FIFA yêu cầu bằng chứng cho cáo buộc tham nhũng đối với Qatar

Báo Telegraph (Anh) đưa tin, một số thành viên Hội đồng FIFA kêu gọi Ủy ban Đạo đức của FIFA yêu cầu bằng chứng cho những cáo buộc nói rằng Qatar đã thực hiện một chiến dịch chạy đua bí mật nhằm chống phá các đối thủ để giành được quyền đăng cai World Cup 2022.

Một dấu ấn nghệ thuật của Sân vận động Qatar Foundation cho World Cup 2022. Ảnh: AP

Qatar - Nước chủ nhà World Cup 2022 mới đây lại gặp rắc rối khi bị tố cáo kích động báo chí Mỹ và Australia trong quá trình vận động đăng cai.

Một báo cáo được đưa ra ngày 29/7 tiết lộ ra các văn bản có được từ một người tố cáo từng làm việc với nhóm đấu thầu quyền đăng cai World Cup Qatar. Báo cáo cho rằng, phía Qatar đã sử dụng một cơ quan truyền thông và một số cựu điệp viên của CIA để tuyên truyền thông tin giả về các đối thủ cạnh tranh quyền đăng cai, vi phạm các quy tắc được đặt ra với các các nước tham gia tranh quyền đăng cai của cơ quan quản lý bóng đá.

Tờ Sunday Times của Anh vừa tiết lộ một bản báo cáo mật cho thấy Qatar đã có những tác động lên xã hội Mỹ và Australia, hai nước tranh đăng cai cùng Qatar hồi năm 2010 để 2 nước này từ bỏ cuộc đua.

Qatar đã đánh bại các đối thủ Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản để giành quyền tổ chức cuộc thi từ cách đây 8 năm và kể từ đó đã phải đối mặt với nhiều nghi vấn về chiến thắng gây "sốc" này.

Theo Sunday Times, nhóm cựu điệp viên CIA được trả tiền để tạo dư luận tại Mỹ và Australia thông qua nhiều cách thức.

Các thông tin bôi xấu đối thủ được cho là liên quan đến việc thuê những người nổi tiếng để chỉ trích tình hình trong nước của các quốc gia tham gia chạy đua, nhằm tạo ấn tượng rằng họ thiếu sự hỗ trợ ở trong nước.

Tờ Telegraph đã liên lạc với một số thành viên của Hội đồng FIFA trước các thông tin trên Sunday Times. Qua đó được biết, cơ quan quản lý của FIFA hoặc Ủy ban Đạo đức của FIFA yêu cầu xem bằng chứng về các cáo buộc của Sunday Times, trong bối cảnh các bên kêu gọi một cuộc điều tra độc lập cho các cáo buộc.

Các quan chức FIFA không muốn tiết lộ danh tính cho rằng, những cáo buộc mới nhất này sẽ không dẫn tới việc Qatar bị tước quyền đăng cai World Cup, nhưng nó đặt ra vấn đề đổi mới của Qatar trong những nỗ lực bảo đảm sự cạnh tranh.

Theo tờ Sunday Times, chiến dịch của Qatar gồm cả việc thuê học giả kinh tế nổi tiếng với giá 6.900 bảng Anh để viết bài bôi nhọ chiến dịch đăng cai World Cup tại Mỹ, xúi giục một nhóm giáo viên thể chất gây áp lực lên Nghị sĩ để ép Quốc hội Mỹ tăng tiền viện trợ cho các hoạt động thể thao cộng đồng...

Còn ở Australia, tại các trận đấu bóng bầu dục và rugby liên tiếp tổ chức những cuộc biểu tình phản đối đăng cai ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới.

Trong khi, theo quy định của FIFA, các nước chạy đua đăng cai không được đưa ra bất kỳ thông tin bằng văn bản hoặc bằng miệng, cho dù có gây bất lợi hay không, về cuộc chạy đua hay sự ứng cử của bất kỳ thành viên hiệp hội nào bày tỏ sự quan tâm đến việc đăng cai tổ chức hay dàn dựng cuộc chạy đua.

Theo Sunday Times, chiến dịch bôi nhọ mà Qatar thực hiện đã đánh trúng tiêu chí quan trọng của FIFA là bên đấu thầu quyền đăng cai nên có sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng trong nước. Công ty truyền thông mà Qatar được cho là thuê để đưa thông tin giả gây nhiễu loạn tại Mỹ và Australia được xác định là Brown Lloyd Jones Worldwide (BLJ Worldwide) đặt tại trụ sở New York, Mỹ.

Một trong những email bị rò rỉ mà Sunday Times nói đã tiếp cận và gửi tới Phó Chủ nhiệm đấu thầu của Qatar - Ali al-Thawadi - chỉ ra rằng, nước này đã biết về âm mưu phát tán "tin độc" chống lại các đối thủ.

Lord Triesman, cựu Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá và đấu thầu Anh kêu gọi FIFA "xem xét bằng chứng một cách kỹ lưỡng" và nói rằng Qatar không nên tiếp tục được tổ chức World Cup nếu họ được thấy là phá vỡ các quy định của FIFA: "Tôi cho rằng không có gì sai nếu FIFA xem xét việc nước Anh ở vị trí đó... Chúng tôi có khả năng".

Tháng trước, người tố cáo đứng sau các tài liệu bị rò rỉ đã làm chứng cho Damian Collins MP, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao thuộc Quốc hội Anh. Ông Collins nói với đài BBC rằng, các cáo buộc từ tờ Sunday Times đòi hỏi một cuộc điều tra độc lập phù hợp và FIFA nên bảo đảm rằng điều đó xảy ra.

Ông nói thêm: "Nếu Qatar vi phạm các quy tắc, họ phải đối mặt với một số biện pháp trừng phạt".

Trước đó, Qatar đã bị FIFA điều tra vì cáo buộc tham nhũng xung quanh việc đấu thầu đăng cai World Cup, nhưng đã được Ủy ban Đạo đức FIFA xóa bỏ vào năm 2014 sau một cuộc điều tra kéo dài 2 năm do luật sư người Mỹ Michael Garcia thực hiện. Vị luật sư này cho biết, phần lớn quá trình đấu thầu là “công bằng và kỹ lưỡng”, mặc dù có đôi chút “sắp đặt đáng ngờ”.

Các tài liệu mà Sunday Times đề cập tới dường như không được tìm thấy trong cuộc điều tra 2 năm nói trên của FIFA.

Trước những thông tin này, phía Qatar phủ nhận các cáo buộc.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Tối cao về Chuyển giao và Kế thừa của Qatar cho biết: "Ủy ban Tối cao phủ nhận mọi cáo buộc đưa ra bởi Sunday Times. Chúng tôi đã điều tra kỹ và sẵn sàng với tất cả thông tin liên quan tới việc đấu thầu của chúng tôi, bao gồm cả cuộc điều tra chính thức do luật sư Mỹ Michael Garcia dẫn đầu... Chúng tôi đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt tất cả quy tắc, quy định của FIFA trong quá trình đấu thầu quyền tổ chức World Cup 2018/2022".

Phía công ty BLJ Worldwide chưa có bất kỳ động thái nào về bài báo trên. Trong khi đó, The Times sẵn sàng cung cấp những bằng chứng có được từ thành viên vận động đăng cai World Cup 2022 của chính Qatar cho cơ quan điều tra.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/fifa-yeu-cau-bang-chung-cho-cao-buoc-tham-nhung-doi-voi-qatar_t238c52n136826