Gã 'khổng lồ' Google và câu chuyện độc quyền

Google từ lâu đã luôn khẳng định sự 'trong sạch' của mình trước những cáo buộc độc quyền bằng cách nhấn mạnh rằng các sản phẩm của họ là miễn phí và không ai buộc phải sử dụng chúng.

Công ty này đã tránh được sự giám sát gắt gao của Chính phủ Mỹ trong suốt nhiều năm với lập luận cho rằng những người tìm kiếm trên Internet không phải là khách hàng thực sự của Google. Ngày 20-10, Chính phủ Mỹ quyết định “dấn thân” nhằm tìm cách giải quyết những tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr nhấn mạnh: “Không ai có thể thách thức sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo... Nếu để Google tiếp tục những cách thức phi cạnh tranh của mình, chúng ta sẽ mất đi làn sóng của những nhà cách tân và tiên phong kế tiếp, người Mỹ có thể sẽ không bao giờ được hưởng lợi từ cái gọi là Google tiếp theo”.

Nội dung đơn kiện của Chính phủ Mỹ kêu gọi tòa án yêu cầu Google dừng các hành vi phi cạnh tranh và xem xét tiến hành những thay đổi về “cấu trúc” đối với công ty này.

Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện Google vì các hành vi độc quyền và phi cạnh tranh.

Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện Google vì các hành vi độc quyền và phi cạnh tranh.

Mới chỉ là khởi đầu

Thực tế, vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google chỉ là một trong nhiều động thái mà Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đánh vào các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ đang thâu tóm ngày càng nhiều thị phần kinh tế. Amazon, Apple và Facebook được cho là cũng sẽ sớm được đưa vào tầm ngắm của giới hữu quan. Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định tất cả mới chỉ là bước đầu trong tiến trình dài hơi nhằm xem xét lại các nền tảng Internet.

So với thời điểm cách đây 5 năm, tổng giá trị của Amazon, Apple, Facebook và Google tính theo giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần, vượt qua mốc 5,4 nghìn tỷ USD. Không quá khi cho rằng 4 “ông lớn” công nghệ của Mỹ thực sự đã chống đỡ cơn bão kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) tốt hơn hẳn nhiều doanh nghiệp khác.

Các cáo buộc về cách hành xử độc quyền của Google, Amazon, Apple và Facebook không phải là điều gì mới. Hạ viện Mỹ gần đây vừa công bố một báo cáo về thực trạng của các hãng công nghệ tại Mỹ, trong đó kêu gọi thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ đối với luật chống độc quyền và quá trình hành pháp.

Năm 2018, Google bị Liên minh châu Âu (EU) tuyên án phạt kỷ lục 5 tỷ USD và yêu cầu dừng việc sử dụng hệ điều hành Android để cản trở đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm. Phán quyết này được xem là quyết định quan trọng nhất của Ủy ban châu Âu (EC) trong vụ kiện chống độc quyền kéo dài 8 năm nhằm vào Google.

Mức phạt trên vượt xa khoản phạt 2,7 tỷ USD mà châu Âu từng áp cho Google trước đó một năm trong vụ kiện độc quyền khác về lệnh tìm kiếm liên quan đến mua sắm. Thời điểm đó, EC cho rằng Google đã lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường như một công cụ tìm kiếm mạnh mẽ nhất để dành những ưu tiên phi lý cho các sản phẩm mà họ phát triển.

Phán quyết của châu Âu được nhiều nhà quan sát đánh giá là nhằm vào phần trọng tâm của chiến lược kinh doanh mà Google đã theo đuổi suốt thập niên qua, cụ thể là dùng hệ điều hành Android để củng cố sự thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng vào thời kỳ mà người tiêu dùng dịch chuyển khỏi máy tính để bàn sang các thiết bị di động.

Đầu năm 2020, Google và EU lại bắt đầu cuộc tranh cãi tại Tòa án Luxemboug khi gã khổng lồ cố gắng thuyết phục các thẩm phán rằng, họ không hề có những hành động không công bằng đối với những đối thủ cạnh tranh của mình. Vụ kiện này bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tay đôi kéo dài hàng thập niên và cũng được xem là một thử nghiệm lớn của các chiến thuật mà EC sử dụng để kiểm soát các công ty công nghệ lớn. Google từng tuyên bố sẽ tiếp tục kháng cáo các án phạt mà Brussels đưa ra dù công ty này đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định.

Theo nhiều ước tính, công cụ tìm kiếm Google kiểm soát khoảng 90% độ phổ biến trên Internet và cùng với Facebook, hai doanh nghiệp này gần như đang thống trị thị trường quảng cáo đầy béo bở. Trong khi đó, eMarketer ước tính Google sẽ nắm giữ hơn 29% thị trường quảng cáo kỹ thuật số của Mỹ vào cuối năm nay, Facebook đứng thứ hai với 24% và Amazon xếp thứ ba.

Những người thúc đẩy vụ kiện cho rằng những “mánh khóe” mà Google sử dụng để loại bỏ bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào một cách không công bằng và có thể khiến các nhà quảng cáo phải tự cung cấp dịch vụ phụ và một vài lựa chọn thay thế. Theo đó, "tính loại trừ" của Google đã ngăn cản sự cạnh tranh trong quảng cáo và tìm kiếm, do đó gây hại cho các nhà quảng cáo. Bằng cách ngăn chặn cạnh tranh, Google có nhiều quyền lực hơn để thâu tóm số tiền các nhà quảng cáo chi trả cho quảng cáo của họ.

Những góc nhìn

Những quan ngại của Mỹ về các hành vi phi cạnh tranh đã xuất hiện từ cách đây ít nhất 8 năm, khi cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang kết thúc với cam kết thay đổi từ phía Google. Phe tiến bộ cho rằng các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ đã kìm hãm sự cạnh tranh và khiến bất bình đẳng kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, giới bảo thủ khẳng định họ được hưởng những ưu ái về mặt chính trị, dù không có bằng chứng cụ thể.

Những công ty nhỏ hơn hoạt động trong cùng lĩnh vực phàn nàn rằng Google có xu hướng đề xuất các ứng dụng và dịch vụ do họ phát triển như bản đồ, đặt chỗ du lịch và các khuyến cáo kinh doanh có tiềm năng quảng cáo lớn. Các đối thủ điều hành sở hữu các công cụ tìm kiếm chuyên biệt hơn, như Yelp, Expedia và Tripadvisor, là vài trong những nhân tố lên tiếng mạnh mẽ nhất trong các cuộc tranh luận về “những tổn hại bởi các phương thức kinh doanh của Google”.

Seth Kalvert, Phó Chủ tịch Tripadvisor cho rằng các vụ kiện chống độc quyền và các khoản phí phạt là “tốt” cho người tiêu dùng và có thể đảm bảo tầm nhìn về Internet như một nơi minh bạch, nơi tôn trọng sự "sáng suốt của đám đông" và cạnh tranh lành mạnh.

Đại diện pháp lý của Google phản bác rằng họ chỉ tìm cách cung cấp các kết quả tốt nhất cho người dùng đang tìm kiếm trực tuyến và rằng người dùng được tự do sử dụng các công cụ tìm kiếm dễ sử dụng khác chứ không hề có sự ép buộc nào. Có một thực tế là Google luôn xếp thứ hạng cao trong các cuộc thăm dò dư luận về lòng tin của người dùng, dù dư luận ngày càng có nhận thức mạnh mẽ hơn về những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư trong không gian số.

Nhiều người lại có góc nhìn khác về vụ kiện của chính quyền Trump với Google, nhất là khi đặt trong bối cảnh chính trị nhạy cảm hiện tại. Theo đó, rất có thể vụ kiện được thúc đẩy bởi những bất đồng giữa chính quyền Trump với Thung lũng Silicon và là một trong những cách để chính quyền sắp mãn nhiệm ghi thêm điểm chính trị trong chiến dịch tái tranh cử sắp tới.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng mọi chuyện có thể kết thúc theo đúng kịch bản từng diễn ra với Microsoft và những thủ tục pháp lý có thể sẽ không bắt kịp đà thay đổi của các tiến bộ công nghệ, hay nói cách khác là những tranh cãi và phán quyết có nguy cơ trở nên lạc hậu trong đà phát triển của ngành công nghiệp này. Hiện chưa rõ vụ kiện sẽ kéo dài bao lâu, bởi vậy những thảo luận về hướng giải quyết các khúc mắc có thể vẫn là quá sớm.

Để thắng kiện, Chính phủ Mỹ cần phải giải quyết những câu hỏi liên quan đến luật chống độc quyền, trong đó có việc chứng minh được rằng người tiêu dùng chịu thiệt hại vì các hành vi mà họ cáo buộc là thao túng và độc quyền từ phía Google.

Thái Hân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ga-khong-lo-google-va-cau-chuyen-doc-quyen-617162/