FTX đệ đơn xin bảo hộ phá sản, CEO từ chức

Hôm 11-11, FTX Group, công ty vận hành sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ ba thế giới, thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 của Luật phá sản Mỹ. Đồng thời Sam Bankman-Fried, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của FTX cũng tuyên bố từ chức. Thông báo của FTX được đưa ra sau khi Binance hủy bỏ ý định thâu tóm FTX.

Sam Bankman-Fried, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FTX, đã tuyên bố từ chức sau khi FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: Cryptoslate

Sam Bankman-Fried, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FTX, đã tuyên bố từ chức sau khi FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: Cryptoslate

Động thái này diễn ra sau khi FTX trải qua cuộc khủng hoảng thanh khoản trong những ngày vừa qua do các vấn đề tài chính và sau đó đã thất bại trong nỗ lực tìm kiếm sự giải cứu từ các nhà đầu tư cho đến các đối thủ, bao gồm Binance, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới.

FTX Group, bao gồm FTX.com cũng như FTX.US, Alameda Research và “khoảng 130 công ty liên kết” đều đã nộp đơn để làm thủ tục phá sản theo chương 11 tại một tòa án liên bang ở bang Delaware (Mỹ), thông cáo báo chí của FTX Group cho biết.

Tuy nhiên, các công ty khác trong hệ sinh thái của FTX Group gồm FTX Digital Markets, FTX Australia, FTX Expess Pay và LedgerX không nằm trong danh sách nộp đơn xin phá sản.

Coindesk dẫn lời John Ray III, tân Giám đốc điều hành FTX, cho biết: “Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ đối mặt những ngày dài làm việc vất vả”. Tuy nhiên, ông xem việc nộp đơn xin phá sản sẽ giúp FTX bắt đầu một chặng đường mới.

Vấn đề của FTX bắt nguồn từ những bất ổn tài chính của Alameda Research, công ty kinh doanh tiền ảo cũng do Sam Bankman-Fried sáng lập. Alameda Research được cho là đã vay nợ từ FTX khoảng 10 tỉ đô la Mỹ nhưng FTX lại không nắm giữ được các tài sản dự trữ đáng tin cậy. Điều đáng nói là FTX đã dùng hơn 8 tỉ đô la Mỹ trong 16 tỉ đô la Mỹ tiền gửi của khách hàng tại công ty để cho Alameda Research vay.

Hôm 9-11, Sam Bankman-Fried cảnh báo với các nhà đầu tư rằng FTX sẽ đệ đơn xin phá sản do thiếu hụt 8 tỉ đô la Mỹ để duy trì khả năng trả nợ.

Cú sụp đổ của FTX đánh dấu sự đảo ngược thời vận đáng kinh ngạc của một công ty từng được định giá 32 tỉ đô la Mỹ và Bankman-Fried, người trước đó được ca ngợi là “hiệp sĩ áo trắng” nhờ ra tay giải cứu các công ty tiền ảo gặp khó khăn hồi đầu năm nay và được so sánh với tỉ phú Warren Buffett. Toàn bộ tài sản 16 tỉ đô la Mỹ của Bankman-Fried xem như bị xóa sạch. Chỉ số tỉ phú Bloomberg giờ đây định giá mảng kinh doanh của FTX ở Mỹ, nơi Bankman-Fried nắm giữ 70% cổ phần, chỉ là 1 đô la Mỹ.

Viết trên Twitter hôm 11-11, Bankman-Fried cho biết: “Một lần nữa, tôi thực sự xin lỗi vì chúng ta đã kết thúc ở đây. Hi vọng rằng mọi thứ có thể tìm ra cách để phục hồi”.

Việc FTX đệ đơn xin phá sản cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của Voyager Digital, công ty cho vay tiền ảo cũng đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 7 sau cú sụp đổ của đồng tiền ổn định theo thuật toán TerraUSD, nhưng sau đó đã được FTX.US đồng ý mua lại với giá 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Sự kiện FTX gục ngã làm dấy lên các lo ngại về tương lai của ngành công nghiệp tiền ảo, vốn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giành lại niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

FTX và Bankman-Fried đang bị Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban sàn giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) điều tra để xác định xem có các vi phạm hình sự và chứng khoán hay không. Cơ quan quản lý chứng khoán ở quần đảo Bahamas, nơi FTX.com đăng ký hoạt động, đã đóng băng tài sản của công ty này và các bên liên quan.

Cộng hòa Cyprus đang lên kế hoạch đình chỉ giấy phép hoạt động của FTX EU, một công ty trong hệ sinh thái của FTX Group.

Tại Nhật Bản, chính phủ ra lệnh đình chỉ một số hoạt động của công ty con địa phương của FTX.com, với lý do công ty này không có cấu trúc phù hợp để cung cấp các dịch vụ giao dịch tiền ảo cho người dùng. Tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản cũng đã đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ vào FTX.com và dự kiến sẽ bút toán xóa bỏ toàn bộ giá trị khoản đầu tư này trong bảng cân đối kế toán, đồng nghĩa với việc ghi nhận thua lỗ.

Cuộc khủng hoảng của FTX có thể dẫn đến các quy định thắt chặt hơn về quản lý tiền ảo ở Mỹ và Liên minh châu Âu. Hôm 10-11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden đã nắm rõ những diễn biến gần đây trên thị trường tiền ảo và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Jean-Pierre nói Nhà Trắng tin rằng thị trường tiền điện ảo cần “sự giám sát thích hợp”.

Được các nhà đầu tư tên tuổi hậu thuẫn, bao gồm BlackRock Sequoia Capital và Công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek, FTX, nhanh chóng trở thành một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Sequoia Capital và Temasek, hai nhà đầu tư lớn nhất của FTX, mỗi bên đã rót vào công ty này khoảng 200 triệu đô la Mỹ.

Vì vậy, cú sụp đổ của FTX, điều khó tưởng tượng chỉ vài ngày trước, đang làm rung chuyển ngành công nghiệp tiền ảo. Shan Jun Fok, đồng sáng lập của Moonvault Partners, một công ty đầu tư tiền ảo, có trụ sở tại Hồng Kông, nói: “Mọi người đều sốc. Rất nhiều người đã tin tưởng FTX là tiêu chuẩn vàng”.

Theo Bloomberg, Reuters, CNN

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ftx-de-don-xin-bao-ho-pha-san-ceo-tu-chuc/