Forever 21 phá sản: Thêm một cú ngã của doanh nghiệp truyền thống

Việc hãng thời trang bán lẻ Forever 21 đệ đơn phá sản đã làm gióng lên hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp truyền thống đang 'chết' dần trước sự vươn lên của loại hình kinh doanh trực tuyến.

Forever 21 sẽ đóng 2/3 số cửa hàng để tổ chức lại hoạt động

Forever 21 sẽ đóng 2/3 số cửa hàng để tổ chức lại hoạt động

Hãng này dự định sẽ đóng cửa 178 cửa hàng trong số hơn 800 cửa hàng trong thời gian tới, dù trong thư gửi khách hàng, Forever 21 viết rằng các quyết định về việc đóng cửa các cửa hàng đang trong thời gian xem xét và chờ kết quả từ cuộc trao đổi với các chủ thuê mặt bằng.

Linda Chang, Phó chủ tịch điều hành của công ty, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng việc nộp đơn phá sản là bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty, cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị Forever 21; đồng thời, công ty cũng bày tỏ hy vọng các cửa hàng còn lại vẫn sẽ hoạt động bình thường.

Forever 21 được một cặp vợ chồng người Hàn nhập tư vào Mỹ thành lập năm 1984 và nhanh chóng mở rộng ra khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với các sản phẩm cơ bản, bình dân.

Ngay sau đó, Forever 21 đã có những bước phát triển thần tốc trong những năm 2000 với các sản phẩm hàng hóa mang phong cách thiết kế hiện tại với mức giá thấp nhất. Ngay sau đó, doanh nghiệp này đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và đạt được mức doanh thu kỷ lục vào năm 2015; đồng thời, Forever 21 được đánh giá là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Zara hay H&M trong mảng thời trang bán lẻ.

Tuy nhiên, Forever 21 đã mở rộng các chi nhánh quá nhanh mà không cần quan tâm đến kế hoạch phát triển hợp lý. Mức giá thấp và đầu tư vào những cửa hiệu quy mô hoành tráng có thể là nguyên nhân khiến hãng này rơi vào khó khăn về tài chính.

Mặt khác, theo Gabriella Santaniello, người thành lập công ty nghiên cứu bán lẻ A-Line Partners, nhận định, khách hàng ngày nay chú ý hơn đến việc chi tiêu và các sản phẩm bền đẹp, ổn định. Ví dụ, trong khi các đối thủ như Abercrombie & Fitch (ANF), Zara đã đầu tư vào chất lượng sản phẩm để lôi kéo người mua hàng, thì Forever 21 vẫn trung thành với việc bán các sản phẩm được sản xuất với giá rẻ.

Bà cũng chỉ ra, việc Forever 21 duy trì sai đường lối kinh doanh cũng là một trong những yếu tố quan trọng. "Họ từng rất thành công trong việc sao chép các thương hiệu cao cấp. Nhưng việc duy trì quá lâu đã làm hạn chế tầm ảnh hưởng của họ với nền công nghiệp thời trang. Chính vì vậy, dù giá thành ưu đãi hơn Zara và H&M, Forever 21 không mang lại nhiều đột phá trong mẫu mã", chuyên gia này đánh giá.

Đáng chú ý, cũng như các doanh nghiệp truyền thống khác, Forever 21 vẫn duy trì quá nhiều cửa hàng bán lẻ ở Mỹ trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang nở rộ. Tuy vẫn có hơn 16 triệu người theo dõi trên Instagram nhưng biểu tượng thời trang F21 đang dần bị giới trẻ quên lãng.

Có thể thấy, vụ phá sản của Forever 21 như một lời nhắc nhở về việc thị trường bán lẻ tại Mỹ đang biến đổi nhanh như thế nào. Từ đầu năm 2019 đến nay, các hãng bán lẻ tại Mỹ đã đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm ngoái, theo dữ liệu từ Coresight Research.

Hãng bán lẻ Payless ShoeSource và Gymboree của Mỹ đều đã đệ đơn xin phá sản lần thứ hai, đóng cửa tổng cộng gần 3.000 cửa hàng. Coresight dự báo số lượng cửa hàng bán lẻ truyền thống bị đóng cửa có thể lên tới 12.000 vào cuối năm 2019.

Walmart là một trong số những cửa hàng bán lẻ thành công trong việc mở rộng kinh doanh trực tuyến bên cạnh chuỗi các cửa hàng bán lẻ

Sự bùng nổ của mua sắm online đã làm giảm sức mua của các hình thức kinh doanh truyền thống một cách nhanh chóng. Đứng trước nguy cơ bị đào thải, hàng loạt tên tuổi lớn như Walmart, Target, Michael Kors, Best Buy... đều đóng bớt cửa hàng và tăng cường mảng kinh doanh trực tuyến.

Tuy nhiên, việc phát triển mảng trực tuyến không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp truyền thống đang đi đến hồi kết. Chuyên gia Roger Beahm, giám đốc điều hành của Trung tâm Đổi mới Bán lẻ tại Đại học Wake Forest phân tích, sở dĩ những trường hợp như Forever 21, hay gần đây nhất là Thomas Cook phá sản là do các doanh nghiệp dễ bị cuốn theo đối thủ và mất thế mạnh riêng.

"Thay vì dồn hết nguồn lực vào một cuộc đua không hồi kết, các doanh nghiệp đều không tận dụng những thế mạnh có sẵn của mình. Nhiều khách hàng trẻ tuổi của Forever 21 cho rằng họ cảm thấy thương hiệu không còn đem đến những giá trị như trước kia. Mua sắm trực tuyến chỉ giống như "giọt nước tràn ly", ông Roger cho biết

Mua sắm trực tuyến không phải "tội đồ", đó là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ phát triển. Với sự đi lên của thế giới ngày nay, tới một thời điểm trong tương lai, mua sắm trực tuyến sẽ lép vế trước những hình thức mua sắm mới. Và các doanh nghiệp cần giải quyết đúng những nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng, thay vì lao vào cuộc chạy đua không hồi kết

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/forever-21-pha-san-them-mot-cu-nga-cua-doanh-nghiep-truyen-thong-158667.html