Friedrich Engels - người đặt nền móng cho lý luận quân sự của giai cấp vô sản

Friedrich Engels một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, có những cống hiến vô giá vào việc xây dựng lý luận quân sự của giai cấp vô sản và kho tàng khoa học quân sự của nhân loại. Các tác phẩm, bài viết của ông đã cung cấp những cơ sở khoa học để nhận thức đúng đắn hiện tượng chiến tranh, quân đội trong lịch sử thế giới.

Vào đầu những năm 40 của thế kỷ 19, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân (GCCN) vẫn mang tính tự phát, chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Nhu cầu cấp thiết lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp phong trào đấu tranh của GCCN từ tự phát trở thành tự giác, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình. Trong bối cảnh đó, Karl Marx và Friedrich Engels đã dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại để xây dựng nên Chủ nghĩa Marx-một học thuyết mang tính khoa học và cách mạng, bao gồm: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của GCCN trên toàn thế giới.

 Friedrich Engels. Ảnh: pixels.com

Friedrich Engels. Ảnh: pixels.com

Trong hệ thống tác phẩm đồ sộ, như “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”; “Biện chứng tự nhiên”; “Chống Duhring”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”; “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức”... Engels đã đưa ra những quan điểm, lý luận trong lĩnh vực quân sự của giai cấp vô sản. Khi bàn đến những cuộc chiến tranh nhân dân ở các nước nhỏ, Engels chỉ rõ: “Một dân tộc muốn giành độc lập cho mình thì không tự giới hạn trong những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường. Khởi nghĩa quần chúng, chiến tranh cách mạng, các đội du kích ở khắp mọi nơi-đó là phương thức duy nhất nhờ đó mà một dân tộc nhỏ có thể đánh thắng được một dân tộc lớn, một quân đội ít mạnh hơn có thể đương đầu được với một quân đội mạnh hơn và có tổ chức hơn”(1). Cũng theo quan điểm của Engels, “quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”(2); và “quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”(3).

Không chỉ nghiên cứu sự ra đời và bản chất của các kiểu quân đội xuất hiện trong lịch sử, Engels còn đề ra những luận điểm làm nền móng cho việc xây dựng LLVT của giai cấp vô sản để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông đã chứng minh rằng giai cấp vô sản sau khi đã nắm chính quyền trong tay sẽ đứng trước một đòi hỏi tất yếu phải vũ trang bảo vệ thành quả cách mạng. Để xây dựng quân đội vững mạnh, giai cấp vô sản cần phải quan tâm xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cần thiết cho việc sản xuất và trang bị vũ khí cho quân đội; tổ chức giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho toàn dân và cho mọi quân nhân.

Luận giải về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, Engels nhấn mạnh, vai trò của con người giữ yếu tố quyết định, vũ khí, trang bị dù hiện đại, tối tân đến đâu cũng chỉ giữ vai trò quan trọng trong xây dựng quân đội cách mạng của nhà nước vô sản. Hơn nữa, con người trong bảo vệ thành quả cách mạng vô sản chính là đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng của GCCN…

Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Engels, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nội bộ, nhằm mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng ta, xóa bỏ chế độ XHCN và những thành quả cách mạng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 75 năm qua chính là minh chứng hùng hồn cho sức sống của những tư tưởng, lý luận mà Friedrich Engels đã nêu về xây dựng quân đội của GCCN và nhân dân lao động. Cho đến nay, những luận điểm này vẫn nguyên giá trị, tiếp tục là cơ sở khoa học để Đảng ta vận dụng, đề ra đường lối quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân.

NGỌC MINH

(1) Friedrich Engels, Bàn về chiến tranh nhân dân, Nxb Sự thật, Sđd, tr.72.

(2) (3) Karl Marx và Friedrich Engels - Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 242.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/friedrich-engels-nguoi-dat-nen-mong-cho-ly-luan-quan-su-cua-giai-cap-vo-san-603724