'Frankenstein ở Baghdad': Quái vật bạo lực sản sinh từ bạo lực

Thuộc thể loại viễn tưởng pha kinh dị, châm biếm hài hước về cuộc sống nơi chiến tranh tàn phá của Baghdad, 'Frankenstein ở Baghdad' đã gây ấn tượng mạnh với độc giả.

Đã hai thế kỷ trôi qua từ khi con quái vật Frankenstein của Mary Shelley được ra mắt công chúng. Frankenstein trở thành một "thương hiệu", nỗi ám ảnh bất cứ ai về một sinh vật dị hình dị dạng, gieo rắc sợ hãi cho nhân loại.

Nếu Frankenstein bản gốc chỉ là một sản phẩm nghiên cứu thất bại thì Frankenstein ở Baghdad của Ahmed Saadawi đưa người đọc tới một xã hội siêu thực, đầy rẫy những bất công và hiểm họa khôn lường. Bất chợt một bàn chân hoặc một cánh tay bị bỏ lại trên đường phố. Sau một vụ nổ kinh hoàng, tất cả những gì còn lại chỉ là lớp bụi mỏng.

 Sách Frankenstein ở Baghdad. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Sách Frankenstein ở Baghdad. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Saadawi là một nhà văn người Iraq và Frankenstein ở Baghdad là tiểu thuyết đầu tiên được dịch ra tiếng Anh của ông. Bối cảnh cuốn sách ở Baghdad trong thời gian Iraq có chiến tranh. Bạo lực bè phái lên ngôi. Bom đạn vãi như mưa. Mỗi tiếng nổ vang lên không khác gì hồi chuông của nữ thần báo tử réo gọi từ địa ngục. Cái chết hiện diện trong mọi hang cùng ngõ hẹp, án tử nhiều khi chỉ phụ thuộc vào việc bạn chọn về nhà bằng con đường nào.

Trong hiện thực tàn khốc ấy, Hadi - nhân vật chính của cuốn sách, là một người bán rong nay đây mai đó, một tay chơi đơn giản chỉ cần gái đẹp và rượu ngon. Anh ta đã quen với việc đi thu lượm những món đồ thất lạc trong chiến tranh.

Một ngày nọ, anh hứng thú với việc nhặt nhạnh di thể của những nạn nhân chiến tranh, những mảnh xác bị bỏ lại trên đường phố sau mỗi vụ nổ trong ngày. Hadi cảm thấy họ xứng đáng được chôn cất đàng hoàng vậy nên anh bắt tay vào chắp nối chúng với hy vọng có thể tạo ra một cái xác nguyên vẹn rồi ai đó sẽ chôn cất cho nó. Bi kịch bắt đầu khi Hadi trở về nhà vào buổi tối và sinh vật đáng thương của anh đã biệt tăm biệt tích.

Những gì tiếp theo trong câu chuyện đượm màu huyền ảo này là tổ hợp của kinh dị xen lẫn hài hước. Con quái vật của anh bị cáo buộc là thủ phạm của hàng loạt vụ giết người. Thứ duy nhất các nạn nhân nhớ được là dáng vẻ xấu xí của hung thủ, nên họ bắt đầu lùng sục tất cả những ai trông xấu xí ở Baghdad làm nghi phạm.

Con quái vật không có tên, được gọi là Vô Danh, mang trên mình sứ mệnh thực thi công lí - điều từ lâu đã không còn tồn tại ở Baghdad. Nạn nhân của nó là tay lính đánh thuê người Venezula chuyên tuyển mộ những kẻ đánh bom liều chết đã sát hại nhiều thường dân, tên thủ lĩnh al-Quaeda vốn là kẻ chủ mưu vụ đánh bom xe tải ở quảng trường khiến nhiều người thiệt mạng.

Những kẻ đó mang tội với dân chúng, là những tên châm ngòi chiến tranh và xứng đáng bị trừng phạt. Giống như con quái vật của Mary Shelley, sinh vật do Hadi tạo ra cảm thấy bị hiểu lầm. Gã không phải là tên sát nhân máu lạnh giết người bừa phứa, hắn muốn giải thích.

Vô Danh, từ một cái xác không hồn, tự cho mình là người chấp pháp tại một quốc gia không còn tồn tại luật pháp. Vô Danh nhận định: "Cái tệ hơn là người ta đã đổ tiếng xấu cho ta. Họ buộc tội ta đã thực hiện những tội ác đó, nhưng điều họ không hiểu được là: Ta là công lý duy nhất hiện hữu ở đất nước này".

Gã cho rằng chính vì gã được tạo thành từ các bộ phận thân thể của nhiều người, từ các sắc tộc khác nhau, tầng lớp khác nhau, nên gã đại diện cho sự pha trộn đa dạng chưa từng có trong quá khứ.

Trong một cuộc phỏng vấn về cuốn sách, Saadawi giãi bày việc sáng tác Frankenstein ở Baghdad là cách để đương đầu với một thực tế tàn khốc theo cách không giống ai. Ông nói: "Yếu tố giả tưởng làm tăng thêm niềm vui cho tác phẩm, giảm bớt sự tàn nhẫn của hiện thực, khiến câu chuyện đặt trong bối cảnh hiện đại nhưng đầy chất ngụ ngôn".

Một vài người nghĩ rằng con quái vật định hình của nỗi sợ hãi sâu trong lòng người, nhưng Saadawi đã chứng minh nó còn hơn thế nữa. Khi những mảnh ghép cơ thể bắt đầu thối rữa, Vô Danh buộc phải ra tay với bất cứ ai hắn gặp trên đường. Lúc này hắn ngụy biện rằng ai trong chúng ta không có một chút xấu xa nào. Cái ác vẫn sẽ luôn hiện hữu ở thành phố này, khi con người còn đối xử tàn ác với nhau.

Kết cục của Frankenstein của Mary Shelley là cái chết, vậy còn Frankenstein ở Baghdad, liệu chăng có lối thoát nào cho một sinh vật thông minh và độc ác như vậy không?

Hạnh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/frankenstein-o-baghdad-quai-vat-bao-luc-san-sinh-tu-bao-luc-post1217850.html