Financial Times: Kinh tế Nga đã ổn định nhờ trừng phạt

Kinh tế Nga đã có thể chống đỡ các cú sốc kinh tế từ các lệnh trừng phạt và giá dầu biến động khó lường.

Tạp chí Tài chính Financial Times của Mỹ mới đây bình luận, nền kinh tế Nga đã có sự thay đổi mạnh mẽ và ổn định hơn sau các cú sốc đến từ lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lèo lái Nga chống lại trừng phạt kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lèo lái Nga chống lại trừng phạt kinh tế.

Sau 5 năm hứng chịu các đòn trừng phạt, nền kinh tế trị giá 1,7 nghìn tỷ USD của Nga dường như đã ở trong tình trạng tốt hơn so với thời gian trước đây. Tăng trưởng chậm nhưng ổn định hơn: Nga đã thành lập một quỹ Nhà nước trị giá 124 tỷ USD, các nhà xuất khẩu tìm được thị trường mới, các nhà nhập khẩu thì tìm được lựa chọn thay thế trong nước.

Tạp chí này đánh giá, những kết quả kinh tế tích cực này là kết quả của chính sách tài khóa thận trọng của Kremlin, sự thích ứng về kinh tế suốt các năm trải qua các lệnh trừng phạt kéo dài của phương Tây - và một chút may mắn.

Yếu tố may mắn được nhắc đến có thể là do chính những lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ là công cụ chính sách ngoại giao chứ ít có tính toán đến kinh tế.

Các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và các quốc gia khác áp dụng trong các đợt khác nhau kể từ năm 2014, bao gồm các lệnh cấm du lịch đối với các cá nhân nổi tiếng, cấm tài trợ dài hạn cho một số tập đoàn lớn và cấm hỗ trợ cho các công ty dầu khí của Nga đối với các dự án ở Bắc Cực, đá phiến và ngoài khơi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo marathon thường niên cuối năm 2019 đã khẳng định rằng: "Nền kinh tế của Nga - tôi nói điều này với tinh thần trách nhiệm - đã có thể thích nghi với các cú sốc bên ngoài, trong khi hệ thống tiền tệ quốc gia đã thực sự trở nên ổn định hơn nhiều, ngay cả khi có biến động về giá năng lượng".

Tạp chí Mỹ nhận xét, phản ứng đối phó của Nga đối với các lệnh trừng phạt tập trung vào ba lĩnh vực chính.

Đầu tiên, Nga thắt chặt "vành đai", cắt giảm chi tiêu công và buộc các ngân hàng và tập đoàn lớn của mình phải làm sạch bảng cân đối kế toán. Đây một phần là do sự sụt giảm tín dụng nước ngoài do lệnh trừng phạt và tâm lý nhà đầu tư, một phần do ý thức rằng nền kinh tế cần một mạng lưới an toàn.

Thứ hai, Nga đã chi hàng nghìn tỷ rúp cho các chương trình nhằm tạo ra sản phẩm thay thế trong nước cho hàng nhập khẩu, trong khi nhập khẩu thực phẩm từ EU đã bị cấm nhằm kích thích sản xuất trong nước.

Thứ ba, Nga đã đại tu cách thức chi số tiền khổng lồ từ việc bán dầu và khí đốt. Thu nhập từ xuất khẩu năng lượng trên một mức hạn định được chuyển vào một quỹ tài sản quốc gia. Quy định này đã chấm dứt mô hình bùng nổ do chi tiêu của chính phủ liên quan đến giá dầu. Financial Times nhận định, điều này khiến gần như chỉ sau một đêm, giá trị đồng rúp đã chạy song song với thị trường năng lượng.

Nhà kinh tế Nga Sofya Donets tại Trung tâm nghiên cứu Renaissance Capital cho rằng, nền kinh tế của Nga đã kiên cường hơn rất nhiều so với nhiều người lo ngại vào năm 2014.

Cả ba hướng đi hoạt động hiệu quả, Nga đã có thặng dư ngân sách trong năm 2018 và 2019, tổng nợ công của nước này là khoảng 15% GDP. Trong khi trung bình của EU là 80%.

Kể từ cuối năm 2015, dự trữ tiền tệ quốc tế của Nga đã tăng gần 50% lên 542 tỷ USD vào cuối tháng 11, mức cao nhất kể từ năm 2011 và gần với mức đỉnh kỷ lục đạt được trong năm 2008.

Ngành nông nghiệp cũng đang bùng nổ - sản xuất lúa mì năm 2017 là mức cao nhất từng được ghi nhận - và Nga đã kiếm được kỷ lục 24 tỷ USD trong xuất khẩu nông nghiệp vào năm ngoái, giá trị cao hơn gấp đôi so với xuất khẩu vũ khí.

Ông James Roaf - Trưởng Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Nga bày tỏ, ông đã tin tưởng vào tình hình kinh tế của Moscow khi tuân thủ khuôn khổ kinh tế vĩ mô lành mạnh, hỗ trợ hoạt động kinh tế bằng cách giảm sự không chắc chắn, kiểm soát lạm phát và cung cấp niềm tin vào tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp hơn hy vọng của Kremlin. Các nghiên cứu độc lập cho thấy tăng trưởng GDP thực tế chỉ là 1,2% trong năm ngoái và sẽ ở mức 1,6% trong năm nay, đạt 1,8% vào năm 2021. So sánh với mức 3,8% vào năm 2012, ông Putin đã ra lệnh cho chính phủ của mình tìm cách thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Một số nhà kinh tế lập luận rằng bức tranh kinh tế tổng thể ở Nga ngày nay tốt hơn so với nó sẽ không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào cả.

Họ thậm chí cho rằng, Nga có nhiều việc phải lo từ các lệnh trừng phạt đột ngột hơn là các lệnh trừng phạt mà họ đã nhận được trước đó. Ví dụ, một buổi sáng đẹp trời, Mỹ bỗng dưng gỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt và những dòng vốn khổng lồ xuất hiện, tiền tệ tăng lên đột biến và tất cả các chính sách chính phủ Nga bị xáo trộn. Đó mới là một thảm họa của kinh tế Nga.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/financial-times-kinh-te-nga-da-on-dinh-nho-trung-phat-3396081/