FPT bị tố xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả, thu lời bất chính

FPT bị tố cố ý khai thác hàng nghìn nội dung của POPS và đối tác để chiếu trên hệ thống truyền hình trả tiền của doanh nghiệp này, thu lời bất chính, trong khi đó đây hoàn toàn là những nội dung miễn phí được chiếu trên kênh YouTube POPS Kids và App của POPS.

 Một nhãn hiệu bị tố khai thác trái phép trên kênh truyền hình của FPT

Một nhãn hiệu bị tố khai thác trái phép trên kênh truyền hình của FPT

POPS World Wide, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giải trí kỹ thuật số, tố Tập đoàn FPT có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả đối với các nội dung thuộc quyền sở hữu và quyền khai thác của POPS trên nền tảng đầu thu FPT.

“FPT đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện một cách cố ý nhằm khai thác và thu lợi trái phép 303 nội dung thuộc sở hữu của POPS và hơn 1.500 nội dung của đối tác trên truyền hình FPT”, POPS nêu.

Ngày 9/5, POPS và FPT đã gặp nhau, đại diện FPT thừa nhận hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của POPS. FPT chấm dứt hành vi xâm phạm và tháo gỡ tất cả các nội dung của POPS và đối tác trên truyền hình FPT trong vòng 24 tiếng.

FPT phải trao trả chi phí nội dung mà POPS đã chi để sản xuất, mua bản quyền, chi phí về quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả các nội dung bị FPT xâm phạm, cùng toàn bộ doanh thu mà FPT thu được từ việc kinh doanh trái phép các nội dung của POPS và đối tác.

Nhãn hiệu POPS KID bị khai thác trái phép

Về việc bồi thường thiệt hại và trao trả chi phí, doanh thu, đại diện FPT đưa ra phương án giải quyết chi tiết cho POPS chậm nhất vào ngày 16/5. Tuy nhiên, đến ngày 24/5, phía FPT không có động thái phản hồi nào thêm về các điểm đã thống nhất trong cuộc họp.

“Đơn vị này đã ủy quyền bên thứ ba để gửi đến POPS công văn yêu cầu hợp tác, tuyệt nhiên, không nhắc đến bất cứ lời nào về việc giải quyết hành vi xâm phạm”, phía POPS cho hay.

Việc FPT xóa nhãn hiệu, tên thương mại POPS khỏi các logo được gắn trên các nội dung này như “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay vào đó là nhãn hiệu FPT là hành vi cố tình làm cho người sử dụng dịch vụ hoặc các bên liên quan bị nhầm lẫn, tin rằng giữa POPS và FPT có mối liên hệ nào đó, trong khi thực tế không phải như vậy.

Đối với người dùng Việt Nam, đây là thiệt hại lớn. Thay vì có thể xem các nội dung này trên kênh YouTube POPS Kids hay trên app của POPS miễn phí, họ phải trả cho FPT một khoản tiền không nhỏ mỗi tháng.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/fpt-bi-to-xam-pham-nghiem-trong-quyen-tac-gia-thu-loi-bat-chinh-163845.html