G20 - chờ đợi hiện thực những cam kết

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, các nhà lãnh đạo của 20 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau trong hội nghị truyền hình ở Riyadh, hứa hẹn khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine chống COVID-19 trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài lời hứa này, tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lại mang tính 'đại khái' nhiều hơn thực chất.

Rất nhiều lời hứa, ít chi tiết cụ thể. Đây là tổng hợp kết quả của 2 ngày hội nghị trực tuyến G20. Tuyên bố bế mạc hội nghị, G20 cam kết dẫn dắt thế giới hướng tới việc định hình một kỷ nguyên hậu đại dịch mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và hòa nhập, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch và hậu quả của nó. Tuyên bố khẳng định cần phối hợp các hành động toàn cầu, đoàn kết và hợp tác đa phương hơn bao giờ hết để đáp ứng những thách thức hiện nay.

Tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm hỗ trợ tất cả các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất trong việc đối mặt với những hậu quả liên quan đến sức khỏe, kinh tế và xã hội do dịch COVID-19 gây ra, có tính đến những thách thức mà các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ đang phát triển phải đối mặt.

Đại diện lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị G20 trực tuyến vừa diễn ra.

Đại diện lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị G20 trực tuyến vừa diễn ra.

G20 sẽ huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tài chính trong lĩnh vực y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các công cụ chẩn đoán, phương pháp điều trị và vaccine an toàn, hiệu quả cũng như nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận công bằng với chi phí hợp lý. Saudi Arabia đã cung cấp nửa tỷ USD để tìm kiếm vaccine và phương pháp điều trị COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz cho biết, đại dịch COVID-19 là một cú sốc chưa từng có đối với thế giới trong một năm bất thường 2020, gây thiệt hại về kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu. Hiện, các dân tộc và nền kinh tế vẫn đang phải chịu đựng cú sốc này. Tuy nhiên, đại dịch đang cho thấy sự cần thiết hơn bao giờ hết của sự hợp tác quốc tế.

“Đại dịch đã chứng minh rằng hợp tác quốc tế là cách tối ưu để vượt qua khủng hoảng. Chúng ta phải cung cấp hỗ trợ cho tất cả các quốc gia trên thế giới, vì chúng ta sẽ không thể được an toàn, cho đến khi mọi người được an toàn”, ông Salman bin Abdulaziz nói.

Theo Quốc vương Saudi Arabia, mặc dù thế giới đang lạc quan về những tiến bộ đạt được đối với việc phát triển vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm COVID-19, song thế giới vẫn phải nỗ lực để tạo ra khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với những thành quả tiến bộ giữa các quốc gia. G20 cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 trên khắp thế giới.

Nhưng, lời hứa có phần mong manh này khiến bà Angela Merkel lo lắng về khả năng tiếp cận vaccine của các nước nghèo. Thủ tướng Đức cho biết đất nước bà sẽ kiểm tra với Liên minh vaccine Gavi, một tổ chức quốc tế, khi các cuộc đàm phán về việc phân phát vaccine thực sự bắt đầu.

Đối mặt với quả bom hẹn giờ về nợ của các nước nghèo, G20 đang trì hoãn. Họ đang tạm thời cho các nước vay nợ hoãn trả lãi trong 6 tháng. Nhưng, sau đó các bộ trưởng tài chính của G20 sẽ xem xét vấn đề này vào mùa xuân tới. Một sự thất vọng đối với Liên Hợp Quốc, vốn hy vọng G20 sẽ kéo dài thời hạn này đến cuối năm 2021.

Nhận thức được rằng việc hoãn trả lãi sẽ là không đủ, các nhà tài trợ lớn của G20 đã mở đường cho việc tái cơ cấu nợ cho một số quốc gia. Nhưng, thời gian không còn nhiều. Tuần trước, đối mặt với việc các chủ nợ tư nhân từ chối dãn nợ, Zambia tuyên bố vỡ nợ. Các quốc gia phía Nam, đặc biệt là các quốc gia châu Phi đã phải hứng chịu tình trạng chảy máu nguồn vốn lớn vào tháng 3-2020.

Giờ đây, chi tiêu của họ do cuộc chiến chống lại COVID-19 đang tăng lên và doanh thu công của họ đang giảm. Trong bối cảnh đó, việc hoãn trả lãi chẳng có nghĩa lý gì.

Ảnh hội nghị thượng đỉnh hằng năm của các nhà lãnh đạo G20 được chiếu tại Cung điện Salwa ở At-Turaif, Saudi Arabia.

Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador hôm 22-11 kêu gọi G20 một là thực hiện cam kết xóa các khoản nợ cho các quốc gia nghèo trên thế giới; hai là đảm bảo rằng các nước thu nhập trung bình có thể tiếp cận tín dụng với lãi suất tương đương với các nước phát triển. Trước đó, ngày 21-11, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 rằng, nếu không xóa bớt các khoản nợ lâu dài có thể dẫn đến gia tăng nghèo đói và lặp lại các vụ vỡ nợ gây rối loạn đến nền kinh tế như những năm 1980.

Ngoài ra, các lãnh đạo G20 cũng sẽ thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. G20 nhận thấy rằng thương mại là động cơ cần thiết để phục hồi nền kinh tế và đã tán thành sáng kiến của Riyadh về tương lai của Tổ chức Thương mại Thế giới, với mục đích làm cho hệ thống thương mại đa phương có khả năng đáp ứng các thách thức hiện tại và tương lai. G20 kêu gọi tăng cường hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phục hồi chậm và không đồng đều do hậu quả của dịch bệnh gây ra thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 14.000 tỷ USD.

Để đạt được điều này, các nước trong nhóm khẳng định sẵn sàng tiếp tục sử dụng các chính sách tài chính sẵn có và cần thiết để bảo vệ cuộc sống, việc làm và tiền lương của người dân; hỗ trợ phục hồi nền kinh tế toàn cầu và nâng cao sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu. Các quốc gia trong nhóm cho biết, đến nay họ đã bơm 11.000 tỷ USD vào hệ thống kinh tế toàn cầu, để giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh và hỗ trợ các công ty bảo vệ họ khỏi phá sản, duy trì việc làm và giảm tỷ lệ đói nghèo. Hơn 300 tỷ USD đã được cung cấp thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển hợp tác với G20 để giúp các quốc gia mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp.

Các nhà phân tích cho rằng cho rằng không nên nuôi hy vọng nhiều về sự thay đổi mạnh mẽ từ cuộc họp thượng đỉnh G20 bởi nhóm này không phải là một cộng đồng các giá trị mà là một câu lạc bộ kinh tế. Nó giống như một diễn đàn không chính thức, do đó nhóm không đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Đây là hội nghị của 20 cường quốc nên không thể hiện hết tiếng nói của các quốc gia, các vấn đề và thách thức toàn cầu và vì vậy ít có kết quả hay tiến bộ thực sự.

Cuối cùng, các nền kinh tế nói chung và ngay cả các nền kinh tế lớn cũng bị tổn thương, suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch. Các nước đều ưu tiên phát triển trong nước và nội khối nhiều hơn là tham gia vào các nỗ lực chung để giải quyết khủng hoảng.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/g20-cho-doi-hien-thuc-nhung-cam-ket-621154/