FPT Retail tham chiếm thị trường dược phẩm

Việc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã FRT, sàn HOSE) vừa thành lập Công ty cổ phẩn Dược phẩm FPT Long Châu được coi như một lời tuyên bố tham chiến trên thị trường bán lẻ dược phẩm. Liệu doanh nghiệp này có đủ sức đua tranh trên đường đua mới còn nhiều khúc quanh khó lường?

Hiệu ứng mới trên mảng bán lẻ dược phẩm

Vừa qua, Hội đồng Quản trị FPT Retail đã công bố nghị quyết về việc thành lập công ty con là Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu. FPT Long Châu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. FPT Retail sẽ nắm 75% vốn của FPT Long Châu, tương đương giá trị 75 tỷ đồng.

Xuất thân là một doanh nghiệp phân phối các sản phẩm công nghệ, nhưng việc FPT Retail tiến quân vào mảng bán lẻ dược phẩm cũng không phải là động thái gì khác người, bởi nhiều doanh nghiệp có tính chất tương tự cũng đã có những động thái mở mang sang vùng đất mới này.

FPT Retail không muốn lép vế so với những đối thủ trên sân chơi mới

Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG, sàn HOSE) gia nhập thị trường dược phẩm vào tháng 8/2017, với chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới Số (mã DGW, sàn HOSE) cũng có động thái tham gia thị trường phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Về phía FPT Retail, công ty này thực chất đã tiếp quản lại chuỗi nhà thuốc Long Châu từ tháng 1/2017 và các động thái này cho thấy FPT Retail không muốn lép vế so với những đối thủ trên sân chơi mới. Đến nay, việc thành lập FPT Long Châu như một lời tuyên bố sẵn sàng quyết đấu để giành vị thế vững chắc hơn tại sân chơi mới giàu hứa hẹn này của FPT Retail.

Một chút hoài nghi về sức bền

Việc tiến quân sang mảng dược phẩm cho thấy FPT Retail hoàn toàn tự tin vào năng lực của mình khi đã vững chân trong mảng phân phối sản phẩm công nghệ và sẵn sàng tung quân oanh tạc sân chơi mới. Tình hình kinh doanh vẫn trên đà tăng tốc cũng phần nào tạo sự yên tâm trong giới đầu tư về khả năng hiện thực hóa những tham vọng mới, nhưng không phải không còn những hoài nghi về sức bền của Công ty.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2018, FPT Retail đạt doanh thu thuần 7.448 tỷ đồng, tăng 1.093 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 146,5 tỷ đồng, tăng 33,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Theo bà Nguyễn Bạch Diệp, Tổng giám đốc FPT Retail, doanh số 6 tháng đầu năm của Công ty tăng có phần đóng góp từ doanh số của hoạt động bán hàng trả góp F-Friends, chương trình bán hàng trợ giá được triển khai từ cuối năm 2017. Ngoài ra, chi phí biên nửa đầu năm 2018 cũng giảm so với cùng kỳ 2017, giúp lợi nhuận sau thuế tăng.

Nhưng diễn biến dòng tiền cho thấy, Công ty đang phải bơm khá nhiều tiền để tiếp sức cho các hoạt động kinh doanh. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2018 bị âm tới 890 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ âm gần 51 tỷ đồng). Trong đó, dòng tiền trong kỳ phải tập trung vào việc gia tăng tích trữ hàng tồn kho. Hàng tồn kho tại thời điểm đầu năm 2018 là 1.723 tỷ đồng, thì đến giữa năm đã tăng lên mức hơn 1.900 tỷ đồng.

Thực tế, việc phải gia tăng hàng tồn kho là cần thiết trong xu hướng hoạt động bán hàng được đẩy nhanh hơn, nhưng điều này cũng kèm theo áp lực gia tăng chi phí tài chính. Ngoài ra, tính chất hàng công nghệ nhanh lạc hậu cũng kéo theo rủi ro hàng tồn kho sẽ mất giá nhanh. trong nửa đầu năm 2018, FPT Retail phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 9,3 tỷ đồng.

Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch tăng doanh thu lên mức 16.020 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lên mức 377 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/fpt-retail-tham-chiem-thi-truong-duoc-pham-d88320.html