Fivimart bất ngờ chia tay 'chồng ngoại', kết duyên người mới

Phương hướng, tầm nhìn chiến lược của Aeon và Fivimart có sự khác nhau rõ ràng.

Thời gian đầu Aeon đã hỗ trợ Fivimart, một trong những chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam, mở rộng quy mô và tăng trưởng doanh thu nhưng Fivimart lại đối diện các khoản lỗ hàng chục tỉ đồng.

Từ cuộc hôn nhân hoành tráng đến ly dị

“Tôi thích đi Siêu thị Fivimart vì có nhiều hàng hóa phong phú, đặc biệt là có nhiều sản phẩm của Nhật nhưng hiện nay không còn thấy hàng hóa Nhật nữa” - chị Hà, nhân viên văn phòng, bày tỏ trên Facebook.

Những ngày gần đây, một loạt dấu hiệu cho thấy Fivimart đã chia tay với Aeon để kết duyên cùng một đối tác mới. Trên các kệ hàng tại Fivimart đã rút nhiều hàng hóa có thương hiệu Nhật xuống. Trên trang fanpage của Fivimart đã thay đổi thương hiệu, bỏ đi chữ Aeon đứng kế bên Fivimart như thường thấy. Các vị trí trưng bày bên trong siêu thị đã che đi logo của Aeon, chỉ còn Fivimart.

Ngược về quá khứ cho thấy chính Aeon đã cứu Fivimart khỏi tình trạng phá sản. Cụ thể, năm 2014, Fivimart đã liên tục đóng cửa các siêu thị tại TP.HCM vì lý do tài chính, thậm chí không đủ tiền để trả cho các nhà phân phối. Trong lúc Fivimart đang tìm cách tái cấu trúc, loay hoay tìm lối thoát thì bất ngờ đại gia bán lẻ hàng đầu của Nhật là Aeon đề nghị hợp tác.

Đây là cuộc chơi hai bên cùng có lợi. Fivimart ngay lập tức lột xác sau khi bán 30% cổ phần cho Aeon. Doanh thu tăng trưởng ở mức trên 1.000 tỉ đồng, đồng thời có nguồn lực mở rộng quy mô. Chia sẻ với báo chí về thương vụ này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, từng cho biết mục tiêu của việc hợp tác này không chỉ vì mục đích tài chính. Theo đó, Fivimart lựa chọn Aeon để cải thiện những điểm yếu của mình trong ngành bán lẻ. Ví dụ, về nhân viên của Fivimart được phía Aeon đào tạo về quản trị, chuyên môn.

Tuy vậy, sau ba năm hợp tác với Aeon, lợi nhuận của Fivimart lại khá đáng thất vọng khi liên tục thua lỗ. Fivimart cho biết năm 2015 lỗ 60 tỉ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỉ đồng. Trong năm 2017, tình hình có chút cải thiện nhưng Fivimart vẫn lỗ 23 tỉ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỉ đồng. Nguyên nhân, biên lợi nhuận mỏng trong khi chi phí quản lý quá cao đã gây ra khoản lỗ nặng nề.

Sau hơn ba năm bắt tay nhau, Aeon tuyên bố chia tay với Fivimart vì tầm nhìn khác nhau. Ảnh: PM

Sau hơn ba năm bắt tay nhau, Aeon tuyên bố chia tay với Fivimart vì tầm nhìn khác nhau. Ảnh: PM

Vì sao chia tay?

Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật mới đây đã phát đi thông báo về việc hủy hợp tác nghiệp vụ, hợp tác liên kết vốn giữa Aeon và Fivimart. Thông cáo nêu rõ: Ngày 27-11-2014, Aeon và Fivimart đã ký kết hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn nhằm mục tiêu đóng góp vào việc hiện đại hóa thị trường bán lẻ Việt Nam; tạo lối sống phong phú và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thực sự.

“Giữa Fivimart và Aeon trong khi thương lượng chiến lược tăng trưởng, mong muốn thực hiện nâng cao cuộc sống của người tiêu dùng và phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam là như nhau. Tuy nhiên, trong phương hướng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng. Vì vậy, hai công ty đã thương lượng và đi đến đồng ý hủy bỏ hợp tác mang tính phát triển nhằm để mỗi bên xúc tiến chiến lược tăng trưởng, đầu tư vào việc cải thiện giá trị công ty thay vì tiếp tục việc hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn. Ngày hủy bỏ hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn là 29-8-2018” - tập đoàn bán lẻ Aeon giải thích.

Trao đổi qua điện thoại với đại diện truyền thông Aeon Việt Nam, vị này cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ nhận thông tin ngắn gọn từ tập đoàn mẹ là Aeon Nhật Bản rằng Aeon đã chính thức chia tay với Fivimart. Còn sau khi chia tay, Aeon bán 30% tỉ lệ sở hữu của Fivimart cho ai, bao nhiêu tiền… thì Aeon Nhật không chia sẻ”.

Với Fivimart thì đại diện truyền thông của đơn vị này cho biết thương hiệu Fivimart sẽ không còn tên Aeon, còn chi tiết cụ thể sẽ công bố trong vài ngày tới.

“Một cuộc chia tay đáng tiếc”

Bình luận về sự kiện đang gây bàn tán nhiều trong giới kinh doanh này, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia thương hiệu, nói: “Khi hợp tác, các bên đều có những mục tiêu chung và riêng. Họ định hướng theo thời gian sẽ đạt được những mục tiêu kinh doanh nào đó, nếu không thì các bên phải nói lời chia tay. Việc lỗ quá nặng nề có thể là một trong các yếu tố đẩy nhanh tiến trình thoái vốn của Aeon khỏi Fivimart”.

Theo ông Chiến, đây là một cuộc chia tay đầy đáng tiếc. Một DN phân phối Việt sẽ không còn bệ đỡ từ nguồn lực, mối quan hệ, hệ thống logistics của nhà đầu tư ngoại vốn đầy kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng trước đây, việc mở hệ thống bán lẻ rất khó khăn và phức tạp do áp dụng chính sách “xem xét nhu cầu kinh tế” (ENT) trước khi cho phép các chuỗi siêu thị nước ngoài được mở cửa hàng thứ hai trở đi ở Việt Nam. Do đó, các DN nước ngoài thường chọn cách hợp tác DN Việt Nam để thúc đẩy nhanh tiến trình này. Nhưng hiện nay, các quy định này đang trở nên thoáng hơn và các DN bán lẻ ngoại không cần đến DN nội địa nữa.

Một chuyên gia khác cũng nhận định Aeon đã hùn vốn với Tập đoàn Sojitz đẩy mạnh hệ thống cửa hàng tiện lợi Ministop. Tất cả đều là DN Nhật mà mục tiêu của các bên đẩy chuỗi cửa hàng tiện lợi này lên con số 800 cửa hàng trong vòng 10 năm. “Cùng đồng hương, am hiểu tập quán kinh doanh, chưa kể các bên đều có lợi thế về tài chính, mối quan hệ, nguồn hàng, hệ thống sản xuất… thì việc Aeon tập trung vào phát triển hệ thống siêu thị của chính họ lẫn Ministop là điều đương nhiên. Và tất yếu Fivimart phải nằm ngoài các kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của Aeon” - vị chuyên gia này phân tích.

Fivimart về tay ai?

Liên quan đến thông tin cho rằng sau khi chia tay Aeon, Fivimart sẽ về tay một tập đoàn lớn của Việt Nam, đại diện Fivimart không phủ nhận cũng không xác nhận điều này mà chỉ cho biết “đây là việc lớn và tất cả thông tin chính thức sẽ được công bố vào tháng 10”.

Tuy vậy, theo nguồn tin đáng tin cậy, Aeon đã hoàn tất đàm phán nhượng lại chuỗi siêu thị Fivimart cho một tập đoàn có tên tuổi trong nước, giá trị thương vụ chưa được tiết lộ. Tập đoàn này hiện sở hữu chuỗi bán lẻ đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

“Nếu như có cuộc hợp tác giữa hai DN bán lẻ nội địa thì sẽ làm tăng sức mạnh hệ thống phân phối Việt để cạnh tranh với nước ngoài. Song song đó, các DN sản xuất Việt sẽ còn hưởng lợi khi đưa hàng vào đây thay vì phải phụ thuộc, chưa kể bị chèn ép bởi hệ thống phân phối ngoại” - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích.

PHƯƠNG MINH - TÚ UYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/fivimart-bat-ngo-chia-tay-chong-ngoai-ket-duyen-nguoi-moi-795342.html