G7 muốn thể hiện phương Tây vẫn có thể giữ vai trò lớn

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nỗ lực phô trương rằng phương Tây vẫn có thể đóng vai trò 'nhạc trưởng' trong xử lý các vấn đề lớn hiện nay như vaccine phòng COVID-19 và biến đổi khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Thủ tướng Boris Johnson tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao G7 tại London ngày 5/5. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Thủ tướng Boris Johnson tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao G7 tại London ngày 5/5. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết G7 dự định sẽ ủng hộ hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo hơn đồng thời cam kết giảm tình trạng biến đổi khí hậu. Dù là vấn đề vaccine COVID-19 hoặc biến đổi khí hậu, các lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Italy và Mỹ đều muốn thể hiện rằng phương Tây có thể đối trọng với quyền lực của Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Biden ngày 5/6 bày tỏ quan điểm trên tờ The Washington Post: “Đây là câu hỏi của thời đại chúng ta: Liệu các nền dân chủ có thể phối hợp đưa ra những kết quả thực chất cho người dân và thế giới đang thay đổi nhanh chóng? Liệu các liên minh và thực thể dân chủ đã định hình trong thế kỷ qua có thể chứng minh được năng lực trước các mối đe dọa và đối thủ hiện đại. Tôi tin rằng câu trả lời là có”.

Trong cuộc họp vào cuối tuần qua, bộ trưởng Tài chính các quốc gia G7 nhất trí về một thỏa thuận liên quan đến tỷ lệ thuế tối thiểu doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá diễn biến này phản ánh quyết tâm được phối hợp cùng nhau của các nước G7.

Hội nghị thượng đỉnh của G7 tổ chức từ ngày 11–13/6 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng.

Theo lịch trình, Tổng thống Biden sẽ có buổi gặp song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson vào ngày 10/6. Đến hôm 13/6, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ diện kiến Nữ hoàng Anh. Sau đó, ông Biden có kế hoạch đến Brussels (Bỉ) dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Đến 16/6, Tổng thống Biden sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ).

G7 được thành lập năm 1975 và là diễn đàn nơi những quốc gia giàu có nhất thế giới bàn luận về các khủng hoảng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường niên của các thành viên G7 là 40 nghìn tỷ USD.

Trong thời gian qua, phương Tây đã cảm nhận nhiều "bất trắc". Dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ và châu Âu trong khi biến đổi khí hậu đã thách thức mẫu hình kinh tế của những quốc gia này. Ngoài ra, G7 còn phải đối mặt với sự lớn mạnh theo ngày của Nga và Trung Quốc. Cả Bắc Kinh và Moskva đều từng yêu cầu G7 không can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia này.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/g7-muon-the-hien-phuong-tay-van-co-the-giu-vai-tro-lon-20210608074721832.htm