Ford Ranger tiếp tục bỏ xa Hilux và Triton trong quý III

Phân khúc xe bán tải tiếp tục là sân chơi riêng của Ford Ranger. Mẫu pick-up Mỹ kết thúc quý III với doanh số áp đảo các đối thủ.

Quý III được đánh giá là giai đoạn khó khăn bậc nhất trong năm 2020 của thị trường ôtô. Dịch Covid-19 tái diễn trùng với tháng Ngâu khiến nhu cầu mua xe suy giảm mạnh, hầu hết phân khúc xe có doanh số đi xuống trong tháng 7 và 8.

Tuy vậy, Ford Ranger là cái tên hiếm hoi duy trì được sức tăng trưởng đều đặn qua tháng 7, 8 và 9. Mẫu bán tải Mỹ liên tục lọt top xe bán chạy nhất tháng và bỏ xa các đối thủ.

Trong khi đó, Toyota Hilux cải thiện được vị trí trong tháng 9 khi có doanh số tốt hơn Mitsubishi Triton, Mazda BT-50 cùng Isuzu D-max vẫn chưa cải thiện được sức mua. Hai dòng pick-up khác là Nissan Navara và Chevrolet Colorado không được nhà phân phối công bố doanh số.

Nhìn chung, nhóm bán tải ở Việt Nam vẫn chưa có cái tên đủ tiềm lực để thách thức Ford Ranger. Mẫu bán tải Mỹ vẫn giữ vai trò đầu tàu và đóng góp lớn lớn vào doanh số chung của cả phân khúc.

Ford Ranger - 1.500 chiếc

Mặc dù từng phải triệu hồi để khắc phục nguy cơ hư hỏng hộp số trong tháng 4, các model Ford Ranger Bi-Turbo vẫn đang là dòng bán tải có doanh số tốt nhất tại Việt Nam. Tính đến hết quý III, Ford đã bán được hơn 8.100 chiếc Ranger, chiếm 66,35% thị phần của phân khúc.

Riêng trong tháng 9, dòng pickup Mỹ có doanh số 1.500 chiếc, gấp gần 7 lần mẫu xe xếp sau là Toyota Hilux. So với tháng 8, Ranger bán tốt hơn 391 xe, mức tăng trưởng tương ứng 35,3%.

Bên cạnh thiết kế hiện đại, tính năng trang bị phong phú và thương hiệu phổ biến thì đa dạng về phiên bản là yếu tố giúp Ford Ranger có được vị thế dẫn đầu phân khúc bán tải trong nhiều năm liền. Hiện Ford phân phối 6 model Ranger với tùy chọn động cơ diesel tăng áp 2.2L, tăng áp 2.0L hoặc Bi-Turbo 2.0L, mức giá dao động từ 616 đến 918 triệu đồng.

Toyota Hilux - 217 chiếc

Sau nhiều tháng chịu cảnh xếp sau Mitsubishi Triton, Toyota Hilux đã có tháng 9 vươn lên vị trí nhì bảng nhờ doanh số 217 xe. Đây là kết quả đến từ model nâng cấp 2020 được Toyota Việt Nam ra mắt vào giữa tháng 8. Ngoại hình mới và danh sách trang bị tốt hơn giúp Hilux bán tốt hơn tháng 8 gấp 2 lần.

Động thái tích cực này còn góp phần đưa doanh số cộng dồn của Hilux bám sát Triton hơn, đạt 1.417 xe sau 9 tháng, chiếm 11,6% thị phần toàn phân khúc. Trong khi đó, so sánh với thời điểm cùng kỳ 2019 thì Toyota Hilux bán ít hơn 651 xe, tỷ lệ giảm 31,48%.

Các phiên bản nâng cấp của Toyota Hilux thế hệ thứ 8 đang có giá đề xuất 628-913 triệu đồng, tăng 6 đến 35 triệu đồng so với đời xe trước. Ngoại trừ phiên bản Adventure cao cấp nhất trang bị động cơ diesel 2.8L (201 mã lực, 500 Nm), các model còn lại sử dụng động cơ dầu 2.4L (147 mã lực, 400 Nm). Hộp số là loại số sàn hoặc số tự động 6 cấp.

Mitsubishi Triton - 172 chiếc

Dù có doanh số tăng gần gấp đôi so với tháng 8, Mitsubishi Triton vẫn bị Toyota Hilux qua mặt trong tháng 9. Điểm an ủi dành cho Mitsubishi là mẫu bán tải của họ vẫn đang có lượng xe tiêu thụ tốt hơn Toyota Hilux.

Với 172 xe bán ra ở tháng cuối cùng của quý III, Triton tích lũy được doanh số 1.495 chiếc. So sánh với kết quả cùng kỳ năm 2019, Mitsubishi Triton bán chậm hơn 351 xe, tăng trưởng âm khoảng 19%.

Sau đợt nâng cấp cuối năm 2019, hiện Triton được bán tại Việt Nam với 6 phiên bản và có khoảng giá rộng (600-865 triệu đồng) giúp Mitsubishi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Triton trang bị tiêu chuẩn động cơ diesel 2.4L với thông số 134 mã lực hoặc 178 mã lực, đi cùng đó là hộp số sàn 6 cấp hoặc số tự động 6 cấp.

Mazda BT-50 - 110 chiếc

Trong quý vừa qua, mẫu bán tải của Mazda duy trì được doanh số ổn định quanh mốc 110 chiếc mỗi tháng. Đối với một sản phẩm không được Mazda chú trọng và ra mắt đã lâu như BT-50 thì kết quả này có thể chấp nhận được.

Tính đến hết tháng 9, Mazda BT-50 có doanh số cộng dồn đạt 1.028 xe, giảm 30,54% so với cùng kỳ năm trước (452 chiếc). BT-50 cũng là dòng xe bán chậm nhất tính đến thời điểm hiện tại của Mazda Việt Nam, kém Mazda6 khoảng 30 chiếc.

Những phiên bản BT-50 đang được Thaco phân phối thuộc thế hệ thứ 2 ra mắt thế giới từ 2011. Ở thế hệ mới, Mazda đã chuyển sang hợp tác với Isuzu để xây dựng BT-50 dựa trên mẫu D-max thay vì Ford Ranger như các model hiện hành ở Việt Nam. Xe có tùy chọn động cơ diesel 2.2L hoặc 3.2L, giá bán dao động từ 569 đến 749 triệu đồng.

Isuzu D-max - 24 chiếc

Isuzu D-max tiếp tục ngụp lặn ở đáy bảng xếp hạng xe bán tải với doanh số vài chục chiếc mỗi tháng. Sau tháng Ngâu, mẫu pickup Nhật Bản tiêu thụ được 24 xe, tăng nhẹ 3 đơn vị. Kết quả này khiến D-max có thêm một tháng lọt nhóm xe bán chậm nhất trên thị trường.

Tổng lượng xe tiêu thụ cộng dồn của Isuzu D-max sau 9 tháng chỉ đạt 169 chiếc, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài mẫu mã kém hấp dẫn, yếu tố thương hiệu cũng khiến xe Isuzu nói chung và D-max nói riêng bán kém hơn các đối thủ.

Isuzu D-max hiện có 3 phiên bản được bán tại Việt Nam, mức giá dao động từ 595 đến 759 triệu đồng. Xe được trang bị tiêu chuẩn động cơ diesel tăng áp 1.9L có mức tiết kiệm nhiên liệu tốt. Kết hợp với động cơ là hộp số sàn 6 cấp ở bản tiêu chuẩn hoặc số tự động 6 cấp ở 2 model cao cấp.

Hoàng Phạm
Ảnh: Ford, Mazda

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-so-ford-ranger-tiep-tuc-bo-xa-hilux-va-triton-trong-quy-iii-post1140926.html