khỏi hang các vị thần bèn dùng những con gà trống giọng thật tốt thi nhau gáy…

Dựa vào tiếng gáy báo hiệu mặt trời mọc, văn hóa Ấn Độ coi gà trống là hiện thân của năng lượng mặt trời. Không những vậy còn là tín hiệu của thần Skanda (thần chiến tranh) dựa trên ý nghĩa một tiếng gà cất lên thì bao tiếng gà khác đáp lại, tới tấp, dồn dập. Và gặp nhau thì hai gà trống ắt sẽ đánh nhau...

Với văn hóa xứ lạnh, nhìn mọi việc đều bình thản, điềm đạm, người Hàn Quốc coi gà trống là biểu tượng của sự khởi đầu mới với niềm hy vọng mới, tốt lành, may mắn. Thế nên hình tượng gà trống là những họa tiết quen thuộc trên nóc các cung điện với ý nghĩa gà cất tiếng gáy, mọi điều xấu sẽ bị xua đi, mọi điều may sẽ đến. Trong tập quán hôn nhân xứ Hàn luôn có đôi gà được bọc bằng vải xanh vải đỏ đặt trang trọng ở bàn trung tâm hôn lễ là theo ý nghĩa ấy.

Trong tôn giáo, kinh Tân Ước kể chúa Giê-su đã biết trước sự phản bội của học trò nhờ vào tiếng gà trống. Từ đó gà trống trở thành biểu tượng của sự cảnh giác. Trong kinh Phúc Âm gà trống còn là hiện thân của Giê-su. Thế nên gà trống là một biểu tượng của Kitô giáo, do vậy hình gà trống có trên hầu hết các gác chuông nhà thờ.

Tín ngưỡng đạo Hindu lại coi gà trống là “cầu nối” giữa trần thế và những linh hồn quỷ dữ. Thế nên trong tập quán ma chay những con gà trống vô tội bị buộc thắt chân với ý nghĩa quỷ dữ sẽ không “nhập” vào gà để làm hại người lành. Đến tận khi tang lễ xong xuôi, linh hồn người chết đã “thanh thản” về trời thì gà mới được trở lại tự do bình thường...

Gà trống Gô-loa biểu tượng của nước Pháp.

Đúng với văn minh nông nghiệp, trong văn hóa Việt gà là gia cầm quen thuộc, gần gũi. “Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi” tức gà để thết khách. Gà là vật “cây nhà lá vườn” nên người ta Tết nhau bằng gà (Tết thầy bằng đôi gà trống thiến là sang nhất). Sính lễ ăn hỏi cũng thường bằng cặp gà giò cùng vò rượu. Trước đó thì vua Hùng ra điều kiện lễ vật cầu hôn con gái mình là Mỵ Nương cũng bằng gà: “Voi chín ngà. Gà chín cựa. Ngựa chín hồng mao”. Ngày nay người ta chứng minh có gà chín cựa thật!

Gà trống còn đi vào văn hóa võ thuật với bài “Hùng kê quyền” (quyền gà chọi) tương truyền do anh hùng Nguyễn Lữ (Tây Sơn) sáng tạo ra theo lối mô phỏng các hành động của gà chọi. Đặc trưng của “Hùng kê quyền” là những động tác nhanh nhạy coi trọng sử dụng ngón tay trỏ mô phỏng hình mỏ gà, các ngón còn lại co cụp vào như những chiếc cựa, móng gà để móc mắt, móc hầu đối phương.

Trong trang phục người phụ nữ Việt cổ xưa thì khi vấn khăn thường để thừa ra một lọn tóc gọi là “tóc đuôi gà” làm duyên. Đó là sự mô phỏng đuôi gà trống có lông dài màu xanh đen vồng lên trông rất sinh động.

Trên trống đồng Đông Sơn, gà và chim là những loài vật được thể hiện khá nhiều chứng tỏ gà gần gũi với người Việt tận xa xưa. Hầu hết hình tượng gà được miêu tả với một thái độ yêu mến, thân thương, kính trọng. Duy nhất (?) có một lần bị miêu tả tiêu cực trong truyền thuyết “An Dương Vương xây Loa thành”. Thục Phán xây thành nhưng đất đắp đến đâu thì lở đến đấy. Thần Kim Quy báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đã ngàn năm hóa thành tinh quấy phá. Quả nhiên nhà vua lập kế giết con gà trắng thì thành được xây xong.

Tại sao có chi tiết này? Vì truyện này còn có tên gọi khác là “Mỵ Châu – Trọng Thủy” kể về mối tình bị lợi dụng để nêu bật chủ đề bài học cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ xâm lược. Có khi kẻ thù “chui sâu leo cao” vào địa vị rất cao là “phò mã”. Đặt trong ý nghĩa chủ đề này ta càng thấy rõ hơn: dù có là con vật gần gũi, quen thuộc, có ích nhưng một khi đã lạc loài (gà trắng thành tinh, sống ngàn năm) thì rất cần phải cảnh giác!!!

Thời 4.0 hình tượng con gà có nhạt đi? Không. Vì như lời một chính khách: Tại sao cứ phải thịt lợn. Chuyển sang ăn gà!!!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ga-trong-nhung-sac-mau-van-hoa-601255/