FTA Việt Nam- EAEU chính thức có hiệu lực

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) chính thức có hiệu lưc từ ngày 5/10. Kể từ hôm nay, thuế suất nhập khẩu của gần 5.000 dòng thuế hàng nhập khẩu thuộc các nước Liên minh Á – Âu sẽ được cắt giảm về 0%. Đây được kỳ vọng là cú hích về thương mại cho nền kinh tế Việt Nam.

Từ ngày 5/10, thuế suất nhập khẩu của gần 5.000 dòng thuế hàng nhập khẩu thuộc các nước Liên minh Á – Âu sẽ được cắt giảm về 0%. (Ảnh:Internet)

FTA Việt Nam- EAEU chính thức có hiệu lực trước sự mong chờ của các doanh nghiệp Việt Nam sau hơn 3 năm đàm phán. Khi hiệp định có hiệu lực, 90% thuế suất sẽ được cắt giảm hoặc đưa về 0%, trong đó có 59% được giảm thuế ngay sau khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực và 30% được giảm thuế trong giai đoạn chuyển tiếp đối với khoảng 10.000 hàng hóa.

Ngoài ra, hiệp định cũng quy định việc bảo vệ các quyền đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ, xác định các hướng đi trong hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, thiết lập các nguyên tắc thống nhất về bảo vệ cạnh tranh, quy cách hóa các thủ tục hải quan. Với Hiệp định này, Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận có tính ưu đãi với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng, với GDP tổng cộng là 2.200 tỷ USD và thị trường gần 200 triệu người tiêu dùng.

Đến năm 2017, sẽ có gần 50.000 dòng thuế nhập khẩu trong các nước thuộc 12 Hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký kết sẽ được cắt giảm xuống 0%. Đến năm 2018, có thêm hơn 17.000 dòng thuế nhập khẩu tiếp tục được cắt giảm xuống 0%.

Đặc biệt, Nghị định 137 có hiệu lực từ 5/10 sẽ cắt giảm thuế suất nhập khẩu khẩu gần 5.000 dòng thuế về 0%, chiếm 52,4% tổng dòng thuế hiện hành của các nước thuộc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu. Việc cắt giảm thuế này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập một thị trường rộng lớn, dễ tính, có lợi thế cạnh tranh hàng hóa hơn các nước trong khu vực.

Theo Bộ Tài chính, thuế xuất nhập khẩu đang chiếm 8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Dự kiến trong 3 năm tới, việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế sẽ làm tỷ trọng này giảm xuống còn từ 6-7% và ảnh hưởng không đáng kể đến tổng thu ngân sách Nhà nước.

Cùng với Hiệp định này thì Nghị định thư song phương về việc thành lập tại Việt Nam các dây chuyền lắp ráp sản xuất ô tô các nhãn hiệu nổi tiếng của Nga như Kamaz, Gaz và các nhãn hiệu khác. Những xe ô tô này dự kiến sẽ được tiêu thụ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước ASEAN.

Những chính sách được 2 nước lựa chọn nhằm đơn giản hóa các trao đổi thương mại, phù hợp với tiến trình liên kết đang gia tăng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, các doanh nghiệp Nga kỳ vọng Hiệp định này sẽ là bước tiến để thâm nhập vào thị trường ASEAN.

Đây là lần đầu tiên, vấn đề phòng vệ thương mại được đưa vào Luật để làm cơ sở pháp lý bảo vệ sản xuất trong nước và đảm bảo tính công bằng trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, những trở ngại về giao thông, vận chuyển, thanh toán và rào cản thương mại là những vấn đề đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam rất lo lắng.

T.Tân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/fta-viet-nam-eaeu-chinh-thuc-co-hieu-luc/