Foxconn: Mắc kẹt trong thương chiến

Foxconn đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong nhiều năm qua.

Hầu như không có công ty nào trải qua thời đại toàn cầu hóa tốt hơn Hon Hai, nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Được biết đến với cái tên Foxconn Technology Group, công thức làm nên thành công của Tập đoàn là những nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc được vận hành bởi lực lượng lao động giá rẻ vô cùng hùng hậu, vị thế gần các nhà cung cấp, sự phụ thuộc vào thương mại tự do cùng sự yêu thích của thế giới đối với các thiết bị đại chúng như điện thoại.

Trong 15 năm qua, Foxconn đã giành được các hợp đồng lớn sản xuất máy tính cá nhân (PC) và smartphone cho các thương hiệu như Apple, Dell và Huawei. Cùng với các đối thủ từ Đài Loan như Quanta Computer, Pegatron và Wistron, thì Foxconn đã dẫn đầu một cuộc đua đưa quy trình sản xuất trở nên rẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nhưng thứ Ba tuần qua chính là thời khắc lịch sử của Foxconn khi Tập đoàn tổ chức cuộc họp nhà đầu tư lần đầu tiên. Nội dung cuộc họp diễn ra ở Tucheng cho thấy những thách thức của một công ty vừa là hãng lắp ráp lớn nhất thế giới điện thoại iPhone của Apple và cũng là nhà sử dụng lao động khu vực tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc.

Trong đó, 2 vấn đề nan giải nhất là làm thế nào Foxconn đối phó với những căng thẳng chính trị cùng với việc giải bài toán công nghệ khi sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phá vỡ mô hình kinh doanh của các công ty dịch vụ sản xuất điện tử Đài Loan - những công ty thống trị chuỗi cung ứng công nghệ tiêu dùng.

Hai thách thức lớn

Thực vậy, Foxconn đang bị mắc kẹt vào cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn tác động trực tiếp đến ngành công nghệ. Đồng thời, Tập đoàn cũng cố gắng thích ứng với tác động của AI, vốn đang dẫn dắt một xu thế chuyển đổi trên thị trường từ sản xuất đại trà (vốn giúp Foxconn tăng trưởng thần tốc trong nhiều năm qua) sang sản xuất các sản phẩm ngách, có biên lợi nhuận cao hơn.

Thị trường cảm nhận được sức ép này của Hon Hai, khiến giá cổ phiếu giảm tới 51% trong 2 năm qua. Mới đây, Terry Gou, ông chủ của Tập đoàn, khuyến cáo về một cơn bão trong nền kinh tế toàn cầu gây nên bởi cuộc chiến thương mại khi Chính phủ Mỹ nâng thuế quan lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và đưa Huewei vào danh sách đen vào tháng 5 vừa qua.

Trước diễn biến đó, các nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan đã phải vội vàng chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng nỗ lực này đã gặp rất nhiều khó khăn. “Gần như không thể sao chép hệ sinh thái mà chúng ta có ở Trung Quốc một cách nhanh chóng. Đầu tiên là không đủ nhân lực. Thứ 2 là thiếu mạng lưới các nhà cung cấp như nhà sản xuất tấm pin, các công ty đúc khuôn, các nhà sản xuất linh kiện... Đó là nỗi đau đầu rất lớn”, Jean-Frederic Kuentz, đối tác cấp cao tại McKinsey, nhận định.

Trong khi đó, những thay đổi lớn do AI mang đến lại đang phá bĩnh thị trường smartphone. Năm ngoái, lượng smartphone bán ra trên toàn cầu (smartphone chiếm tới hơn phân nửa doanh thu của Foxconn) đã giảm 4,5% còn chỉ 1,39 tỉ chiếc và năm nay sẽ giảm 3,1%, theo Canalys. Các chuyên gia tin rằng cho dù tăng trưởng quay trở lại vào năm tới thì với sự phổ biến của 5G, những ngày bùng nổ của smartphone đã trở thành dĩ vãng.

“Đối với nhiều chức năng có trên smartphone hiện nay, bạn sẽ không bao giờ còn cần đến nữa”, Yu Kai, đồng sáng lập AISpeech, một startup nhận diện giọng nói Trung Quốc mà Foxconn rót vốn đầu tư, nhận định. “Một số chức năng sẽ bị qua mặt bởi loa thông minh, những chức năng khác thì bị loại bỏ bởi những thiết bị gia đình và nhiều chức năng hơn sẽ mất tác dụng trước sự xuất hiện của các ứng dụng trong ô tô. Chúng ta thậm chí có thể nhìn thấy được cái ngày mà khái niệm thiết bị trở nên lỗi thời khi bạn tương tác qua giọng nói hoặc nhận diện hình ảnh xung quanh”, ông nói thêm.

Một số phân khúc mới dựa trên AI như loa thông minh đang phát triển rất nhanh. Các ứng dụng trong ngành ô tô, dịch vụ y tế và ngành robot học cũng cho mức sinh lợi ngày càng cao. Nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng các phân khúc này quá nhỏ và yêu cầu quá cao về mặt công nghệ, khiến các hãng Đài Loan không thể nhanh chóng thay thế nguồn doanh thu và lợi nhuận từ các sản phẩm công nghệ thông tin (IT) hiện có của mình.

Họ cũng cho rằng việc tập trung vào quy mô - một chiến lược đã là động lực tăng trưởng cho Foxconn và các đối thủ Đài Loan trong các chu kỳ công nghệ vừa qua với máy tính xách tay, máy tính bảng và smartphone - đang khiến cho các công ty này khó thích ứng với tình hình mới. “Khi HP, IBM, Dell và Apple gõ cửa hợp tác với các đơn hàng sản xuất khổng lồ, thì người Đài Loan chưa bao giờ mở rộng sang các sản phẩm có khối lượng thấp nhưng có biên lợi nhuận cao hơn và cũng có tính chất công nghệ cao hơn. Họ thực sự đã bỏ lỡ điều này. Vì thế, vấn đề mà họ đối mặt trở nên phức tạp hơn nhiều bởi vì ở những phân khúc ngách mà có tăng trưởng thì những ai trong ngành dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) hiện tại sẽ không hưởng lợi được gì”, một chuyên gia phân tích nhận định.

Một số chuyên gia tin rằng một vài công ty sản xuất theo hợp đồng trong khu vực đã đánh mất mảng IT vào tay Foxconn cách đây 10 năm có thể trở thành những người hưởng lợi lớn nhất từ các phân khúc mới này. Có thể kể tên Venture và Flextronics (Singapore) khi cả hai đều sở hữu các bộ phận kinh doanh lớn chuyên sản xuất phần cứng điện tử cho ngành y tế. Liu Rufeng, Phó Chủ tịch AI Speech, chuyên làm việc với các nhà sản xuất để phát triển giải pháp phần cứng cho các ứng dụng nhận diện giọng nói của Công ty, cũng cho biết các công ty EMS truyền thống gần như vắng bóng ở những phân khúc mới này (như phân khúc sản phẩm điện tử trong ô tô).

Nhiều nhà sản xuất theo hợp đồng lớn của Đài Loan lại đang vất vả đối phó với những thách thức AI giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể gia tăng thêm sức ép lên biên lợi nhuận và buộc một số công ty phải suy nghĩ lại cách họ tổ chức hoạt động.

Pegatron, đối thủ lớn của Foxconn, đã phải chuyển một số cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Indonesia. Công ty cũng đang xây dựng nhà máy ở Việt Nam và đang tính lập cơ sở sản xuất ở Ấn Độ. Các nhà điều hành doanh nghiệp cũng rất thận trọng với việc dời cơ sở sản xuất qua biên giới cách hàng ngàn cây số vì điều đó sẽ thay đổi đáng kể cơ cấu chi phí của hoạt động sản xuất. Tung Tzu-hsien, Chủ tịch kiêm CEO Pegatron, cho biết không quốc gia nào khác mang lại môi trường đầu tư hấp dẫn như Trung Quốc, với một lực lượng lao động khổng lồ có thể cung cấp cho các công ty lên tới hàng trăm ngàn lao động, những chính sách nhà nước nhất quán cùng mạng lưới rộng khắp các nhà sản xuất linh kiện ở gần đó. “Lợi thế như vậy sẽ không có ở bất cứ nơi nào khác”, ông nói.

Wistron, nhà lắp ráp lớn thứ 3 sản phẩm iPhone của Apple, đã chứng kiến tỉ lệ đóng góp từ mảng smartphone của Hãng giảm xuống còn chỉ 15% doanh thu trong quý IV/2018, bằng chưa tới phân nửa mức đóng góp cách đây 1 năm. Simon Lin, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wistron, kỳ vọng doanh thu smartphone sẽ ổn định ở mức thấp hơn này nhưng đồng thời Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy smartphone ở Ấn Độ. Khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao Wistron không dần rút khỏi mảng smartphone nếu mảng này tạo sức ì lên lợi nhuận thì Lin giải thích, Công ty sẽ phải cực kỳ thận trọng với bất kỳ khoản đầu tư thêm nào. “Họ giống như bị choáng váng, bối rối trước tình thế đột ngột này”, một nhà đầu tư vào Wistron cho biết.

Hành động của Foxconn

Nhưng điều đó lại không thể dùng để nói về Foxconn. Terry Gou, ông chủ của Foxconn, liên tục tái đầu tư vào đế chế của mình qua nhiều năm. Khởi điểm là sản xuất linh kiện, phụ tùng nhựa cho tivi, ông không chỉ đưa Foxconn bành trướng vào mảng thiết bị điều khiển trò chơi, PC, laptop và smartphone mà còn tiến lên chuỗi giá trị cao hơn khi sản xuất các phụ kiện, phụ tùng có biên lợi nhuận lớn hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Terry Gou, Foxconn cũng đã tiến vào mảng điện tử ô tô từ hơn 10 năm trước. Gou đã nghiên cứu sâu về tự động hóa cách đây nhiều năm. Bị “sốc” trước hàng loạt vụ tự tử của những lao động nhập cư trẻ trong các nhà máy của Tập đoàn tại Trung Quốc, ông cam kết vào năm 2011 rằng sẽ lắp tới 1 triệu con robot trong các nhà máy của Foxconn chỉ trong vòng vài năm. Dù Foxconn vẫn còn xa mới đạt được mục tiêu đó (các chuyên gia ước tính số robot trong các nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc hiện chưa tới 20.000 con), nhưng nỗ lực tự động hóa của Terry Gou là một phần trong kế hoạch tham vọng hơn nhiều.

Cụ thể, thông qua Foxconn Industrial Internet (FII), một công ty con đã niêm yết ở Thượng Hải vào năm ngoái, Tập đoàn đang nỗ lực kết hợp ngành robot, phân tích dữ liệu và Internet vạn vật (IoT) theo một cách mà sẽ cho phép các nhà máy của Tập đoàn hưởng lợi từ những đột phá mang tính cách mạng và cũng sẽ cho phép nó bán lại cho những đơn vị khác.

Foxconn gọi những dây chuyền sản xuất đó là “lights-off factory”, một thuật ngữ hàm ý Công ty không còn cần phải dựa vào con người để chăm lo những vấn đề như công cụ có bị mòn hay có sự cố xảy ra trên dây chuyền hay không. Một trong những dây chuyền sản xuất tiên tiến đó được trang bị trong một nhà máy lớn của Foxconn ở Thâm Quyến và đã có mặt trong danh sách các nhà máy “lighthouse” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tức các nhà máy làm nổi bật những xu hướng tương lai trong ngành sản xuất. Nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng cho đến nay những nỗ lực của Terry Gou mang tính thử nghiệm nhiều hơn. “Hầu hết doanh thu của FII vẫn đến từ hoạt động lắp ráp truyền thống, sử dụng nhiều lao động”, một chuyên gia nhận định.

Sáng kiến này cũng có một bất lợi: FII đã được xem là một công ty chủ chốt trong chiến lược Made in China 2025, một kế hoạch phát triển ngành công nghệ nội địa của Trung Quốc. “Chúng tôi tin rằng đổi lại Terry Gou đã cam kết với các nhà lãnh đạo Trung Quốc một số điều, trong đó có việc hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghệ nội địa”, theo nhận xét của một ông chủ ngành ngân hàng Đài Loan. Những cảm nhận như thế không hề có lợi cho Foxconn trong bối cảnh căng thẳng công nghệ và thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.

Foxconn thực sự đang nằm giữa làn lửa đạn trong cuộc chiến này vì chưa có công ty nào đặt cược vào Trung Quốc nhiều hơn Foxconn cả. Tới khoảng 90% trong tổng số hơn 1 triệu nhân viên của Foxconn là tại Trung Quốc. Công ty này là nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc, chiếm tới 4,2% xuất khẩu của cả nước vào năm ngoái.

Giải quyết các thách thức này sẽ thuộc về người kế nhiệm Terry Gou khi mới đây ông tuyên bố sẽ thoái vị sau 45 năm tại nhiệm.

(Theo FT)

Ngọc Thắm

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/foxconn-mac-ket-trong-thuong-chien-3329311/