'Gã khổng lồ' Boeing rơi vào hố sâu khủng hoảng

Từ dòng máy bay bán chạy nhất của hãng Boeing, mẫu 737 MAX bỗng chốc biến thành tâm điểm gây lo ngại an toàn và bị cấm bay tại hầu hết quốc gia trên thế giới, bao gồm cả chính nước Mỹ. Đây thực sự là đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing, đẩy 'gã khổng lồ' trong ngành hàng không vũ trụ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử.

Tháng 10-2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air chở 189 người lao xuống biển chỉ 13 phút sau cất cánh. Chưa đầy 5 tháng sau, thảm kịch với dòng 737 MAX lặp lại. Toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines tử nạn ngày 10-3 khi máy bay bổ nhào sau 6 phút rời mặt đất. Những điểm tương đồng giữa tai nạn máy bay Lion Air và Ethiopian Airlines liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX 8 làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của máy bay này, đẩy Boeing vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Trong tuần qua, cổ phiếu của Boeing đã mất giá 12%, khiến giá trị thị trường của Boeing bốc hơi khoảng 27 tỷ USD.

 Chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bỗng trở thành tâm điểm gây lo ngại an toàn. Ảnh: Getty Images.

Chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bỗng trở thành tâm điểm gây lo ngại an toàn. Ảnh: Getty Images.

Danh sách các nước và các hãng hàng không trên thế giới ngừng sử dụng máy bay Boeing 737 MAX vẫn tiếp tục nối dài. Từ châu Á đến Trung Đông, châu Âu thậm chí cả Mỹ đều quyết định tạm “cấm cửa” dòng máy bay hiện đại nhất của Boeing. Ước tính, gần 75% trong tổng số 371 máy bay 737 MAX đang hoạt động trên toàn thế giới tạm "đắp chiếu".

Số phận các đơn đặt hàng máy bay 737 MAX trị giá hơn 600 tỷ USD của Boeing cũng vì thế đứng trước nguy cơ lung lay. Hiện chưa có hãng hàng không nào chính thức hủy đơn đặt hàng Boeing 737 MAX, nhưng thông tin từ giới truyền thông cho thấy nhiều hãng đã gióng chuông cảnh báo sẽ thay thế MAX 8 bằng máy bay của Airbus.

Làn sóng "tẩy chay" 737 MAX lan rộng trên toàn cầu cho thấy khách hàng của Boeing đang mất lòng tin nghiêm trọng. Và điều này được cho là xuất phát từ cách phản ứng thiếu thuyết phục của hãng đối với các tình huống đã xảy ra. Sau vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air hồi tháng 10 năm ngoái, các nhà điều tra cho rằng, một bộ cảm biến trên chiếc MAX 8 đã bị lỗi và chương trình lái tự động mới có thể vô hiệu hóa một tính năng mà phi công sẽ sử dụng để điều khiển máy bay. Song bất chấp khuyến cáo này, Boeing không đưa ra giải pháp cụ thể nào mà chỉ dừng lại ở việc công bố bản hướng dẫn phi công xử lý nếu gặp tình huống tương tự. Không một phiên bản phần mềm nào cho MAX 8 được cập nhật. Chỉ đến khi vụ việc tương tự xảy ra với Ethiopian Airlines và các chuyên gia phát hiện những điểm tương đồng giữa hai vụ tai nạn, Boeing mới cuống cuồng tìm cách nâng cấp phần mềm. Phản ứng trên được xem là quá chậm chập và không thuyết phục.

Khỏi phải nói điều này tác động xấu thế nào tới danh tiếng hơn 100 năm của tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu nước Mỹ, cũng như tương lai của Boeing trong cuộc chiến thị phần với đối thủ. Theo ông Dennis Culloton, CEO của Công ty xử lý khủng hoảng truyền thông Culloton Strategies, Mỹ: "Boeing đang tập trung vào công tác điều tra vụ tai nạn. Tuy nhiên, những gì họ làm lại được giữ bí mật. Chính vì vậy, Boeing đã thực sự bỏ lỡ cơ hội truyền tải thông tin và khuyến nghị tới các hãng hàng không, hành khách, thị trường để họ biết điều gì đang xảy ra và có kế hoạch hành động".

Trong khi đó, Giám đốc hãng Phân tích Thị trường quốc phòng và hàng không vũ trụ Michel Merluzeau cho biết, Boeing 737 MAX là chương trình phát triển quan trọng của Tập đoàn Boeing trong 10 năm tới và hãng có kế hoạch đưa dòng máy bay này chiếm tới 64% sản lượng vào năm 2032. Hiện dòng 737 của hãng đang chiếm 30% tổng doanh thu và 35% lợi nhuận. Loại MAX 8 là dòng hiện đại nhất của Boeing 737 với hệ thống động cơ tiên tiến, được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2017. Đến nay, các hãng hàng không đã đặt hơn 5.000 chiếc Boeing 737 MAX 8, chiếm 80% tổng số đơn đặt hàng của công ty. Bởi vậy, “cú dớp” với MAX 8 chắc chắn sẽ để lại thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho Boeing. Theo hãng nghiên cứu Melius Research, con số thiệt hại ước tính ít nhất là một tỷ USD cho việc đền bù cũng như vá lỗi trên máy bay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài thiệt hại về kinh tế, cuộc khủng hoảng liên quan tới dòng 737 MAX sẽ kéo theo danh tiếng của Boeing và ngành công nghiệp hàng đầu của Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng trong bối cảnh tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như máy bay thương mại, quốc phòng, hàng không vũ trụ, thậm chí sản xuất chuyên cơ "Không lực 1" chở Tổng thống Mỹ. Và 150.000 nhân viên của Boeing, cùng các nhà cung cấp trực tiếp, gián tiếp cho việc sản xuất dòng máy bay 737 như General Electric (GE) hay Safran, cũng không tránh được tác động khi các đơn hàng bị hủy bỏ.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ga-khong-lo-boeing-roi-vao-ho-sau-khung-hoang-568825