Forbes tiết lộ bí mật của hạm đội tàu ngầm Nga

Xin giới thiệu tiếp một bài về chủ đề so sánh vũ khí-trang bị kỹ thuật quân sự Nga-Mỹ của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 6/6/2020.

Ảnh: Lev Fedoseev / TASS

Ảnh: Lev Fedoseev / TASS

Tạp chí Forbes rất nổi tiếng vừa mới tạm dừng công việc tính đếm tài sản của các tỷ phú, cũng như đo lường lượng giãn nước của các du thuyền mà họ sở hữu để dành hẳn một bài báo so sánh tổng quan các tàu ngầm Nga và Mỹ.

Trong bài báo này, điểm cốt lõi của vấn đề - đó là số lượng và chất lượng.

Vào thời điểm hiện tại, mọi xí nghiệp của các công ty đóng tàu Mỹ chỉ đang đóng các tàu ngầm đa năng kiểu “ Virginia” thế hệ bốn. Dự kiến vào tháng 10 tới, sẽ khởi công đóng tàu ngầm chiến lược thế hệ bốn mang tên lửa đạn đạo “Trident-3”kiểu “Columbia”.

Những chiếc tàu này (lớp “Columbia”) sẽ bắt đầu thay thế dần các tàu ngầm “Ohio” thế hệ ba của Hải quân Mỹ. Và trong tương lai gần, tất cả công việc của nhành đóng tàu ngầm Mỹ chỉ có thế.

Việc đóng các kiểu tàu ngầm khác sẽ chỉ được triển khai khi những tàu ngầm “Virginia” đã không còn đáp ứng được yêu cầu khi tiến hành các chiến dịch ngầm dưới nước. Và chuyện này sẽ không sớm xảy ra, bởi vì tàu ngầm kiểu “Virginia” chỉ mới bắt đầu được trang bị cho Hải quân Hoa Kỳ từ năm 2004.

Còn tại các xưởng đóng tàu của Nga, mặc dù chúng không thể sánh được với các xưởng đóng tàu Mỹ về công suất sản xuất, nhưng lại đang tất bật hơn nhiều. Nhà máy đóng tàu “Sevmash” ở Severodvinsk dù đang trong tình trạng cực kỳ tồi tệ, nhưng vẫn thực hiện dự án đóng tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa thế hệ bốn Dự án 955A “Borey-A”với một tiến độ nhanh kỷ lục.

Ngoài 4 chiếc tàu ngầm “Borey” đã được đóng xong, bàn giao và đưa vào trang bị cho Hải quân Nga (cụ thể là cho Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương) –các tàu “Yuri Dolgoruky”, “Alexandr Nevsky”, “Vladimir Monomakh” và “Hoàng tử Vladimir”, sẽ còn phải đóng xong 6 chiếc nữa. 4 trong 6 chiếc này đã đóng gần xong, còn 2 chiếc nữa chuẩn bị khởi công.

Đây là hạng mục quan trọng bậc nhất trong Chương trình Vũ khí Quốc gia Nga, và vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa- chắc chắn kế hoạch này sẽ được hoàn thành.

Các xí nghiệp đóng tàu Nga cũng đang tiếp tục đóng các tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ bốn Dự án 885 M “Yasen”. Mặc dù, trên thực tế, việc đóng các tàu này không phải là đang tiếp tục, mà mới chỉ là bắt đầu. Một chiếc tàu “Yasen” đã đóng xong– tàu “Severodvinsk” và bàn giao cho Hạm đội Phương Bắc năm 2014.

Sau đó, bắt đầu quy trình hiện đại hóa nó. Còn 2 chiếc tàu khác có chữ cái "M" đứng sau (M- viết tắt của hiện đại hóa) hiện đang chuẩn bị đưa ra biển thử nghiệm. Bốn chiếc nữa đang đóng gần xong. Còn 2 chiếc khác nữa- đang chuẩn bị làm lễ khởi công theo đúng các hợp đồng đã ký.

Như đã thấy, với ngành công nghiệp đóng tàu ngầm hạt nhân Nga, công việc đang ngập đầu. Còn tại Mỹ, chỉ có một kiểu tàu ngầm thế hệ bốn là “Virginia” - 20 chiếc đã được đóng xong, đến cuối thập kỷ này, sẽ có tổng cộng 28 chiếc. Ở Nga, trong trường hợp này, có sự đa dạng hơn.

Và nếu như chiếc tàu ngầm “Yasen” duy nhất đang có hiện nay thực sự là một tàu ngầm đa năng đúng nghĩa vì được trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu trên bờ lẫn các mục tiêu biển, thì các kiểu tàu ngầm hạt nhân khác còn lại của Nga ít đa năng hơn, chúng được trang bị chủ yếu hoặc là vũ khí ngư lôi, hoặc là tên lửa.

Thêm nữa, chúng thuộc thế hệ ba. Có nghĩa là chúng ít bí mật hơn, và cũng có khả năng kém hơn trong việc phát hiện mục tiêu ngầm dưới nước –tức các tàu ngầm của đối phương. Những tàu vừa nói tới (thế hệ ba) là những tàu ngầm các dự án “Barracuda”, “Condor”, “Shuka”, “Shuka-B” và “Antey”.

Tàu ngầm “Seawolf”

Nhưng cần luôn nhớ rằng ngay cả khi toàn bộ thành phần lớp tàu ngầm đa năng của chúng ta sẽ chỉ gồm các tàu “Yasen” thế hệ bốn, thì hạm đội tàu ngầm đa năng Mỹ dù sao cũng vẫn sẽ có ưu thế hơn về chất lượng. Bởi vì Hải quân Hoa Kỳ hiện nay đang khai thác 3 chiếc tàu ngầm “Seawolf”.

Chúng cũng thuộc thế hệ bốn nhưng chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định rằng các tàu ngầm “Seawolf” hơn cả “Virginia” Mỹ lẫn “Yasen” Nga hẳnmột cái đầu. Chúng (“Seawolf”) chỉ có một nhược điểm duy nhất- giá trên trời. Chính đó là lý do tại sao mà ngân sách Lầu Năm Góc lớn đến thế mà cũng chỉ đủ để sắm 3 chiếc tàu ngầm “Seawolf”.

Đó, trên thực tế, đấy là là tất cả những gì mà Hải quân Hoa Kỳ đang có. Nhưng cái "chỉ có" này cũng đã là quá đủ. 20 chiếc trong số (28 sẽ có) “Virginia” như đã nói ở trên, 3 chiếc “Seawolf” và 4 chiếc “Ohio” đã được cải hoán thành phương tiên mang tên lửa có cánh “Tomahawk”.

Nếu xét theo tiêu chí số lượng thì hạm đội tàu ngầm đa năng Mỹ gần tương đương với hạm đội tàu ngầm đa năng của chúng ta (Nga) - 27 chiếc của Mỹ và 28 chiếc của chúng ta. Tuy nhiên, người Mỹ còn có thêm 32 chiếc tàu ngầm lớp “Los Angeles”. Mặc dù các tàu này đã lạc hậu và được trang bị chủ yếu là vũ khí ngư lôi, nhưng con số 32-vẫn là một con số rất đáng nể vàkhông thể không tính đến.

Còn với các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, thì có thể nóilà hai bên ngang ngửa nhau. 12 chiếc tàu ngầm mang tên lửa Nga và 14 chiếc tương tự của Mỹ. Gần đây, đã có nhiều hy vọng rằng 2 tàu ngầm lớp “Akula” (“Cá mập”) vốn lâu nay vẫn nằm trong danh sách lực lượng dự bị vì không được trang bị cơ số vũ khí–tàu “Arkhangelsk” và tàu “Severstal” sẽthoát được cái kết phải thanh lý và sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo “Bulava”.

Quả thực, cách đây một năm cấp “trên” đã cam kết sẽ không thanh lý 2 tàu này. Nhưng chúng sẽ được cải hoán để mang tên lửa có cánh. Vì "Cá mập" là tàu ngầm lớn nhất thế giới, nên chúngcó thể chứa tới 200 quả tên lửa “Kalibr” mỗi tàu.

Trong danh mục các tàu ngầm hạt nhân đang được đóng của Nga, Tạp chí Mỹ Forbes có liệt kê thêm 2 chiếc nữa – đó là các tàu “Belgorod” và “Khabarovsk” –đây là 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân được đóng trong bối cảnh giữ mật tuyệt đối cho đến tận thời gian mới đây.

Chỉ đến năm ngoái, một số chi tiết về 2 tàu này mới được hé lộ. Các chi tiết đó là: chúng (“Belgorod” và “Khabarovsk”) là phương tiện mang thiết bị ngầm không người lái “Poseidon” lắpđộng cơ hạt nhân cỡ nhỏ.

Nó (“Poseidon”) có thể tiếp cận một cách tuyệt đối bí mật các căn cứ hải quân của địch, cũng như bờ biển cạnh các khu công nghiệp và nằm ở đó trong một thời gian dài để chờ lệnh cho nổ tung đầu đạn công suất 100 megaton. Chính vì thế nênPhương Tây mới phong cho "Poseidon" biệt danh "Vũ khí ngày tận thế".

Nhưng bên cạnh đó cũng cần phải nhấn mạnh rằng 2 chiếc tàu này không thuộc loại được sản xuất hàng loạt. Chính vì vậy mà việc đưa chúng vào “Danh sách Forbes” là không thích hợp lắm.

Khác với Mỹ, Nga vẫn tiếp tục đóng các tàu ngầm điện- diesel. Thêm nữa, không chỉ để trang bị “cho bản thân”, mà còn để bán ở thị trường nước ngoài. Có nghĩa là ở một mức độ nhất định nào đó, đây là một công việc làm ăn kinh doanh. Tuy nhiên, các tàu ngầm điện- dieselcũng rất cần thiết với Hải quân Nga.

Cách tiếp cận rất khác nhau đối với kiểu tàu ngầm này xuất phát từ chính sự khác nhau giữa các học thuyết về việc sử dụng hải quân. Nước Mỹ với tư cách là một “quốc gia vườm ươm” nền dân chủ toàn cầu, hay nói cách khác là theo quán tính vẫn cảm thấy mình là một “hiến binh thế giới” nên phải có trách nhiệm kiểm soát và giám sát tất cả các tiến trình chính trị và kinh tế diễn ra ở một không gian rộng lớn cách rất xa Lục địa Mỹ.

Để thực hiện được “chức năng” này, không chỉ cần các tàu sân bay, mà còn cần cả cả tàu ngầm với cự ly hoạt động không giới hạn nữa. Có nghĩa là cần các tàu ngầm hạt nhân.

Thêm nữa, cho đến thời gian gần đây, người ta vẫn tin rằng nước Mỹ nằm ngoài tầm với của các tàu thông thường của "quân xâm lược tiềm năng".

Còn Học thuyết của Nga- trước hết là để phòng thủ. Có nghĩa là các tàu ngầm điện- diesel có thể giải quyết rất hiệu quả nhiệm vụ đánh trả cuộc tấn công của cả các cụm tàu nổi lẫn các cụm tàu ngầm của đối phương. Ngoài ra, không được phép quên một điều rất quan trọng nữa- giá của các tàu ngầm điện- diesel “mềm” hơn rất nhiêùso với giá các tàu ngầm hạt nhân.

Nga hiện đang đóng các tàu ngầm diesel của hai dự án - 636 “Varshavianka” và 677 “Lada”. “Varshavianka” là tàu ngầm ít tiếng ồn nhất trên thế giới. Nga đang khai thác 7 tàu như vậy, 5 chiếc nữa sẽ xuất hiện trong trang bị Hải quân Nga trước năm 2023. 20 tàu “Varshavianka” khác đang có trang bị của Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam.

Tàu ngầm này (“Varshavianka”) là một phương tiện phòng thủ cực tốt. Cách đây không lâu lắm, trong một cuộc tập trận chung,“Varshavianka” Việt Nam đã phát hiện được “Virginia” của Mỹ và đã “ấn nút phóng” ngư lôi (tất nhiên là mô phỏng).

Tạp chí Forbes cũng có nhắc tới, với một sự khâm phục “sâu sắc”, lớp tàu ngầm “Lada” Nga. Nhưng đối với các thủy thủ Nga, thì đây (“Lada”) không phải là một đối tượng để khâm phục, mà là nguồn cơn của một nỗi đau thực sự. Chiếc tàu “Lada” đầu tiên mang tên “St. Petersburg” đã được Hạm đội Biển Bắc khai thác thử nghiệm suốt 10 năm trời nay.

Không thể đưa nó “vào hàng ngũ” (trang bị) được do hệ thống động lực quá yếu. Trong gần hai thập kỷ, “người ta” đã cố gắng chế tạo động cơ AIP cho nó. Nhưng bất thành. Và trong tương lai vẫn chưa thấy le lói một tia hy vọng nào. Và hoàn toàn không thể hiểu được là cần phải làm gì với 2chiếc “Lada” khác nữa là “Kronstadt” Velili Luki” sắp được đóng xong.

Để kết luận, cần phải thừa nhận rằng những so sánh trong cách tiếp cận đối với việc xây dựng và phát triển các hạm đội tàu ngầm của Nga và Mỹ do Forbes đưa ra, quả có hơi khó hiểu. Tạp chí này cho rằng càng nhiều chủng loại tàu ngầm khác nhau thì càng tốt. Bởi vì mỗi một kiểu trong số đó sẽ giải quyết một cách tốt nhất những nhóm nhiệm vụ chuyên biệt của mình.

Tuy nhiên, sự đa dạng của chủng loại tàu ngầm Nga, như đã đề cập ở trên, lại bắt nguồn từ học thuyết sử dụng hạm đội tàu ngầm. Và điểm quan trọng nhất trong Học thuyết sử dụng hạm đội tàu ngầm Nga – đó là cả tiến hành các hoạt động ở cách xa đường biên giới Nga và cả tiến hành các chiến dịch phòng thủ ngay trong vùng biên giới lãnh hải. Sẽ thật ngu ngốc nếu sử dụng các tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đen và Biển Baltic.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/forbes-tiet-lo-bi-mat-cua-ham-doi-tau-ngam-nga-3404369/