FPT Telecom, VNPT, CMC Telecom dẫn đầu về tỷ lệ triển khai IPv6

Theo số liệu về tỷ lệ triển khai IPv6 của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam tính đến 31/10/2017, trong 18 ISP đã triển khai IPv6, FPT Telecom dẫn đầu với hơn 34,6%. Vị trí thứ 2 và 3 lần lượt thuộc về VNPT và CMC Telecom.

VNNIC cho biết, theo số liệu thống kê của APNIC, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng mạnh từ tháng 4/2016 (Ảnh minh họa)

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vừa công bố phát hành “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017” tại sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam (1997 - 2017) diễn ra ngày 22/11 vừa qua.

Được xuất bản với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017” nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về kết quả tăng trưởng, phát triển tài nguyên Internet của Việt Nam năm 2017.

Một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển vừa qua của Internet Việt Nam chính là công tác triển khai, thúc đẩy phát triển ứng dụng địa chỉ Internet phiên bản mới IPv6, thay thế cho nguồn IPv4 đã cạn kiệt. Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được thành lập vào năm 2009 để nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.

Tiếp đó, năm 2011, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với 3 giai đoạn: Chuẩn bị (2011 - 2012); Khởi động (2013 - 2015); và Chuyển đổi (2016 - 2019), với mục tiêu đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền tảng công nghệ IPv6. VNNIC cho biết, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng mạnh từ tháng 4/2016.

Tỉ lệ tăng trưởng người dùng IPv6 của Việt Nam (Nguồn: APNIC)

Trong báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam năm nay, VNNIC nhận định, một trong những điểm nhấn của năm 2017 là tỷ lệ địa chỉ IPv6 được đưa vào sử dụng tiếp tục tăng trưởng tốt. Cụ thể, Theo thống kê từ hệ thống Trung tâm mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tính đến ngày 31/10/2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10% (khoảng 4,3 triệu người sử dụng IPv6), đứng thứ 3 trong số các quốc gia sử dụng IPv6 ở khu vực ASEAN, sau Malaysia, Thái Lan; và đứng thứ 5 tại khu vực châu Á, sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan.

Tỉ lệ triển khai IPv6 phân bổ theo các nhà cung cấp dịch vụ Internet - ISP tính đến ngày 31/10/2017 (Nguồn: APNIC)

Báo cáo mới được VNNIC công bố cũng cho hay, với tỷ lệ triển khai là 34,61% và 7,92%, FPT Telecom và VNPT là 2 doanh nghiệp dẫn đầu trong danh sách 18 ISP đã triển khai IPv6. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về CMC Telecom (1,2%); NetNam (0,4%); Viettel CHT (0,28%); PDS; Superdata; MobiFone; QTSC; SCTV; Viettel Group; SPT; Vietnamobile; VTC Digicom; Hanoi Telecom; VNTT; VTCWLB và MobiFone Global.

VNNIC cho biết, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam có được là do kết quả triển khai tốt dịch vụ IPv6 của 2 doanh nghiệp tiêu biểu là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển Internet quốc gia - VNIX.

Cụ thể, theo thống kê của APNIC, tính đến tháng 7/2017, FPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 882.230 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Đến ngày 31/10/2017, tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom đạt 34,61%.

Với VNPT, đến tháng 7/2017, nhà mạng này đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 500.000 thuê bao khách hàng băng rộng cố định trên 22 tỉnh, thành phố; thử nghiệm triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6; tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của Tập đoàn tăng trưởng bứt phá từ 0,03% vào tháng 1/2017 lên khoảng 7,92% vào cuối tháng 10/2017.

Trong mảng dịch vụ nội dung, Báo VnExpress hiện là đơn vị đầu tiên đã chuyển đổi thành công dịch vụ IPv6 cho các chuyên trang chính và trang chủ của Báo với 13 website cung cấp dịch vụ nội dung số đã được chuyển đổi thành công, bao gồm trang chủ VnExpress.net; Tỉ lệ lưu lượng IPv6 trong nước đạt khoảng 6,5%, đi quốc tế đạt khoảng 13% với số lượng người dùng truy cập dịch vụ nội dung khoảng 1.034.000/ngày.

Biểu đồ tăng trưởng địa chỉ IPv6 qua các năm, tính đến cuối tháng 10/2017.

Theo “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017”, trong năm nay số lượng tên miền “.VN” chạy IPv6 đã tăng trưởng đột phá với 4.155 tên miền, tính đến ngày 31/10/2017. Báo cáo cũng ghi nhận, đến cuối tháng 10/2017, có 27 website của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã hoạt động với địa chỉ IPv6.

VNNIC cũng khuyến nghị, các website sau khi kích hoạt thành công IPv6 nên triển khai xin chứng nhận IPv6 Ready Logo. Hiện tại Việt Nam đã có 28 website được chứng nhận IPv6 Ready Logo từ IPv6 Forum.

M.T

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/internet/fpt-telecom-vnpt-cmc-telecom-dan-dau-ve-ty-le-trien-khai-ipv6-161532.ict