G7 họp trực tiếp sau 2 năm gián đoạn

Nhóm G7 đã có cuộc họp trực tiếp tại London nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trên toàn cầu, trong bối cảnh quan hệ phương Tây - Trung Quốc đang xấu đi rõ rệt.

Ngày 4/5, các bộ trưởng ngoại giao G7 (nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới) đã có cuộc gặp trực tiếp tại London. Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao G7 trong hơn 2 năm qua sau khi bị gián đoạn bởi Covid-19.

Theo AP, chương trình nghị sự của các ngoại trưởng G7 tập trung vào việc phân phối vaccine, hồi phục kinh tế, biến đổi khí hậu và cả vấn đề Trung Quốc. Nhóm G7 coi đây là cơ hội để củng cố sự ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

 Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio. Ảnh: AP.

London muốn chứng minh rằng nhóm G7 vẫn có ảnh hưởng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nước chủ nhà cảnh báo rằng lập trường ngày càng cứng rắn của Nga, Trung Quốc và Iran đang đặt ra một thách thức rất lớn đối với hệ thống pháp luật quốc tế.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhận định cuộc họp “cho thấy ngoại giao đã trở lại”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng việc Washington tái kết nối với các đồng minh quốc tế cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Ông Blinken cho biết: “Mỹ đang thực sự làm việc cùng đồng minh và đối tác. Washington ưu tiên việc dựa vào và tham gia các tổ chức đa phương và quốc tế. Đây là nơi có nguyên tắc và định hình các tiêu chuẩn”.

“Nếu Mỹ không dựa vào chủ nghĩa đa phương, Bắc Kinh sẽ cố gắng thay thế vị trí của Mỹ trên hệ thống quốc tế và tự quyết định luật chơi”. Mục tiêu của Mỹ và phương Tây không phải là "kiềm chế hoặc kìm hãm Trung Quốc", mà là bảo vệ trật tự khỏi nguy cơ bị phá vỡ.

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản cũng sẽ thảo luận về cuộc chính biến tại Myanmar, khủng hoảng nhân đạo tại Syria và cuộc khủng hoảng Tigray tại Ethiopia. Vấn đề tại Afghanistan cũng nằm trong chương trình nghị sự khi quân đội Mỹ và các đồng minh NATO đang rút quân sau hai thập kỷ triển khai.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết nhóm này cũng sẽ thảo luận về "hoạt động gây hấn đang diễn ra của Nga". Các hoạt động này bao gồm việc Moscow đưa quân đội tới gần biên giới với Ukraine và vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị kết án tù.

Nhóm G7 cũng sẽ cố gắng đồng ý về cách cung cấp vaccine Covid-19 trên toàn cầu trong dài hạn. Tuy nhiên, các quốc gia này sẽ chỉ bắt đầu quá trình cung cấp này sau khi kết thúc chương trình tiêm chủng trong nước.

So với cuộc gặp lần trước tại Pháp năm 2019, cuộc họp lần này có một số sự thay đổi. Ngoại trưởng Raab năm nay mời thêm ngoại trưởng Australia, Hàn Quốc và đại diện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như Nam Phi và Ấn Độ. Điều này cho thấy nước Anh đang chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Việc đại diện các quốc gia khác tham dự sẽ mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, theo thông cáo của chính phủ Anh.

Chính phủ hy vọng việc nối lại các cuộc họp G7 trực sẽ mang lại cho nhóm một nguồn năng lượng. Đồng thời, nó sẽ củng cố các nỗ lực để tạo ra vai trò "Nước Anh toàn cầu" hậu Brexit cho Vương quốc Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo G7 tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/g7-hop-truc-tiep-sau-2-nam-gian-doan-post1211675.html