Florence Nightingale – Từ tiểu thư nhà giàu đến người sáng lập ra ngành điều dưỡng

Không cam chịu sống cuộc đời quý tộc nhưng gò bó, Florence Nightingale quyết tâm trở thành người hoạt động xã hội nhằm cải thiện hệ thống y tế, giúp đỡ người nghèo và thương bệnh binh. Bà có nhiều đóng góp cho ngành y học. Đặc biệt, bà là người sáng lập nên trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên trên thế giới. Chính vì vậy ngày sinh của bà được chọn là 'Ngày Quốc tế Điều dưỡng - 12/5'.

Khát khao xóa bỏ định kiến

Florence Nightingale

Florence Nightingale

Florence Nightingale sinh ngày 12/5/1820 tại Florence (Ý) trong một gia đình tri thức quý tộc tại nước Anh, có liên hệ cao cấp trong chính phủ. Vì vậy, bà có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách vở. Florence Nightingale thích đọc sách chăm sóc người bệnh, bà thường đi thăm các bệnh viện tại Luân Đôn cũng như các vùng lân cận. Bà muốn học y để phục vụ cộng đồng nhưng bị cha mẹ ngăn cản.

Ban đầu, bà theo ý cha mẹ, nhưng bà dần nhận ra những định kiến đang trói chặt lên nữ quý tộc. Đó là học giỏi, sống cuộc sống xa hoa, lấy người chồng cùng đẳng cấp, suốt đời làm nội trợ, phải phục tùng gia đình và không có quyền theo đuổi ước mơ.

Vì muốn phá bỏ định kiến này, Nightingale xung đột với gia đình. Năm 1838, khi đi du lịch châu Âu, bà gặp được nữ tiếp viên người Anh gốc Pháp – Mary Klarke. Hai người có nhiều điểm tương đồng về tính cách, họ trở thành bạn thân. Nhờ sự cổ vũ của Mary Klarke, bà có động lực để theo đuổi ước mơ.

Hoạt động vì nền y tế

Florence Nightingale chăm sóc người bệnh

Năm 1842, nước Anh gặp nạn đói. Chứng kiến cảnh bệnh tật, đói nghèo xâu xé đất nước, Nightingale khát khao được làm việc ở các dưỡng đường để chăm sóc cho người nghèo.

Tháng 12/1844, sự kiện một người ăn xin chết trong trạm xá ở Luân Đôn gây xôn xao dư luận. Nhân dịp đó, Nightingale đứng lên lãnh đạo phong trào đòi cải tiến các trạm xá. Kết quả, chính quyền đồng ý cải tổ luật y tế cho người nghèo.

Cũng trong thời điểm đó, tình trạng vệ sinh trong các dưỡng đường tại Anh, Áo, Đức, Hunggary rất tệ. Các phòng chứa từ 50 đến 60 bệnh nhân, điều kiện vệ sinh thấp kém. Vì vậy, hầu hết các sản phụ sau khi sinh con đều gặp vấn đề về sức khỏe. Nightingale bắt đầu lưu tâm đến các dưỡng đường, tìm cách giúp đỡ các bệnh nhân.

Năm 1846, Nightingale tham quan một nhà thương kiểu mẫu tại Kaiserswerth, Đức do một mục sư sáng tập. Khâm phục khả năng phục vụ y tế của nước này, bà ở lại 3 tháng để học tập.

Đầu năm 1853, Nightingale học điều dưỡng tại Pháp , sau đó trở thành viện trưởng Trung tâm chăm sóc phụ nữ ở Luân Đôn dù bị gia đình phản đối kịch liệt.

“Thiên thần trong bệnh viện”

Florence Nightingale với cây đèn

Khoảng những năm 1854 – 1956, chiến tranh Crimea bùng nổ làm cho gần 5000 lính Anh bị thương và tử trận và chết vị nhiễm trùng bệnh viện, thêm vào đó dịch tả bùng phát trong quân đội Anh, vì vậy hàng ngàn lính anh được đưa về Bệnh viện Barack (là bệnh viện dã chiến của quân đội Anh, tại Scutari). Những người lính Anh lâm vào tình cảnh bị thương không có người chăm sóc, bệnh viện dã chiến hỗn độn, vô tổ chức và thiếu thốn mọi thứ.

Năm 1854, bà được gửi đi Crime để phục vụ thương bệnh binh trong cuộc chiến Anh – Thổ. Tại đây, bà mang hết tâm trí và sức lực để chỉnh đốn lại mạng lưới vệ sinh, nguồn nước, hệ thống cống và thoát khí mà nhờ vậy số lượng người chết giảm xuống rõ rệt. Ban đêm, khi mọi nhân viên khác đã đi ngủ, một mình bà cùng với cây đèn leo lét đi thăm từng bệnh binh, chăm sóc và đồng cảm với những đau đớn về tinh thần và thể xác của họ. Hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí của binh sĩ và họ đặt cho bà biệt danh “Thiên thần trong bệnh viện” hay "Người phụ nữ và cây đèn" mà sau này chính cây đèn đã trở thành biểu tượng của ngành Điều dưỡng.

Sau đó, bà thực hiện sửa đổi thói quen uống rượu trong binh lính. Với uy tín lớn, bà đã thuyết phục học thành công. Ngoài ra, bà còn vận động binh lính tiết kiệm tiền gửi về nhà, lập sổ sách giúp họ giữ tiền. Tiếp đó, bà mở sân bóng, thư viện và lớp dạy học tại bệnh viện.

Bà tổ ngành điều dưỡng

Florence Nightingale

Năm 1856, chiến tranh kết thúc, bà mắc bệnh và trở về quê hương. Bà được nữ hoàng Victoria I tuyên dương công trạng vì đóng góp to lớn cho quân đội hoàng gia, hơn hết là con người có trái tim giàu nhân ái. Bà được báo chí ca ngợi là người phụ nữ nổi tiếng thời đó chỉ sau nữ hoàng.

Đóng góp quan trọng nhất của Florence Nightingale cho ngành y tế đó là phát hiện ra tình trạng nhiễm trùng tập thể, bà là người đầu tiên đề cập đến vấn đề vệ sinh trong các cơ sở y tế, góp phần làm giảm tỷ lệ thương binh tử vong do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%.

Bà được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng 50.000 bảng Anh, số tiền đó cùng khoản vận động thêm, bà thành lập Trường đào tạo Điều dưỡng đầu tiên trên thế giới mang tên Nightingale Fund tại bệnh viện Saint Thomas. Bệnh viện Saint Thomas trở thành chiếc nôi để Florence Nightingale nuôi dưỡng, truyền thụ mọi kỹ năng và niềm say mê cho những ai muốn trở thành điều dưỡng.

Năm 1860, bà viết cuốn sách “Cẩm nang điều dưỡng” và trở thành tài liệu căn bản cho trương điều dưỡng Nightingale Fund cũng như các trường điều dưỡng khác.

Ngoài ra, bà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Ủy ban Hoàng gia về tình trạng y tế trong qân đội, tạo tiền đề cho chăm sóc sức khỏe quân nhân. Bà đã đóng góp đưa ra những bản báo cáo dài hơn 1,000 trang với đầy đủ chi tiết thống kê. Những bản báo cáo này dẫn đến việc thay đổi toàn bộ việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, thành lập trường Quân Y và hình thành hệ thống hồ sơ bệnh án của các binh sĩ.

Năm 1859 bà được bầu làm nữ hội viên đầu tiên của Hội Thống Kê Hoàng Gia Anh (Royal Statistical Society) và sau đó thành hội viên danh dự của Hội Thống Kê Hoa Kỳ. Những nỗ lực và thành công của bà là động lực để các điều dưỡng noi theo.

Nhân loại ghi công

Tượng bà Florence Nightingale trong sân bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới với cây đèn huyền thoại

Ngày 13 tháng 8 năm 1910, bà qua đời tại Anh Quốc. Trong di chúc, bà muốn hiến xác cho khoa y học và không muốn tổ chức lễ tang rườm rà. Có thể nói, bà đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp phục vụ cộng đồng.

Khắp thế giới thừa nhận Florence Nightingale là người mở đường cho sự thành lập Hội hồng thập tự quốc tế, lấy ngày sinh của bà – 12/5 làm ngày điều dưỡng quốc tế và hình ảnh cây đèn trở thành biểu trượng của ngành điều dưỡng.

Cuộc vận động mang tên “The Florence Nightingale Declaration Campaign” nhằm xây dựng một phong trào rộng khắp ở các quốc gia trên khắp thế giời, tác động đến Liên Hiệp Quốc để thông qua hai Nghị quyết: chọn năm 2010 là năm Điều dưỡng thế giới “The International Year of the Nurse – 2010” – truy tặng danh hiệu “The UN Decade for a Healthy World – 2011-2020” cho Florence Nightingale nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhật của bà.

Ngày nay, trong nhiều bệnh viện trên toàn thế giới, tượng của bà được đặt tại khuôn viên nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của bà.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/florence-nightingale-tu-tieu-thu-nha-giau-den-nguoi-sang-lap-ra-nganh-dieu-duong-41763/