G7 tiếp tục chia rẽ về việc mời Nga tham gia hội nghị

Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết bảo vệ quyết định mời Nga tham gia hội nghị G7 mở rộng và đã trực tiếp gửi lời mời tới Tổng thống Nga Putin.

Có hay không mời Nga tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tiếp tục trở thành đề tài gây tranh cãi giữa các nước thành viên trong nhóm. Bất chấp việc một số nước đồng minh phản đối, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 đã kiên quyết bảo vệ quyết định mời Nga tham gia cái mà ông gọi là Hội nghị G7 mở rộng và đã trực tiếp gửi lời mời tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bất chấp sự phản đối của không ít thành viên G7, ông chủ Nhà Trắng hôm qua đưa ra đề nghị mời Nga tham gia nhóm các nước G7, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới hoặc muộn hơn. Theo Tổng thống Mỹ, G7 sẽ có lợi khi giải quyết các vấn đề quốc tế, nếu có sự tham gia của Nga. Ông cũng bày tỏ hy vọng ngoài Nga sẽ có thêm 3 quốc gia khác gồm Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc, tham dự cuộc họp thường niên lần này.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ nói: “Nước Nga nên tham gia hội nghị G7 và là một phần của G7. Cho dù bạn thích hay không thích nước Nga, sẽ là sai lầm về mặt chính trị nếu không mời Nga tham gia. Thế giới vẫn chuyển động và giờ G7 không còn là G7 như trước nữa. G7 đã từng đẩy Nga ra khỏi nhóm và giờ đã đến lúc họ phải đưa Nga trở lại để Nga tham gia vào các cuộc đàm phán.”

Nói là làm, ông chủ Nhà Trắng ngay sau tuyên bố của mình đã điện đàm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để trao đổi về các kế hoạch cho Hội nghị.

Tuy nhiên, đề nghị của Tổng thống Mỹ đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các nước thành viên trong nhóm. Đi đầu nỗ lực này phải kể đến Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 1/6, Thủ tướng Canada đã kịch liệt bác bỏ việc mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

“Nga đã bị loại khỏi nhóm G8 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Việc Nga “tiếp tục không tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế” là lý do khiến Nga này nằm ngoài G7 và “sẽ tiếp tục ở ngoài” nhóm nước này. G7 là một nơi diễn ra các cuộc hội thảo thẳng thắn giữa các nước đồng minh và bằng hữu. Tôi hy vọng điều này sẽ vẫn tiếp tục", Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh.

Không gay gắt như Canada, song Anh cũng không ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói rằng, Anh không ủng hộ tái kết nạp Nga làm thành viên G7 song việc có mời Nga tham gia hội nghị hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết định của nước chủ nhà.

G7 gồm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Italy song sở hữu 50% khối tài sản của thế giới. Các nhà lãnh đạo cấp cao của nhóm này thường nhóm họp hàng năm để thảo luận các vấn đề kinh tế và an ninh chung của thế giới. Nga từng là thành viên của nhóm G8 (gồm các nước G7 và Nga). Tuy nhiên, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga đã bị loại khỏi nhóm này.

Theo đánh giá của giới phân tích, Nga vốn là một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới cả trong quá khứ và hiện tại. Việc không mời Nga tham gia hội nghị G7 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung chương trình nghị sự của nhóm./.

Hồng Nhung/VOV1
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/g7-tiep-tuc-chia-re-ve-viec-moi-nga-tham-gia-hoi-nghi-1055157.vov