Ga ngầm cạnh hồ Gươm: Phải đặt đúng công năng và bảo tồn di tích

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Hà Nội phải báo cáo cấp thẩm quyền quyết định theo đúng quy định, đảm bảo ga được đặt đúng công năng vận tải và bảo tồn di tích.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay, báo chí đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ GTVT trước các ý kiến lo ngại ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo xâm phạm di tích hồ Gươm.

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, với vị trí ga số 9, Bộ GTVT cũng như các bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành. Đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Phương án tuyến ga số 9 và các ga khác đều được lựa chọn, đánh giá về chuyên môn, việc chọn ga cũng có những tiêu chí về thu hút hành khách, thuận lợi cho vận tải và hiệu quả dự án.

Nhắc đến việc có ý kiến về một phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm, Thứ trưởng Đông cho rằng, theo chức năng, Bộ VHTT&DL phải có ý kiến về quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này phải trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động về môi trường hay quản lý di tích.

Ngoài ra, Hà Nội phải tiếp tục làm và báo cáo cấp thẩm quyền quyết định, đảm bảo ga được đặt đúng công năng vận tải và đảm bảo việc bảo tồn di tích theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, theo UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 xâm phạm di tích hồ Gươm và vi phạm luật Di sản văn hóa.

Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 4, khu vực phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu

Cùng cho ý kiến, Bộ VHTT&DL nêu, tại các văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, Bộ đều yêu cầu TP chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn).

Theo Phó trưởng BQL đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu, hiện nay không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga (ga C8 - đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 tại đường Hàng Bài).

Đường sắt đô thị đội vốn, xử lý như thế nào?

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng, xử lý vấn đề này như thế nào? Chính phủ có tiếp tục đứng ra vay tiền phân bổ cho địa phương thực hiện dự án, hay các địa phương tự vay vốn thực hiện tiếp?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung giải đáp, đội vốn là tăng vốn so với phê duyệt ban đầu. Trong quá trình thực hiện có điều chỉnh tăng, do nhiều nguyên nhân, có thể do điều chỉnh quy mô hoặc do trượt giá…

Nhưng trong mỗi dự án như vậy, về nguồn vốn, theo quy định của luật Đầu tư công bao giờ cũng phải xác định rõ nguồn vốn, nguồn nào của ngân sách TƯ, phần nào nguồn của ngân sách địa phương, không phải mọi dự án tăng vốn đều là Chính phủ vay tiền về cho địa phương triển khai.

"Khi đi vay tiền ODA, bao giờ cũng liên quan đến trần nợ công, cân đối, xem xét đối với từng dự án, tùy dự án quan trọng quốc gia hay dự án của địa phương, đều phải nằm trong trần nợ công mà Quốc hội cho phép", ông Trung nói thêm.

Hương Quỳnh - Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/ga-ngam-canh-ho-guom-phai-dat-dung-cong-nang-va-bao-ton-di-tich-473557.html