Gà rớt giá, người nuôi thua lỗ nặng

Sau một thời gian tăng đàn ồ ạt, gà công nghiệp rơi vào cơn khủng hoảng thừa với mức giá bán tại trại chỉ còn từ 13-14 ngàn đồng/kg, thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây. Người nuôi gà đang lỗ nặng vì giá gà xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất từ 10-12 ngàn đồng/kg.

Nhiều trại nuôi lỗ vốn vì giá gà thấp kỷ lục. Ảnh chụp tại một trại nuôi gà công nghiệp tại xã Tân Hiệp (huyện Long Thành)

Nhiều trại nuôi lỗ vốn vì giá gà thấp kỷ lục. Ảnh chụp tại một trại nuôi gà công nghiệp tại xã Tân Hiệp (huyện Long Thành)

Theo cả doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi, thị trường gà thịt rớt giá, tồn hàng do thời gian qua, người nuôi tăng đàn nhanh. Nhưng giá gà trong nước còn bị ảnh hưởng rất lớn do gà ngoại giá rẻ nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam từ đầu năm đến nay, cạnh tranh trực tiếp với gà nội địa.

* Tăng đàn “nóng”, giá giảm sâu

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện Việt Nam nhập khẩu thịt từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Úc, Brasil, Hoa Kỳ, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Nga… Trong 7 tháng của năm 2019, Việt Nam nhập về gần 6 ngàn tấn thịt heo, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Mỹ hơn 62 ngàn tấn thịt gà các loại với giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD.

Tính đến giữa tháng 9, tổng đàn gia cầm của Đồng Nai đạt gần 26,6 triệu con. Trong đó, tổng đàn gà gần 24,8 triệu con, tăng 16,8%; tổng đàn vịt, ngan, ngỗng khoảng 2 triệu con, tăng 10,5% so với tháng 4-2019, trước khi Đồng Nai xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Trong khi đó, giá gà xuất bán tại các trại ở Đồng Nai chỉ còn 13-14 ngàn đồng/kg, rẻ hơn cả giá một số loại rau phổ biến như rau cải, mùng tơi và chỉ tương đương giá 1kg rau muống.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang, thời gian qua, tổng đàn gà và gia cầm của Đồng Nai tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái do có thêm nhiều dự án đầu tư mới trong chăn nuôi gà công nghiệp. Trong đó, một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm. Ngoài ra, nuôi gà ta thả vườn, nuôi vịt cũng đang dần chuyển hướng theo quy mô công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ trại nuôi gà và nuôi vịt thịt tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, nguồn cung con giống gà, vịt thường bị hụt, giá tăng cao do nhiều trại nuôi gà, nuôi vịt thịt được đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô. Thời tiết lại thuận lợi cho đàn gia cầm phát triển nên nguồn cung đang rất dồi dào. “Hiện giá gà công nghiệp bán ra chỉ bằng nửa giá thành sản xuất, giá vịt cũng thấp hơn cả chục ngàn đồng so với hồi đầu năm cũng do nguồn cung vượt cầu. Cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều đang gồng mình chịu lỗ” - ông Nhẫn nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ dẫn chứng, hiện mỗi ký thịt gà bán ra, người nuôi đang lỗ từ 10-12 ngàn đồng. Một trại nuôi quy mô nhỏ với 4 dãy chuồng khoảng 80 ngàn con gà nếu xuất bán trong thời điểm này sẽ lỗ không dưới 2 tỷ đồng.

“Tôi nghe nói vài ngày trước, có doanh nghiệp đã phải tiêu hủy gà giống vì sợ nhiều trại nuôi quá, đến lúc xuất chuồng sẽ bị ứ lại do khó tiêu thụ. Ngành nuôi gà công nghiệp đang gặp khó khăn theo chuỗi, khó từ đơn vị sản xuất giống, trại nuôi cho đến khâu tiêu thụ. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì người nuôi gà khó tránh khỏi nguy cơ phá sản vì thua lỗ, nhất là những trại mới đầu tư, chưa thu hồi vốn gốc” - ông Quyết nói.

* Lo lắng thịt nhập

Cũng theo ông Quyết, gà công nghiệp rơi vào cảnh dội chợ có nguyên nhân do người nuôi trong nước tăng đàn vì kỳ vọng thị trường tiêu thụ gà sẽ rộng cửa hơn do nguồn cung thịt heo thiếu hụt vì dịch tả heo châu Phi.

Đồ họa thể hiện sự thay đổi tổng đàn gia cầm gồm: tổng đàn gà, tổng đàn ngỗng, vịt, ngan trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Nhưng nguyên nhân khác cũng nằm ở chỗ từ đầu năm đến nay, nguồn thịt ngoại nhập khẩu về quá nhiều càng làm mất cân đối cung - cầu. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại chậm đi do mùa chay tháng 7 âm lịch và tiếp đó là kỳ nghỉ lễ 2-9, các trại không xuất được gà. Theo đó, giá gà liên tiếp hạ nhiệt và từ vài ba ngày trở lại đây rớt xuống chỉ còn 13-14 ngàn đồng/kg.

Ông Trần Quốc Dũng, chủ trại gà tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cũng cho rằng: “Năm ngoái, gà công nghiệp bán được giá tốt nên thu hút được nhiều dự án đầu tư mới. Sản lượng gà trong nước tăng nhưng gà ngoại giá rẻ vẫn được nhập khẩu về ồ ạt khiến từ đầu năm đến nay, giá gà luôn ổn định ở mức thấp và hiện đang chạm đáy vì dội chợ”.

Ngay cả những doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đã hình thành được chuỗi liên kết từ trang trại đến cửa hàng tiêu thụ cũng gặp khó khăn không nhỏ vì thịt nhập. Doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư hệ thống trang trại nuôi gà VietGAP và đầu tư cơ sở giết mổ tại Đồng Nai, có hệ thống cửa hàng bán lẻ riêng nhưng ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh) không khỏi lo ngại: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Ngành chăn nuôi trong nước ngày càng lép vế trong cạnh tranh với thịt nhập giá rẻ. Điều đáng lo ngại nhất là đa số các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, đối tượng tiêu thụ thịt gà với số lượng lớn vẫn ưu tiên chọn sản phẩm giá rẻ chứ chưa đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho rằng: “Việc quá nhiều nước nhập thịt heo, gà vào thị trường Việt Nam với giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường. Trong giai đoạn dịch tả heo châu Phi đang lan rộng như hiện nay, heo, gà rớt giá sẽ rất khó để duy trì và giữ đàn”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201909/ga-rot-gia-nguoi-nuoi-thua-lo-nang-2964598/