FPT Retail tham vọng chiếm 30% thị phần bán lẻ dược phẩm như thế nào?

Chiều ngày 28/5, Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của công ty ở mức khoảng 5.000 tỷ đồng.

Mục tiêu chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc

Theo đánh giá của Vietnam Report, trong những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2013-2018 là 10,97%.

Tổng doanh thu bán lẻ cũng dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các kênh bán lẻ kỹ thuật số và thương mại điện tử cũng rất đáng lưu tâm trong thời gian tới.

Thêm vào đó, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa trong nhóm nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, do đó ngành bán lẻ được dự báo sẽ còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, ENT đã và đang hạn chế khả năng mở từ cửa hàng bán lẻ thứ hai trở đi của doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ chưa vấp phải cạnh tranh đáng kể từ các tập đoàn bán lẻ ngoại cho đến năm 2024, khi ENT được dỡ bỏ (5 năm từ khi CPTPP có hiệu lực).

Với ngành dược, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Dân số già đi cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Chính vì thế, thị trường dược phẩm ở Việt Nam được xem là khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, hãng nghiên cứu thị trường Ken Research cũng dự báo doanh số thị trường dược phẩm tại Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2020 – 2022, cụ thể là từ 7,6 tỷ USD lên 10,1 tỷ USD.

Tương tự, Hãng nghiên cứu IMS Health cũng dự báo, mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm vào năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015 - 2017.

Hiện nay, thị trường bán lẻ dược phẩm tại nước ta đang rất phân mảnh. Với thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe đang ngày càng tăng, người dân có xu hướng lựa chọn các nhà thuốc hiện đại, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), thay vì các nhà thuốc nhỏ, không đủ tiêu chuẩn. Quá trình chuyển dịch này đang được đẩy nhanh một phần nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua nhà thuốc.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh của nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Do đó, năm 2020, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 15.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 220 tỷ đồng.

Nhận thấy được những cơ hội cũng như thách thức của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, FPT Retail tập trung tổng lực để đẩy lùi khó khăn và nắm bắt thời cơ. FPT Retail định hướng nâng cao hiệu quả kinh doanh trên cửa hàng, bán lẻ dược phẩm, đầu tư công nghệ.

Cụ thể, năm 2020, FPT Retail tiếp tục chú trọng đến việc tăng doanh thu của hệ thống cửa hàng bằng việc đưa vào các sản phẩm mới theo hình thức shop – in – shop để nâng cao hiệu quả doanh thu trên cửa hàng. Bên cạnh đó, FRT cũng sẽ tối ưu hóa chi phí hoạt động tại cửa hàng bằng cách tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ mới.

Sau khi tìm được công thức thành công cho chuỗi Long Châu, trong năm 2020, FPT Retail dự kiến mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 220 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc.

Trong kế hoạch dài hạn, FPT Retail định hướng phát triển mảng dược phẩm một cách quy hoạch và kiểm soát bài bản giống như việc vận hành hệ thống bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số của công ty. Theo đó, công ty sẽ tập trung xây dựng mảng hậu cần logistic, tăng số lượng nhà thuốc, phát triển đội ngũ nhân sự.

Được biết, ngành bán lẻ dược phẩm phân chia thành ba kênh: kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc. FPT Retail tiếp tục kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của công ty ở mức khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2020, FPT Retail sẽ đầu tư xây dựng nền tảng bán lẻ chuẩn để làm tiền đề đẩy nhanh các hướng kinh doanh mới.

FPT Retail tiếp tục kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới.

FPT Retail tiếp tục kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới.

Dược phẩm và kinh doanh online là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh 2019

Năm 2019, FPT Retail đạt doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2018. Đáng chú ý, doanh thu online đạt mức 3.899 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,4% tổng doanh thu của công ty.

Năm 2019, kinh doanh phụ kiện và SIM số là điểm sáng khi đạt tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể: số lượng phụ kiện và sim số bán ra lần lượt đạt 5,2 triệu và 858.000 sản phẩm, lần lượt tăng 29% và 67% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 278 tỷ đồng, giảm 36%.

Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, tác động mạnh và đa chiều tới các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, FPT Retail đã nhanh chóng thích ứng, tìm kiếm cơ hội trong thách thức và thu về một số kết quả khả quan trong quý 1 vừa qua. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 1, FPT Retail có doanh thu tăng nhẹ lên 4.093 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 47 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng so với quý 4/2019.

Doanh số nhà thuốc Long Châu đạt 239 tỷ đồng tăng 20% so với quý 4 năm 2019, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2019.FPT Retail tiếp tục tập trung đẩy mạnh bán hàng online đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid, doanh số online quý 1 năm 2020 đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 20% so với quý 4 năm 2019; chiếm 27% tổng doanh số FRT.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 5/2020, hệ thống Long Châu đã chính thức cán mốc 110 nhà thuốc, phục vụ hàng chục triệu lượt khách tại hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước.

Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận của năm 2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (1.000 đồng/1 cổ phiếu) và dự kiến chi trả vào quý 3/2020. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ không lớn hơn 15% (1.500 đồng/1 cổ phiếu) cũng được thông qua. Ngoài ra, cổ đông FPT Retail đã thông qua việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 – 2022 đối với ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Thành viên độc lập Hội đồng quản trị.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/doanh-nghiep/fpt-retail-tham-vong-chiem-30-thi-phan-ban-le-duoc-pham-nhu-the-nao-92543.html