Forbes phản pháo vụ gọi Kylie Jenner là tỷ phú tự thân giống ông chủ Facebook Zuckerberg

Nhiều người đã phản ứng dữ dội với ý tưởng của Forbes khi cho rằng một cô gái 21 tuổi, Kylie Jenner, bước ra từ một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ (Keeping Up With the Kardashians), có chị gái là Kim Kardashian, có cha mẹ giàu có và nổi tiếng, lại được coi là tự lập nghiệp. Tuy nhiên Forbes đã phản hồi về việc này và đưa ông chủ Facebook là Zuckerberg là làm ví dụ.

Tháng trước, sau khi tạp chí Forbes gọi Kylie Jenner là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, họ đã vô tình gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông xã hội về ý nghĩa của từ "tự thân". Nhiều người đã phản ứng dữ dội với ý tưởng của Forbes khi cho rằng một cô gái 21 tuổi bước ra từ một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ (Keeping Up With the Kardashians), có chị gái là Kim Kardashian, có cha mẹ giàu có và nổi tiếng, lại được coi là tự lập nghiệp.

Cuộc tranh luận lại tiếp tục dấy lên một lần nữa vào ngày 31.3 sau khi tờ New York Times đăng một câu chuyện trong đó Kylie thừa nhận cô có nhận được một số trợ giúp khi xây dựng doanh nghiệp của mình. "Tôi không thể nói rằng tôi đã tự mình làm điều đó. Nếu họ chỉ nói về vấn đề tài chính, thì đúng là tôi không có tiền thừa kế. Nhưng tôi đã được nhiều người giúp đỡ và có một nền tảng rộng lớn'', người đẹp nói với phóng viên.

Forbes lại làm dấy lên một cuộc tranh luận trên phương tiện truyền thông xã hội
khi tạp chí này gọi Kylie Jenner là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Ảnh: Forbes | Jamel Toppin

Đó chính là những gì Forbes muốn nói khi cho rằng Kylie và 1.449 tỷ phú khác là “tự thân lập nghiệp”. Điều này đã gây ra bất đồng quan điểm do Forbes thường sử dụng thuật ngữ này để mô tả xuất phát điểm của một người giàu có, thay vì nói rằng liệu một tỷ phú có được giúp đỡ để xây dựng nên một công ty cực kỳ thành công hay không.

Forbes đã theo dõi những người Mỹ giàu nhất trong hơn 35 năm và chia họ thành 3 nhóm theo cách thức làm giàu: tự lập, thừa kế và kế thừa rồi phát triển; loại thứ hai là những người như Donald Trump, người làm nên sự nghiệp trên đế chế bất động sản của cha mình.

Nhiều người phản đối khi Forbes gọi Kylie là tỷ phú tự lập nghiệp là do cô đã nhận được nhiều giúp đỡ (từ những người như mẹ cô, Kris Jenner) để xây dựng công ty và trở thành tỷ phú, và cô đã giàu có và nổi danh sẵn. Cả hai điều này đều đúng. Nhưng Mark Zuckerberg, người mà Forbes cũng cho là tỷ phú tự thân, đã không tự mình xây dựng Facebook và bắt đầu từ xuất phát điểm khá tốt, mặc dù không quá giàu có và nổi tiếng như Kylie. (Cha của Zuckerberg là một nha sĩ, mẹ là một nhà tâm lý học).

Người ta có thể tranh luận là còn có bảy tỷ phú nhờ Facebook khác, những người đã cùng với Zuckerberg xây dựng mạng xã hội khổng lồ, bao gồm nhà đồng sáng lập Dustin Moskovitz, bạn cùng phòng cũ của Zuckeberg; đồng sáng lập Eduardo Saverin, bạn học cũ của Zuckerberg; Sean Parker, chủ tịch đầu tiên của mạng xã hội Jim Breyer và Peter Thiel, những nhà đầu tư đầu tiên của hãng; và Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành của Facebook từ năm 2008, bốn năm sau khi công ty được thành lập. Forbes phân loại tất cả những người này là tỷ phú tự thân, không ai trong số họ thừa hưởng tài sản từ gia đình. Họ cũng không xây dựng Facebook một mình.

Năm năm trước, Forbes đã đào sâu hơn vào một đặc điểm để xác định các tỷ phú: Họ đã leo bao xa để tiến lên đỉnh? Năm đó, lần đầu tiên, Forbes đã chấm điểm cho từng người trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ theo thang điểm từ 1 đến 10: Điểm 1 có nghĩa là tỷ phú này hoàn toàn là do thừa kế; điểm 10 là những người đi lên từ nghèo khó. Về cơ bản, điểm số từ 1 đến 5 là những người được thừa hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản từ gia đình, còn từ 6-10 là những người thực sự tự kiếm ra tiền.

Forbes tiếp tục áp dụng cách tính điểm của mình đối với tất cả các tỷ phú Mỹ. Trong trường hợp Kylie, Forbes đã cho cô ấy 7 trên 10, dù biết rằng cô ấy có rất nhiều lợi thế ngay từ đầu. Donald Trump đạt điểm 4 vì ông được thừa kế gia tài từ cha mình và sau đó mở rộng nó đáng kể. Góa phụ của Steve Jobs, Laurene Powell Jobs, nhận được điểm 2 vì bà được thừa kế tài sản và giữ quản lý nó; bà đã đầu tư vào phương tiện truyền thông (The Atlantic và Ozy Media) và vào thể thao chuyên nghiệp (bà sở hữu 20% cổ phần của tập đoàn đứng sau CLB Washington Wizards của giải NBA và Washington Capitals của giải NHL).

Trong khi một vài tỷ phú cũng có nền tảng về truyền thông xã hội tương tự như Kylie Jenner khi cô ra mắt công ty của mình với 120 triệu người theo dõi trên Instagram (chúng tôi thực sự nghĩ rằng cần nhấn mạnh hiểu biết của cô ấy về kinh doanh, không phải là sự giúp đỡ mà cô ấy nhận được), mỗi một tỷ phú trong danh sách của Forbes đều nhận được sự giúp đỡ từ các nhân viên trong công ty mà họ thành lập, các nhà đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia cố vấn, bạn bè hoặc cha mẹ khi họ gây dựng tài sản của mình. Steve Ballmer chẳng hạn, đã may mắn vì là một trong những bạn học của Bill Gates tại Harvard, nhờ đó ông có được công việc tại Microsoft. Cuối cùng, ông đã thay thế Gates làm giám đốc điều hành, một vị trí mà ông đã nắm giữ trong 15 năm. Ông này bây giờ là người giàu thứ 19 trên thế giới.

Leon Black, có cha là Giám đốc điều hành của United Brands, đã nhận được khoản thanh toán bảo hiểm nhân thọ trị giá 75.000 USD do cha ông qua đời, khi ấy ông đang học trường kinh doanh. Sau đó, ông đồng sáng lập công ty tư nhân khổng lồ Apollo Global Management, giúp ông trở thành tỷ phú. Ông trùm quỹ đầu cơ Chase Coleman là hậu duệ của Peter Stuyvesant, người Hà Lan từng làm thống đốc New York.

Một nhà đầu cơ lớn khác là Ken Griffin cũng bắt đầu buôn bán từ khi còn ở trong ký túc xá Đại học Harvard với số tiền ban đầu là 265.000 đô la, một phần trong số này là từ gia đình cho. Và nhà phát triển bất động sản giàu nhất quốc gia, Donald Bren, là con trai của một nhà đầu tư bất động sản và nhà sản xuất phim Hollywood.

Phil Knight, trong cuốn tự truyện Shoe Dog, cho biết những ngày đầu khi xây dựng Nike, họ đã có một nhóm nòng cốt gồm những nhân viên đầu tiên cực kỳ tận tụy và cả nhóm đã nố lực rất lớn. Ngay cả Oprah Winfrey, người lớn lên nghèo khó và giành điểm 10 về tự thân lập nghiệp của Forbes cũng đã đã nhận được sự giúp đỡ từ các nhà sản xuất thông minh và các nhân viên khác để giúp các talkshow của cô ấy đạt được thành công lớn.

Vậy tại sao mọi người lại phản ứng kịch liệt với trường hợp của Kylie? Có phải mọi người đều ghét nhà Kardashian? Có phải mọi người đã chán ngấy với truyền hình thực tế, văn hóa truyền thông xã hội vì chúng không chỉ giúp một người 21 tuổi đăng dùng Instagram trở thành một tỷ phú mà còn giúp một tổng thống chiến thắng trong cuộc bầu cử? Một số người nói với rằng có lẽ là vì cô ấy là phụ nữ. Liệu người ta có tranh cãi gì nếu Robert, anh cùng cha khác mẹ của cô trở thành tỷ phú thay vì Kylie?

Không ai thực sự biết. Nhưng có một điều chắc chắn: Kylie Jenner đã tìm ra một cách đơn giản, dễ dàng để biến sự nổi tiếng của gia đình cô, trang Instagram có lượng theo dõi khổng lồ của cô và niềm đam mê trang điểm của cô thành những khoản thu nhập lớn, rất lớn.

Theo Quỳnh Diệp (Forbes)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/forbes-phan-phao-vu-goi-kylie-jenner-la-ty-phu-tu-than-giong-ong-chu-facebook-zuckerberg-973646.html