G20 - Đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế

Với chủ đề 'Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm', G20 đã bàn thảo những phương thức phối hợp chính sách toàn cầu ứng phó đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, cân bằng và bao trùm.

Nỗ lực thúc đẩy kinh tế hồi phục một khi dịch Covid-19 được kiểm soát là một trong những nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua. Ảnh: Reuters

Bài toán vaccine

Phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz cho biết, đại dịch Covid-19 là một cú sốc chưa từng có đối với thế giới trong một năm bất thường 2020, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ông cũng kêu gọi các nước G20 hỗ trợ các nước đang phát triển để duy trì nhịp độ phát triển, giãn nợ cho các nước thu nhập thấp.
Nhất trí với quan điểm này, Tổng thống Pháp Macron cũng cho biết: “Còn một trận chiến khác mà thế giới phải chuẩn bị. Khi vaccine được tung ra thị trường, nó phải được cung cấp cho mọi người. Để đạt mục tiêu đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi các nước G20 đầu tư thêm tiền vào dự án vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu. Đây cũng là lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Merkel - quốc gia đã đóng góp 500 triệu euro cho dự án. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị cung cấp vaccine Sputnik V của nước này cho các quốc gia trên thế giới, đồng thời thông báo, Nga sắp ra mắt loại vaccine Covid-19 thứ hai và thứ ba.
Các thành viên G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời bơm 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước sự "tàn phá" của virus SARS-CoV-2.
Hy vọng về chống biến đổi khí hậu
Bên cạnh đó, các lãnh đạo G20 đã thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. Chống biến đổi khí hậu và củng cố hơn nữa vai trò WHO cũng là một trong những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp này. Tại hội nghị này, EU kêu gọi G20 nhất trí về những tiêu chuẩn toàn cầu chung liên quan đến đầu tư "xanh" để giúp thu hút thêm nguồn lực tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, EU còn thúc giục cải cách Tổ chức Thương mại thế giới nhằm thúc đẩy các chính sách thương mại quốc tế theo hướng bền vững hơn cũng như xây dựng các tiêu chuẩn chung cho "trái phiếu xanh" nhằm huy động ngân sách cho các khoản đầu tư xanh. Nỗ lực chống biến đổi khí hậu của G20 sắp tới có thể còn nhận được cú hích không nhỏ trong trường hợp ông Joe Biden được chính thức công nhận thắng cử và lên nắm quyền tại Mỹ. Nước này đã rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên, ông Biden có thể đảo ngược quyết định này sau khi vào Nhà Trắng.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã cùng các nước ASEAN và đối tác đề cao tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng," thực hiện mạnh mẽ các biện pháp ứng phó dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì đà hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.
Về kinh tế, Thủ tướng khẳng định việc ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO là trung tâm.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/g20-day-manh-hop-tac-phuc-hoi-kinh-te-402488.html