Florence Finch, nữ anh hùng Mỹ trong thế chiến II

Florence Smith gia nhập Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, được biết đến với cái tên SPARs (dạng rút ngọn khẩu hiệu Sempre Paratus - Luôn sẵn sàng) vào ngày 13-7-1945, trên chiếc tàu đổ bộ LST-512 của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần 2.

Florence tham gia khóa đào tạo cơ bản tại MBT (Trạm huấn luyện Manhattan Beach). Tuy nhiên, việc gia nhập SPARs của Florence Smith chỉ là chương cuối cùng trong một sự nghiệp đáng kinh ngạc của bà trong Chiến tranh thế giới lần 2.

Chống phát xít Nhật bằng tài trí và sự can đảm

Florence Ebersole sinh năm 1915 tại Santiago trên đảo Luzon miền bắc Philippines. Mẹ bà là phụ nữ Philippines bản địa còn cha là cựu quân nhân Mỹ trong cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Sau khi tốt nghiệp trung học, Florence bắt đầu làm việc với tình báo quân đội Mỹ tại thủ đô Manila của Philippines.

Florence Ebersole Smith sau khi gia nhập SPARs năm 1945.

Florence Ebersole Smith sau khi gia nhập SPARs năm 1945.

Florence được thuê làm người viết tốc ký tại trụ sở Văn phòng tình báo quân đội Mỹ ở Manila dưới quyền Thiếu tá E. C. Englehart. Trong khi làm việc ở đó, Florence gặp người chồng đầu tiên của mình là thủy thủ người Mỹ tên Charles Edward Smith. Họ kết hôn vào tháng 8-1941, vài tháng trước cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941…

Khi chiến tranh Mỹ - Nhật được tuyên bố vào ngày 8-12-1941, cuộc xâm lược Philippines của phát xít Nhật bắt đầu.

Vào ngày 25-12, tất cả các nhân viên quân sự Mỹ được lệnh sơ tán, và toàn bộ văn phòng Tình báo Quân đội Mỹ bắt đầu đóng gói hành lý và rời đi. Họ biết nếu bị bắt có thể sẽ bị thẩm vấn gắt gao trong khi thông tin của họ rất có giá trị nên không thể để lọt vào tay người Nhật. Tuy nhiên Florence chọn ở lại do phải chăm sóc cho em gái 16 tuổi của mình. Đến tháng 1-1942, phát xít Nhật chiếm Manila và bắt đầu vây bắt tất cả người Mỹ sống ở đó.

Trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, Florence Smith nhanh chóng giấu quyền công dân Mỹ của mình. Khi bị tra vấn, Florence giải thích mình là người gốc Philippines – thật ra, điều đó ít nhất đúng một nửa vì mẹ bà là người Philippines. Nhờ sự khôn khéo kịp thời này mà người Nhật đã không ngay lập tức giam cầm bà mà chỉ đề nghị một công việc.

Bọn chúng biết Florence từng làm công việc văn thư cho chính phủ Mỹ, vì vậy bà được giao công việc nhẹ nhàng là viết tên trên các tấm phiếu khẩu phần nhiên liệu. Nhưng, quân Nhật không nhận ra rằng họ vừa tặng một vũ khí có tiềm năng mạnh mẽ cho một người phụ nữ có mối liên hệ với tình báo Quân đội Mỹ! Các thành viên của quân kháng chiến Philippines bắt đầu liên lạc với Florence. Họ biết rõ bà cực kỳ căm hận quân phát xít Nhật vì chồng bà đã bị giết chết khi chiến đấu với bọn chúng vào tháng 2-1942.

Lực lượng kháng chiến Philippines giao cho Florence một nhiệm vụ đơn giản là làm giả các phiếu khẩu phần nhiên liệu. Một người liên lạc sẽ nhận chúng, và phân phát cho các thành viên kháng chiến. Cuộc kháng chiến của người Philippines đã trở thành một mối phiền toái gần như liên tục đối với quân chiếm đóng Nhật Bản. Từ các chiến dịch tuyên truyền đến thu thập thông tin tình báo, thậm chí là phá hoại, quân du kích đã quấy rối lực lượng địch bất cứ thời điểm nào có cơ hội.

Trở thành tù nhân của quân Nhật

Quân du kích đã hỗ trợ hiệu quả trong việc giải cứu các tù nhân chiến tranh (POW), loại bỏ các bãi mìn và săn lùng các điệp viên Nhật Bản trà trộn trong quần chúng Philippines.

Florence cũng hỗ trợ các tù nhân người Mỹ và người Anh tại trại giam Santo Tomas của quân Nhật.

Nhận được một bức thư từ ông chủ cũ tại Văn phòng Tình báo Mỹ, Florence bắt đầu tuồn lậu một ít thức ăn và thuốc men có thể giấu được đến cho các tù nhân chiến tranh người Mỹ tại Nhà tù Bilibid. Tuy nhiên, hành động của Florence đã bắt đầu gây chú ý cho quân Nhật. Cuối cùng, Florence bị buộc tội hợp tác với quân kháng chiến và bị chuyển đến một đồn quân sự địa phương của người Nhật.

Đây là nơi đầu tiên Florence bị người Nhật thẩm vấn. Bị giam cầm trong một phòng giam nhỏ hẹp, Florence bị thẩm vấn và tra tấn, chịu đựng những cú sốc liên tục từ những cái kẹp điện trên ngón tay nhưng bà không bao giờ tiết lộ bất kỳ thông tin nào.

Cuối cùng, Florence bị quân chiến đóng Nhật kết án 3 năm lao động khổ sai tại Viện cải huấn phụ nữ ở Mandaluyong, ngay bên ngoài Manila, nơi được quân đội Mỹ giải phóng vào ngày 10-2-1945.

Sau khi được giải thoát, Florence nặng chỉ 36,2 kg. Florence Ebersole Smith Finch (mang họ Finch từ cuộc hôn nhân thứ 2 của bà) năm 1995 ở tuổi 80. Florence luôn rất tự hào về sự phục vụ của mình đối với đồng bào Mỹ và người Philippines trong chiến tranh. Giống như tất cả công dân Mỹ sống ở Philippines, Florence được hồi hương về Mỹ. Cuối cùng, Florence chuyển đến thành phố New York để sinh sống và cũng chính tại nơi đây bà quyết định gia nhập Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ.

Được tôn vinh cuối đời

Sau khi chiến tranh kết thúc, Florence kết hôn với cựu quân nhân Robert Finch và chuyển đến ở thành phố Ithaca thuộc bang New York của Mỹ. Robert Finch qua đời năm 1968. Ngoài cô con gái Betty, Florence còn có người con trai tên Bob; một người chị tên Olive Keats; sáu đứa cháu; và hai đứa chắt.

Khi Florence nuôi con nhỏ và làm thư ký tại Đại học Cornell, hàng xóm của bà không bao giờ nghi ngờ rằng nơi họ ở có sự hiện diện của một nữ anh hùng chiến tranh.

Đầu những năm 1990, công lao thời chiến tranh của Florence được nhớ đến khi chính phủ Mỹ có kế hoạch dựng “Đài tưởng niệm Phụ nữ trong Quân đội phục vụ cho nước Mỹ” ở Washington. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cũng đặt tên một tòa nhà trên đảo Sand ở Hawaii để vinh danh Florence vào năm 1995. Florence là người phụ nữ đầu tiên được trao tặng Huân chương Chiến dịch Châu Á - Thái Bình Dương.

Duy Minh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/florence-finch-nu-anh-hung-my-trong-the-chien-ii-577541/