Gã bác sĩ thích sát hại bệnh nhân

Thay vì cứu chữa, Harold Shipman lừa dối, sát hại bệnh nhân bằng thuốc độc. Một thẩm phán nghi ngờ tổng số nạn nhân có thể lên đến 215 người.

Nhắc tới bác sĩ, người ta thường nhắc tới sứ mệnh cao cả là cứu người. Tuy nhiên, ở Anh những năm từ thập niên 70 tới 90 của thế kỷ trước, có một gã bác sĩ đã đi ngược sứ mệnh này.

Ông ta lợi dụng lòng tin của hàng trăm bệnh nhân để lừa dối, cố tình chẩn đoán sai trước khi sử dụng thuốc độc để kết liễu của đời họ. Người này là Harold Shipman, kẻ được biết tới với biệt danh "bác sĩ tử thần".

Tương lai hứa hẹn

Harold sinh năm 1946 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động tại thành phố Nottingham, Anh. Từ nhỏ, cậu sớm thể hiện tố chất, sự toàn diện của mình với thành tích học tập xuất sắc cùng khả năng chơi thể thao cừ khôi, đặc biệt ở môn Rugby.

Cậu nhóc sở hữu một tương lai xán lạn, mang theo bao kỳ vọng của mẹ cậu là bà Vera. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi cậu thanh niên bước sang tuổi 17.

 Harold Shipman lập gia đình từ năm 19 tuổi, có 4 người con cùng một cuộc sống bình thường. Ảnh: Reddit.

Harold Shipman lập gia đình từ năm 19 tuổi, có 4 người con cùng một cuộc sống bình thường. Ảnh: Reddit.

Năm đó, bà Vera được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Trong những ngày cuối chăm sóc mẹ tại bệnh viện, chàng thanh niên bị cuốn hút và mê hoặc bởi công dụng thần kỳ của Morphine, thứ được bác sĩ sử dụng để chấm dứt những cơn đau vật vã của mẹ cậu.

Sau khi bà Vera qua đời, Harold nung nấu quyết tâm trở thành bác sĩ rồi trúng tuyển Đại học Y khoa Leeds sau 2 lần thi. Năm 1970, cậu sinh viên tốt nghiệp, bắt đầu sự nghiệp với vai trò của một bác sĩ cơ sở trước khi sớm vượt cấp để trở thành bác sĩ đa khoa.

Tuy nhiên, rắc rối sớm tìm đến với Harold. Năm 1976, chàng bác sĩ trẻ bị phát hiện sử dụng tên bệnh nhân để tự kê đơn thuốc giả cho mình. Loại thuốc được sử dụng là Demerol, một loại chất giảm đau gây nghiện có tác dụng tương tự Morphine.

Harold sau đó bị xử phạt về hành vi này, bị phòng khám đuổi việc và phải đi cai nghiện. Một năm sau, chàng bác sĩ trẻ trở lại và vào làm việc tại một trung tâm y tế thuộc thị trấn Hyde, thành phố Manchester. Tại đây, Harold được người bệnh tin tưởng, tôn trọng bởi sự chăm chỉ, tốt bụng và biết quan tâm của bản thân.

Tuy nhiên, chàng bác sĩ trẻ đã lợi dụng để sát hại hàng trăm người, biến mình từ bác sĩ thành kẻ giết người hàng loạt khét tiếng trong những năm từ thập niên 70 đến 90 thế kỷ trước.

Tội ác

Sau khi Harold trở lại, những nhân viên hỏa táng tại địa phương phát hiện số bệnh nhân tử vong sau khi gặp bác sĩ này tăng cao đột biến. Đáng ngờ hơn, họ đều tử vong trong tư thế mặc kín quần áo, ngồi trên ghế hoặc tựa lưng vào ghế. Một đồng nghiệp của Harold sau đó cũng nhìn ra điều này, và nghi ngờ của họ được gửi tới cảnh sát.

Một cuộc điều tra được mở ra, song Harold đã tự ngụy tạo cho mình đầy đủ chứng cứ ngoại phạm bằng cách can thiệp, chỉnh sửa và hợp thức hóa hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Các điều tra viên đã chủ quan khi không kiểm tra lý lịch để phát hiện bác sĩ này từng có tiền sử về việc làm đơn thuốc giả. Do đó, căn cứ lời khai và chứng cứ thu thập được, họ không thể định tội đối với Harold.

Mọi thứ chỉ dần sáng tỏ khi Kathleen Grundy, một người phụ nữ 81 tuổi khỏe mạnh và năng động, được phát hiện tử vong ở nhà riêng vào ngày 24/6/1998. Ngay lập tức, bác sĩ Harold Shipman, người trước đó thăm khám cho bà được gọi đến.

Không cần tới giám định pháp y, Harold khẳng định người phụ nữ tử vong vì đau tim, việc khám nghiệm là không cần thiết và yêu cầu gia đình ký vào giấy chứng tử. Sau khi thi thể bà Kathleen được hỏa táng, Harold sẽ nhận được khoản tiền 40.000 USD theo di nguyện của nạn nhân trong di chúc.

Tới năm 1998, hành vi giết người của Harold Shipman mới bại lộ. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, con gái bà là Angela Woodruff tỏ ra nghi ngờ về điều này. Với linh cảm của một luật sư, cùng việc thường xuyên quản lý tài sản cho mẹ, cô cảm thấy việc chuyển giao tài sản này là bất thường. Angela nghi ngờ Harold đã làm giả di chúc, sau đó sát hại mẹ cô để trục lợi nên đã trình báo sự việc với cảnh sát.

Thi thể bà Kathleen sau đó được khai quật, và kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân tử vong vì bị sốc Morphine. Thời gian từ lúc tiêm thuốc tới khi tử vong là 3 giờ, trùng khớp với khoảng thời gian Harold tới thăm khám cho nạn nhân.

Cảnh sát lập tức khám xét nhà Harold cũng như lục lại tiền sử khám chữa bệnh và bệnh án của vị bác sĩ này. Một chiếc máy gõ, dụng cụ được sử dụng để làm giả di chúc của bà Kathleen, đã được tìm thấy.

Một tháng sau, tử thi của 11 bệnh nhân khác được khai quật để phục vụ điều tra. Từ đây, bộ mặt thật của gã bác sĩ bắt đầu lộ diện.

Trả giá

Đằng sau vỏ bọc của một bác sĩ dễ mến và đôn hậu, Harold hiện lên với hình ảnh của một gã sát thủ máu lạnh. Không ai rõ hắn giết người từ khi nào và mục đích, động cơ thực hiện là gì, chỉ biết rằng thủ đoạn giết người của Harold khiến tất cả đều phải lên án bởi sự tàn nhẫn đến táng tận lương tâm.

Theo cảnh sát, Harold thường nhắm tới những bệnh nhân nặng và trong giai đoạn dễ bị tổn thương. Sau đó, hắn tiêm cho họ Morphine với một lượng đủ để khiến nạn nhân tử vong lập tức hoặc sau đó vài giờ.

Để che giấu, hắn yêu cầu gia đình không khám nghiệm và lập tức hỏa táng thi thể nạn nhân. Hồ sơ bệnh án của họ cũng được can thiệp trên máy tính để hợp lý hóa nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, hắn không ngờ rằng toàn bộ lịch sử chỉnh sửa trên máy tính của hắn đã được lưu lại, và công cụ hỗ trợ gây án là trở thành vật chứng vạch trần tội ác của gã bác sĩ giết người.

Phòng khám tư nhân của Harold Shipman, nơi phần lớn nạn nhân từng tới trước khi tử vong. Ảnh: Allthatinteresting.

Ngày 5/10/1999, Harold hầu tòa với cáo buộc sát hại 15 người ở độ tuổi từ 41 đến 93 nhằm thỏa mãn thú vui kiểm soát tính mạng bệnh nhân, cùng một tội danh khác về lừa đảo. Sau nhiều phiên xét xử, bất chấp việc bị cáo chối tội và bác bỏ mọi cáo buộc, tòa án vẫn có đủ căn cứ để tuyên Harold Shipman mức án tù chung thân.

Cảnh sát chỉ đủ căn cứ kết luận Harold sát hại 15 người, song theo báo cáo từ ủy ban điều tra do thẩm phán Dame Janet Smith chỉ đạo, con số này có thể lên tới 215. Trong số này, có 171 phụ nữ và 44 người đàn ông. 71 người bị sát hại khi Harold còn làm việc tại phòng khám ở Manchester, trong khi số còn lại tử vong sau khi tới phòng khám tư nhân của hắn.

Ngày 13/1/2004, một ngày trước sinh nhật, Harold treo cổ tự tử bên song sắt nhà tù Wakefield.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ga-bac-si-thich-sat-hai-benh-nhan-post1311292.html