Foreign Policy: Donald Trump đã trở thành tài sản lớn nhất của Trung Quốc

Theo nhận định của nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng như thế giới, ông Trump thực chất lại là 'món quà quý' cho Bắc Kinh. Tại sao vậy?

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính ông Trump đã tạo động lực cho Trung Quốc phát triển bền vững

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính ông Trump đã tạo động lực cho Trung Quốc phát triển bền vững

Trong rất nhiều vấn đề mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi dưới nhiệm kỳ này, điều dễ nhận thấy nhất có lẽ là hàng loạt chính sách chống Trung Quốc, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng như thế giới, ông Trump thực chất lại là “món quà quý” cho Bắc Kinh. Tại sao vậy?

Đe dọa của ông Trump lại tốt cho Trung Quốc

Trong 3 năm qua, tuy cả hai đảng của Mỹ cùng đồng tình xác định phải giữ lập trường cứng rắn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế nhưng cách tiếp cận không kiên định của chính quyền ông Trump đã khiến cả đảng Dân chủ và Cộng hòa khó chịu.

Ông Trump đã khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại tốn kém chống lại Bắc Kinh, cấm sử dụng công nghệ của Huawei trên hệ thống 5G của Mỹ và mới đây là áp đặt các hạn chế đối với giới chức Đảng của Trung Quốc liên quan tới chiến dịch bắt giam hàng triệu người Hồi giáo ở Tân Cương. Với những biện pháp đó, ông Trump tự nhận mình là Tổng thống Mỹ không ngại cứng rắn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở vị trí của Bắc Kinh, theo nhận định từ tờ Foreign Policy, họ nhìn nhận và lợi dụng tốt những điểm yếu của ông Trump hơn là lo ngại những gì ông này đe dọa. Thậm chí, dù liên tiếp bị Mỹ gây áp lực nhưng trong tất cả những cuộc hội thảo với giới chức chính phủ và học giả Trung Quốc, các chuyên gia của tạp chí Foreign Policy đều nhận thấy xu hướng các học giả này hy vọng ông Trump tái đắc cử vào năm sau ngày càng cao.

Họ cho rằng, dù ông Trump luôn có thái độ chống Trung Quốc và liên tiếp đe dọa nhưng ông lại tạo cho Bắc Kinh cơ hội để mở rộng sức ảnh hưởng ra khắp châu Á và quan trọng hơn là Trump tự làm suy yếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Từ quan điểm tổng bằng không (zero-sum), nhiều người Trung Quốc kết luận, về chiến lược, những chính sách của Trump thực ra lại là tốt cho Trung Quốc về lâu dài.

Bởi theo các chuyên gia như ông Yan, thực chất Trump chỉ lớn tiếng hù dọa chứ không thực sự hành động. Ví dụ điển hình là cách hành xử của ông Trump với Đài Loan trong chiến lược “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã thử lòng kiên nhẫn của Bắc Kinh qua hành động nhận cuộc điện thoại từ người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn bất chấp phía Trung Quốc coi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách “Một Trung Quốc” của họ.

Tổng thống Mỹ nhiều lần công khai tỏ thái độ lập lờ về việc Mỹ có thể không tiếp tục chấp thuận chính sách này nhưng ông vẫn để ý thái độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi gọi điện cho bà Thái.

Tự làm suy yếu vị trí lãnh đạo của mình

Nhiều nhà cố vấn tin rằng, qua việc phân cực chính trị nội bộ của Mỹ, ông chủ Nhà Trắng vô hình trung đã làm suy yếu danh tiếng quốc tế của Washington và vị trí lãnh đạo truyền thống của Mỹ trên trường quốc tế đồng thời làm suy yếu những thỏa thuận liên minh lâu đời.

“Đó chính là những cơ hội quý giá về chiến lược cho Bắc Kinh kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay”, ông Yan Xuetong, một trong những nhà cố vấn chiến lược hàng đầu của Trung Quốc nhận định.

Chẳng hạn, trong quan hệ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mặc dù ông Trump khơi mào các cuộc chiến thương mại với Ấn Độ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu nhưng chính quyền của ông lại không sử dụng tòa án của tổ chức này để giải quyết các khiếu nại thương mại, thậm chí còn chặn những động thái bổ nhiệm cho Cơ quan Phúc thẩm WTO (Appellate Body).

Những hành động đó không chỉ gây cản trở cho hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quan trọng nhất thế giới mà còn đặt ra tiền lệ xấu để các nước khác trong khu vực không coi trọng luật pháp quốc tế.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ gần như từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình trong các tổ chức đa phương và điều đó đã tạo không gian cho Trung Quốc vươn lên, đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và thiết lập các quy định quốc tế.

Bắc Kinh đã chú ý điều này và tận dụng cơ hội khẳng định vị trí tại Liên hợp quốc, liên tiếp khiếu nại về chiến tranh thương mại lên Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời thúc đẩy Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á như một kênh thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Mặt khác, theo đánh giá của Tạp chí Foreign Policy, các đời Tổng thống Mỹ trước đó nhìn nhận rằng, Washington có thể tăng cường sức mạnh từ việc hợp tác với các đối tác để cùng chia sẻ các giá trị, lịch sử và mục tiêu, nhất là khi Mỹ muốn tiếp cận khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Như ông Michael Green, cựu Giám đốc Cấp cao về quan hệ châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ W.Bush từng nhận định: “Nếu không có đồng minh, chúng ta không có chiến lược kiềm chế Trung Quốc hiệu quả”.

Song, Trump lại đi theo hướng hoàn toàn khác. Nhiều chuyên gia cho biết, ông chủ Nhà Trắng thường xuyên dùng lời lẽ đe dọa cùng một số hành động và quyết định bất nhất khiến không ít quốc gia, kể cả đồng minh của Mỹ phải băn khoăn liệu có tin tưởng Mỹ được hay không.

Điều này thể hiện rõ nhất qua quyết định bỏ rơi người Kurd của chính quyền Trump vừa mới đây hay những cam kết không rõ ràng của Mỹ với NATO, hoặc việc Mỹ để hệ thống liên minh Đông Á hậu Chiến tranh Thế giới thứ II mục ruỗng.

Hàn Quốc, Nhật Bản cùng nhiều đồng minh của Mỹ vốn lập thành xương sống cho chiến lược an ninh Bắc Á của quân đội Mỹ trong hơn 70 năm qua đang rơi vào tranh chấp sâu sắc khiến quan hệ thương mại giữa hai bên trì trệ. Tuy nhiên, Mỹ lại chọn cách đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa các đồng minh của mình. Trong khi đó, Bắc Kinh xắn tay vào cuộc, đề nghị hỗ trợ hòa giải và điều này càng làm nổi bật sự trống vắng của Mỹ trong vai trò đi đầu giải quyết vấn đề này.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/donald-trump-da-tro-thanh-tai-san-lon-nhat-cua-trung-quoc-d439425.html