Festival Mỹ thuật trẻ 2017: Cần nhiều hơn sự dấn thân

Diễn ra từ ngày 21-11 đến 5-12 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội), Festival Mỹ thuật trẻ 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức là sự kiện nổi bật của nghệ sĩ trẻ, với những vấn đề được dư luận và giới mỹ thuật quan tâm.

Chiều SaPa, tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Đức Công (Giải khuyến khích).

Chiều SaPa, tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Đức Công (Giải khuyến khích).

Được tổ chức định kỳ ba năm một lần, đây là festival thứ tư dành cho các họa sĩ trẻ cả nước lứa tuổi từ 18 đến 35 (song thật thú vị, kỳ này có cả tác giả trẻ ở tuổi 16). Nếu tính từ festival đầu tiên năm 2007, đến nay, mỹ thuật trẻ đã trưởng thành nhiều cả về đội ngũ, số lượng và chất lượng sáng tác. Trong tổng số 379 tác phẩm của 185 tác giả cả nước tham dự, có 95 tác phẩm tiêu biểu của 80 tác giả được chọn trưng bày; trong đó, 18 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải thưởng gồm bốn giải nhì, sáu giải ba và tám giải khuyến khích.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, Festival Mỹ thuật trẻ 2017 đã phản ánh trung thực đời sống mỹ thuật của nghệ sĩ trẻ đương đại Việt Nam. Các tác phẩm cho thấy những quan tâm, băn khoăn, trăn trở của họ trước một số vấn đề xã hội; đưa đến công chúng cái nhìn rõ nét hơn về nghệ thuật đương đại. Có thể thấy, bằng nhiều chất liệu, loại hình, các tác giả đã thể hiện cảm nhận, tư duy, cách nhìn cuộc sống khá chân thực, sinh động.

Một số chủ đề đặc trưng tâm lý lứa tuổi và thời đại được quan tâm khai thác như: Cảm giác cô đơn, nhỏ bé của con người (trẻ) khi đối diện xã hội rộng lớn, hiện đại (Đêm - điêu khắc sợi của Nguyễn Duy Mạnh, Ở đâu cũng thế - Mọi lúc mọi nơi 2 - sơn dầu của Nguyễn Khắc Chinh...); mối quan hệ, tình cảm giữa con người với con người khi “thế giới phẳng” (Khoảng cách - sơn dầu của Lê Thị Quế Châu, Thế giới riêng - sơn dầu của Hà Phước Duy; Một sáng chủ nhật - sơn mài của Nguyễn Trường An)... Nhiều vấn đề lớn đang đặt ra của cuộc sống cũng được phản ánh như: Môi trường, đô thị, công nghiệp hóa, bảo tồn di sản...

Mảng đề tài về vẻ đẹp thiên nhiên, con người, cuộc sống lao động và sinh hoạt đời thường cũng hiển hiện một cách sinh động, trữ tình. Trong số bốn tác phẩm đoạt giải nhì (không có giải nhất), Đơn hàng - điêu khắc tổng hợp của Đào Đình Tân, nổi bật bởi sử dụng ngôn ngữ điêu khắc và sắp đặt để chuyển tải ý tưởng một cách mạch lạc; cảnh báo hiện tượng sức mạnh của làn gió hội nhập, toàn cầu hóa đang biến sức lao động của con người thành một thứ hàng hóa. Mới mẻ với giải pháp tạo hình khác lạ, trẻ trung gây hiệu ứng thị giác mạnh là tác phẩm Đang ở đây - acrylic của Nguyễn Thanh, như một sự khẳng định sôi nổi về sự tồn tại của những con người trẻ trong xã hội hiện đại... “Những tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm rõ ràng, nổi trội về ý tưởng cũng như giải pháp tạo hình”, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, thành viên Hội đồng nghệ thuật khẳng định.

Một điểm mới đáng chú ý của festival lần này là hầu hết các thành viên Hội đồng nghệ thuật còn khá trẻ. Nhiều gương mặt từng tham gia các kỳ festival trước giờ đây lại ở vị trí giám khảo, như các họa sĩ: Trần Hậu Yên Thế, Ly Hoàng Ly, Thái Nhật Minh, Vũ Bạch Liên... Với cái nhìn trẻ trung, cởi mở và thẳng thắn, sự lựa chọn, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật góp phần đem đến động lực sáng tạo không nhỏ cho các tác giả trẻ.

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhận xét: “Nhiều kỳ festival đã qua, cho đến hôm nay, dường như yếu tố xuất sắc của thế hệ các tác giả trẻ vẫn là điều hiếm thấy... Sự thiếu vắng các hình thức nghệ thuật installation (nghệ thuật sắp đặt), performance (nghệ thuật trình diễn)... một lần nữa khẳng định sự mất cân bằng đương đại”. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế bày tỏ mong muốn được thấy ở nghệ sĩ trẻ nhiều hơn nữa yếu tố năng lượng trẻ, hơn là dừng ở mức độ thuần thục; muốn sự bứt phá mạnh mẽ hơn, vượt ra khỏi “lan can tay vịn an toàn” để đi đến những sáng tạo, phát hiện mới...

PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/34896802-can-nhieu-hon-su-dan-than.html