Friedrich Ebert: Tổng thống dân chủ đầu tiên của nước Đức

Friedrich Ebert là người lãnh đạo nước Đức vượt qua thời điểm khó khăn sau khi thua trận trong Chiến tranh Thế giới thứ I.

Là vị lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cuộc đời của Tổng thống Friedrich Ebert lại đầy tranh cãi đến tận ngày nay.

Nước Đức sau khi thua cuộc trong Chiến tranh Thế giới thứ I đứng trước một ngã rẽ quyết định. Hoàng đế cuối cùng của Đế quốc Đức Wilhelm II phải trốn sang Hà Lan tị nạn do lo ngại trước ảnh hưởng từ Cuộc Cách mạng Tháng 11 của Nga. Sau khi chiến tranh kết thúc, số người dân Đức chết đói vô kể. Những người lính tàn tật trở về từ chiến trường bơ vơ giữa một xã hội đổ nát.

Trong thời điểm đầy biến động này, Friedrich Ebert, con trai của một thợ may đã quyết định dấn thân vào con đường chính trị. Và ông đã thay đổi vận mệnh nước Đức.

Ông sinh ngày 4/2/1871 tại Heidelberg, là người con thứ bảy trong gia đình có chín người con. Ông vốn là một thợ rèn dao kéo lành nghề với nhiều năm kinh nghiệm đi đây đó để học việc và cũng từng làm chủ quán trọ một thời gian. Với sự siêng năng, tài năng tổ chức thiên bẩm và tinh thần trách nhiệm, Ebert nhanh chóng trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (Đảng SPD).

Cựu Tổng thống Đức Friedrich Ebert.

Cựu Tổng thống Đức Friedrich Ebert.

Giúp nước Đức đi lên từ thất bại

Từ tháng 11/1918, ông Ebert trở thành thành viên ban lãnh đạo chính phủ - một liên minh giữa Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và Đảng Dân chủ Xã hội Độc lập (USPD).

Bản thân Ebert cũng chịu sự ảnh hưởng của cuộc chiến. Hai người con trai trong số năm người con của ông bỏ mạng trên chiến trường. Kể từ đó, ông đề xuất một sự chuyển đổi căn bản đối với nước Đức – chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang một nền cộng hòa dân chủ.

Nhưng thời điểm đó, chính phủ đang đứng trước thách thức cấp bách là xây dựng lại đất nước từ đống đổ vỡ. Đa số dân chúng không chấp nhận sự thật nước Đức đã thất bại trong chiến tranh. Một xã hội đang bị tổn thương cần phải vực dậy tinh thần để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Ebert chính là người mà nước Đức cần lúc này.

Nhà sử học Peter Beule của Viện Friedrich Ebert cho biết: “Ngày nay, Ebert được coi là người tiên phong trong việc xây dựng nền dân chủ Đức, ông đã giải quyết được một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lịch sử nước Đức. Ông đã dẫn dắt đất nước đi lên từ đống đổ vỡ hậu chiến tranh”.

Tuy nhiên, những tổ chức Cánh tả cực đoan lại coi Ebert như một kẻ thù. Lý do là vì ông làm việc với giới tinh hoa cũ trong quân đội và bộ máy quan liêu để thiết lập nền dân chủ. Những thành phần cực đoan buộc tội ông phản bội phong trào lao động. Tình hình ngày càng căng thẳng khi vào ngày 5/1/1919, những thành phần cộng sản quá khích, những người theo chủ nghĩa xã hội và nhóm những người theo chủ nghĩa Marx đã biểu tình tại Berlin với nỗ lực lật đổ chính phủ.

Nội chiến dâng cao khi chỉ còn vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy đã bị dập tắt bởi Ebert, điển hình là Cuộc nổi dậy Tháng Giêng (Spartakusaufstand). Hai người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Đức (KPD) Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg đã bị sát hại ngay sau khi cuộc nổi dậy bị đàn áp.

Friedrich Ebert đã khởi xướng cuộc bầu cử theo hình thức dân chủ đầu tiên tại Đức.

Lần đầu tiên phụ nữ Đức có quyền bầu cử

Cuộc bầu cử Tổng thống Đức diễn ra vào ngày 19/1/1919. Lần đầu tiên hàng triệu phụ nữ Đức được đi bầu cử, đây là minh chứng rõ ràng nhất cho quyền tự do ngôn luận.

Dân tộc Đức là một dân tộc độc lập, tự do và tự cường. Sự tự do là niềm an ủi duy nhất hiện tại đối với người dân Đức, là động lực để họ vươn lên sau chiến tranh và thất bại”. Đây là câu nói của Friedrich Ebert tại buổi khai mạc Phiên họp Quốc hội ngày 6/2 năm 1919 tại Weimar. Năm ngày sau, ông được bầu làm Tổng thống Đức.

Những người phụ nữ Đức xếp hàng trước các điểm bỏ phiếu năm 1919.

Vị Tổng thống bị thù ghét

Kinh tế nước Cộng hòa Weimar thời đó gặp rất nhiều khó khăn do phải trả nợ cho các nước chiến thắng trong Thế chiến I theo Hiệp ước Versailles. Nhưng Friedrich Ebert đã dẫn dắt nước Cộng hòa Weimar non trẻ vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng bằng phong cách chính trị ôn hòa của mình.

Tuy nhiên vẫn còn những nỗ lực đảo chính đến từ các nhóm Cánh hữu và Cánh tả. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đã phát động các chiến dịch bôi nhọ và vu khống Ebert.

Sử gia Walter Mühlhausen đã chia sẻ với Kênh truyền hình Deutsche Welle (Đức): "Đối với một xã hội vẫn còn tàn dư của chế độ quân chủ cũ, người dân sẽ không chấp nhận việc một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, một người thợ rèn và con trai của một thợ may đến từ Heidelberg lên nắm quyền điều hành chính phủ”.

Cuộc biểu tình chống lại Hiệp ước Versailles vào tháng 11 năm 1919.

Ebert mất ngày 28/2 năm 1925 ở tuổi 54. Sự ra đi của ông cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ nền dân chủ Weimar. Vào năm 1933, Adolf Hitler lên nắm quyền điều hành nước Đức và đã phá hủy công trình để đời của Ebert.

Giang Bùi (Nguồn: news.dwnews.com)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/friedrich-ebert-tong-thong-dan-chu-dau-tien-cua-nuoc-duc-ar595325.html