FPT IS đã được 'truyền lửa' để tự tin chinh phục thị trường toàn cầu

Trong những năm qua, Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của cơ quan, ban, ngành, trong đó đặc biệt là sự hợp tác từ Bộ Tài chính. Đầu xuân, Báo Hải quan có cuộc trao đổi cùng ông Trần Phong Lãm (ảnh), Tổng giám đốc Khối ngành Tài chính công –FPT IS về sự hợp tác này và những mong đợi của doanh nghiệp trong sự chinh phục thị trường quốc tế trong năm mới.

Ông Trần Phong Lãm, Tổng giám đốc Khối ngành Tài chính công –FPT IS

Ông Trần Phong Lãm, Tổng giám đốc Khối ngành Tài chính công –FPT IS

FPT IS và Bộ Tài chính đã có nhiều năm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Ông có đánh giá gì về sự hợp tác này? Bước sang năm 2019, doanh nghiệp có đặt kỳ vọng như thế nào về sự hợp tác giữa hai bên?

Với lịch sử hợp tác từ năm 1995, mối quan hệ hợp tác giữa FPT IS và Bộ Tài chính mang tính “hợp tác chiến lược” ở cả chiều sâu và chiều rộng. FPT IS luôn dành nguồn lực ưu tiên phục vụ tận tụy cho ngành Tài chính với sự đầu tư bài bản cả về năng lực và tinh thần làm việc. Hầu hết hệ thống phần mềm nghiệp vụ cốt lõi đều được ngành Tài chính tin tưởng giao cho FPT phát triển, triển khai, vận hành. Ngoài ra, các hệ thống hạ tầng quan trọng cũng có đóng góp của FPT IS.

Không chỉ là đơn vị triển khai, FPT IS còn đi đầu trong việc đề xuất ứng dụng các giải pháp mới, liên tục hỗ trợ Bộ Tài chính hoàn thiện hệ thống CNTT của ngành.

Được sự tin tưởng của ngành Tài chính, Tập đoàn FPT thực hiện các dự án trọng yếu từ đó đã giúp FPT IS tích lũy kho kinh nghiệm quý báu qua việc triển khai thành công ở trong nước và nước ngoài. Như thành công từ dự án TABMIS cho Bộ Tài chính Việt Nam là cơ sở quyết định để FPT IS được chọn triển khai hệ thống thông tin quản lý tài chính cho Chính phủ hoàng gia Campuchia hay các dự án về hạ tầng, trung tâm dữ liệu chính là nền tảng để FPT IS có được dự án Xây dựng trung tâm dữ liệu cấp quốc gia cho Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar… Nói cách khác, Bộ Tài chính Việt Nam đã “truyền lửa” để FPT IS tự tin đi chinh phục thị trường toàn cầu hóa, khẳng định năng lực, trí tuệ của người Việt Nam.

Bước sang năm 2019, với quan hệ bền chặt đã được hai bên xây dựng, FPT IS hy vọng sẽ tiếp tục được ngành Tài chính tin tưởng trong việc đề xuất, triển khai các bài toán ứng dụng chuyển đổi số như đã nêu ở trên.

FPT IS sẽ cung cấp những sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nào để hỗ trợ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan… trong việc cải cách thủ tục hành chính, trong năm mới 2019, thưa ông?

FPT IS tự hào là đơn vị CNTT xây dựng phần lớn các hệ thống lõi quan trọng gắn liền với từng giai đoạn phát triển và tiến trình cải cách hành chính của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc trong 25 năm qua. Các hệ thống tiêu biểu, bao gồm:

Hệ thống Quản lý thuế tập trung, đến nay khoảng 99% doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử và hơn 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; Triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố với số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia đạt 95,31% và số lượng doanh nghiệp thực tế sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt trên 80%; số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm từ mức 537 giờ/năm, xuống còn 117 giờ/năm.

Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đã cung cấp các báo cáo tài chính về dự toán, thu, chi ngân sách Nhà nước; Báo cáo quản, điều hành ngân sách nhà nước một cách nhanh chóng và chính xác...

Đối với ngành Hải quan, FPT IS vinh dự là đối tác CNTT chiến lược của Tổng cục Hải quan trong 10 năm qua với vai trò là đơn vị triển khai các hệ thống lớn góp phần quan trọng trong công cuộc đưa CNTT hiện đại hóa ngành Hải quan. Những là trọng điểm, lớn nhất trong lịch sử ngành Hải quan đều ghi dấu ấn của FPT IS.

Hệ thống thông quan điện tử, hệ thống quản lý rủi ro… do FPT IS triển khai đã góp phần giúp Tổng cục Hải quan thay thế gần như hoàn toàn nghiệp vụ thông quan thủ công, đáp ứng các nghiệp vụ cốt lõi phục vụ thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống phục vụ hơn 3.000 người sử dụng thường xuyên thuộc Tổng cục Hải quan, 35 cục Hải quan và hơn 300 chi cục trên toàn quốc.

Với sự hỗ trợ từ hệ thống phần mềm, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện trên nền tảng quản lý rủi ro góp phần giúp ngành Hải quan thực hiện thành công việc cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội, tăng hiệu quả quản lý và nâng cao hình ảnh ngành Hải quan đối với xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại cảng biển (VASSCM) được FPT IS triển khai thí điểm tại cảng Hải Phòng từ cuối năm 2017, sau đó được Cục Hải quan các địa phương thực hiện diện rộng. Hệ thống giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục giao nhận hàng xuống 5-7 lần so với trước đây, đồng thời tiết kiệm được 253 giờ công lao động/ngày do không phải xuất trình chứng từ giấy tại hải quan giám sát.

Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển của FPT IS có một phần lớn là lịch sử đồng hành và hợp tác cùng Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc. Chúng tôi rất vinh dự và trân trọng những bài học đã có được qua mỗi dự án, mỗi cơ hội được hợp tác cùng ngành xây dựng các hệ thống CNTT.

Trong thời gian tới, với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu thực hiện chuyển đổi số trở thành động lực phát triển của mọi lĩnh vực, FPT IS cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Tài chính không ngừng nâng cấp, mở rộng, phát triển hơn nữa các giải pháp CNTT phục vụ cho từng công tác nghiệp vụ của ngành.

Hiện FPT đang đề xuất với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp chuyển đổi số như: Ứng dụng Big Data đối với công tác dự báo và phát hiện rủi ro gian lận trong kê khai, hoàn thuế, nộp thuế; Ứng dụng Blockchain trong công tác phối hợp thu ngân sách giữa Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan-Kho bạc Nhà nước-Ngân hàng; Ứng dụng Chatbot/AI trong việc hỗ trợ tự động.

Ông có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách để lĩnh vực CNTT phát triển nhanh và mạnh hơn nữa?

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất đối với các dự án CNTT vốn trong nước là quy định thủ tục đầu tư. Cụ thể, các bước thực hiện quá phức tạp và kéo dài ngay từ khâu chuẩn bị dự án và cả đến khi thi công hay cách tính giá trị đối với phần mềm và dịch vụ có nhiều bất cập – gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và đơn vị triển khai. Vướng mắc và khó khăn này đã được đề cập rất nhiều trên các diễn đàn, hội thảo, báo chí trong những năm vừa qua.

Hiện Bộ Thông thông tin và Truyền thông đang dự thảo và xin ý kiến về nghị định quy định quản lý đầu tư CNTT, cụ thể là việc sửa đổi Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định về thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước theo hướng mở, loại bỏ những điểm bất cập trong quy định về đầu tư CNTT.

Không chỉ các cơ quan, ban ngành thuộc khối Chính phủ có đầu tư CNTT, mà cả các doanh nghiệp CNTT trong đó có FPT IS cũng đang trông chờ việc ban hành sớm văn bản này. Ngoài ra, FPT IS mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành sớm hướng dẫn về các tính giá trị phần mềm, dịch vụ trong mô hình cho thuê dịch vụ CNTT để FPT IS có cơ hội phát huy thế mạnh của mình với mô hình này.

Chúng tôi tin tưởng rằng, khi đã có sự thống nhất các nội dung này, thì các kế hoạch thực hiện chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ mới của Bộ Tài chính nói riêng và các bộ, ngành nói chung cũng sẽ sớm được thực hiện, đưa Việt Nam trở thành quốc gia bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Được biết Bộ Tài chính đã có Nghị quyết Ban cán sự Đảng “Về việc triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng 4.0 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách”. FPT IS mong muốn Bộ Tài chính sớm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết này bằng các dự án với các mốc thời gian xác định.

Đỗ Hòa (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/fpt-is-da-duoc-truyen-lua-de-tu-tin-chinh-phuc-thi-truong-toan-cau-99453.html