Festival Huế 2018: Lối đi nào cho ẩm thực Cung đình?

Trong khuôn khổ những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2018, sáng nay 29/4/2018 tại khách sạn Imperial Huế đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế ẩm thực cung đình và dân gian Huế với chủ đề 'Nâng tầm - Phát triển - Kết hợp du lịch vươn ra Thế giới' đã khai mạc.

Đây là Hội thảo theo phương thức xã hội hóa do Công ty TNHH Phú Đạt Gia Huế thực hiện tiếp theo thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế” lần thứ nhất tại Festival Huế 2016 với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo khoa học quốc tế ẩm thực Cung đình và dân gian Huế

Hội thảo sẽ tích cực góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Huế đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chương trình trọng điểm phát triển du lịch – dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018, trong đó xác định cần đẩy mạnh chiến lược truyền thông “Huế - kinh đô ẩm thực – sự tận hưởng kỳ thú” giai đoạn 2018 – 2020, tích cực vào định hướng và mục tiêu “Biến Việt Nam trở thành Bếp ăn của Thế giới” “Huế là bếp ăn của Việt Nam”.

Tham gia Hội thảo có các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, doanh nghiệp đến từ: Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Indonesia, Đài Loan TQ, Pháp, Thụy Sĩ, Singapore.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã phát biểu tại sự kiện

Hội thảo lần này sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Tiếp tục khẳng định những giá trị tinh hoa của âm thực Huế (cung đình và dân gian); Ẩm thực với chiến lược kinh doanh và đào tạo và Ẩm thực Huế với hoạt động Bảo tàng và nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu, qua nhiều tài liệu, qua nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo, tọa đàm, đã chứng minh sự hội tụ đặc biệt của văn hóa ẩm thực Huế từ cội nguồn văn minh bản địa Champa ở phương Nam, từ hành trang cội nguồn Việt – Mường ở đất Bắc, từ phía Tây (như qua ải Ai Lao) và cả với văn minh phương Tây từ biển cả phía đông.

Văn hóa Huế đã tiếp nhận, từng bước ổn định, sàng lọc và định hình nên những giá trị riêng có, nhiều khác biệt, trong văn hóa ẩm thực.Huế. Các tác giả cũng bàn vấn đề du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa đặc trưng - trong đó có văn hóa ẩm thực - ngày càng trở thành xu hướng phát triển phổ biến trong xã hội hiện đại, đòi hỏi tính năng động, thích ứng của truyền thống văn hóa bản địa, đặc biệt là quá trình chuyển hóa các giá trị văn hóa truyền thống trở thành những sản phẩm du lịch mang chức năng sứ giả văn hóa.

Sự kiện thu hút được nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, doanh nghiệp tham gia.

Đặc biệt ở hội thảo này, vấn đề xây dựng hồ sơ di sản cho văn hóa ẩm thực Huế và xây dựng bảo tàng ẩm thực đã được nhiều tác giả lưu tâm giải quyết. Chủ đề văn hóa ẩm thực với chiến lược kinh doanh, đào tạo và vấn đề truyền thông trở thành trục trọng tâm trong chủ đề hội thảo lần này bởi phát triển du lịch ẩm thực trong bối cảnh du lịch trải nghiệm ngày càng nổi trội là hướng đi hữu hiệu, thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ẩm thực.

Ở đây, nổi cộm vấn đề phát triển kinh tế du lịch ẩm thực, nhu cầu đào tạo và truyền thông di sản. Di sản ẩm thực Huế, ẩm thực Việt còn quá nhiều tiềm năng cần được chú ý khai thác, phát huy một cách thỏa đáng, đặc biệt cần coi ẩm thực là sứ giả văn hóa.

Đáng chú ý là ưu tiên đầu tư xây dựng thương hiệu, hoàn chỉnh hồ sơ cho một “kinh đô ẩm thực”, gắn liền vai trò của các ‘sứ giả ẩm thực” và tiến tới xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại Huế.

Để gìn giữ lâu bền sứ mệnh một kinh đô ẩm thực đặc thù của đất nước, các tác giả cũng bày tỏ sự quan ngại về công tác đào tạo chưa thật chính qui, bài bản, nhằm chuyên nghiệp hóa, tránh tình trạng không thống nhất trong việc tổ chức bán dịch vụ, chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố văn hóa cung đình gắn với dịch vụ, cả những vấn đề liên quan đến nhận diện thương hiệu. Nhu cầu phải học nấu ăn thực sự cần thiết trong tình hình hiện nay, bởi nó không đơn giản trong vấn đề thực phẩm hay dinh dưỡng, mà là đạo đức, là lẽ sống, là nguồn nhiệt huyết đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Ông Trần Đình Hằng - Giám đốc phân viện nghiên cứu Văn hóa miền trung

Ông Trần Đình Hằng - Giám đốc phân viện nghiên cứu Văn hóa miền trung cho biết, "tỉnh Thừa Thiên Huế luôn luôn đặt mục tiêu mũi nhọn dịch vụ du lịch lên hàng đầu. Tuy nhiện thực trạng hiện nay đang xảy ra nhiều điều đáng tiếc là khả năng hiện thực hóa đang lúng túng, tư do tự phát dẫn đến không có chiến lược phát triển cụ thể.

Do đó, cần có chiến lược truyền thông cho ẩm thực Huế, với những bước đi, phương thức phù hợp để kịp thời giới thiệu những giá trị tinh hoa, độc đáo ra thế giới bên ngoài, để thu hút thế giới về với Huế hay đến với văn hóa ẩm thực Huế. Đó cũng là nội dung mà ngành Du lịch đặt ra trong Kế hoạch truyền thông ‘Huế - Kinh đô ẩm thực Việt, sự tận hưởng kỳ thú’ nhằm phát huy thế mạnh văn hóa du lịch ẩm thực ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2020."

Nhiều doanh nghiệp tham gia sự kiện

Để thực hiện được điều này, ông Nguyễn Văn Phúc - PGĐ Sở Văn du lịch Huế cho biết, "Qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn nữa, ban hành những chính sách, kế hoạch truyên thông về ẩm thực. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vả ngoài tỉnh tích cực tham gia đóng góp, xây dựng Huế trở thành một kinh đô ẩm thực".

Được biết, Hội thảo Khoa học về Ẩm thực còn có chuỗi các chương trình đồng hành như: Gala Trải nghiệm Ẩm thực Huế - Ẩm thực Việt vào tối ngày 29/4; Quảng diễn và giới thiệu 100 món ăn Cung đình và Dân gian Huế, một số vùng miền, do 30 nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực, Master Chef và các đầu bếp nổi tiếng của Việt Nam và Quốc tế thực hiện.

Hoàng Nam

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/festival-hue-2018-loi-di-nao-cho-am-thuc-cung-dinh-101422