Fed và các ngân hàng Việt hạ lãi suất: Kịch bản nào cho VN-Index?

Các chuyên gia có nhận định trái chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng Việt hạ lãi suất.

Ông Huỳnh Anh Tuấn (trái) và ông Phan Dũng Khánh.

Ông Huỳnh Anh Tuấn (trái) và ông Phan Dũng Khánh.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định hạ lãi suất 0,25% xuống ngưỡng từ 2% đến 2,25%.

Cùng thời điểm, một số ngân hàng Việt đã có động thái tương tự, đồng loạt công bố quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ ngày 01/8.

Các thông tin trên sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán? BizLIVE ghi nhận đánh giá của một số chuyên gia công ty chứng khoán.

Sẽ có dòng tiền tích cực cho thị trường

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCK Everest

Câu chuyện Fed giảm lãi suất hầu như đã được dự đoán từ trước và đặc biệt nếu quan sát kỹ TTCK Mỹ đã hấp thụ thông tin này. Riêng TTCK châu Á tin này hấp thụ chưa nhiều, đặc biệt TTCK Việt.

Trước khi tin đó xuất hiện nhiều nhà đầu tư đã dự đoán giảm lãi suất cao. Nhưng trước khi tin Fed giảm lãi suất lại có tin phía Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không giảm lãi suất, chính sách không nới lỏng nhiều. Đó là lý do vừa qua khi Vn-Index chạm 1.000 điểm lập tức có sự điều chỉnh mạnh. Nhóm “nhà cái” tạo lập họ tận dụng tin đó, dự đoán tin đó để tạo sức ép lên thị trường.

Việc Fed giảm lãi suất tôi cho rằng có hai vấn đề, tốt cho TTCK nói riêng, nhiều khả năng lại là sức ép tiếp về tỷ giá. Vì khi Fed giảm lãi suất thì nguồn vốn tràn vào, giá trị đồng USD không còn nóng thì nhiều khả năng ảnh hưởng một phần đến những DN xuất khẩu.

Xu hướng vẫn là tốt ở đây là cho TTCK, nhưng ngược lại nền kinh tế toàn cầu suy giảm thì Fed mới hành động vậy. Fed giảm lãi suất, báo tín hiệu cho thế giới biết nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy giảm, cũng như nền kinh tế toàn cầu cũng vậy.

Sắp tới sẽ có nhiều ngân hàng khác sẽ đi theo hướng của Fed. Bởi Fed giảm lãi suất thì đồng USD giảm, các ngân hàng khác cũng hành động tương tự để đảm bảo nền kinh tế toàn cầu đi theo quỹ đạo chung. Tôi cho rằng sắp tới tác động rất lớn tới TTCK.

TTCK Việt cuối năm theo tôi vẫn đi theo hướng tích cực. Thứ nhất Fed giảm lãi suất, các ngân hàng lớn Việt giảm lãi suất nữa, tác động tới doanh thu lợi nhuận DN. Dòng tiền ngoại dễ dàng đi vào các thị trường mới nổi hơn, là động lực sức cầu trên chứng khoán tăng lên. Sức cầu tăng sẽ giải pháp mục tiêu nâng hạng tạo sức hút mạnh hơn.

Hơn nữa, định hướng đề án tăng vốn hóa TTCK Việt Nam lên 100% GDP một mặt giá trị cổ phiếu tăng lên, có những hàng hóa mới với chất lượng mới tham gia thị trường, qua đó hút thêm dòng tiền mới tham gia thị trường. Khả năng VN-Index vượt 1.000 điểm không có gì đáng lo ngại.

Rõ ràng vừa rồi những dòng tiền lớn chưa tham gia tích cực vào thị trường, một phần cũng là tác động kết quả kinh doanh DN không quá khả quan, 6 tháng một số doanh thu suy giảm, lợi nhuận tăng không tạo thu hút.

NĐTTNN có lực mua ròng từ nhiều phiên nhưng áp lực mua không quá mạnh, bởi họ chờ đợi thông tin giảm lãi suất của Fed. Thêm vào đó việc siết tín dụng vào bất động sản. Theo đó, DN phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao, qua đó hút bớt dòng tiền trên TTCK, làm cho tính thanh khoản kém sôi động.

Nhưng tôi nghĩ siết chặt là định hướng dài, việc DN phát hành trái phiếu sẽ bị áp lực ngắn hạn, sau đó sẽ giãn trở lại. Khả năng dòng tiền mạnh lên từ nay tới cuối năm bởi được hỗ trợ từ dòng tiền NĐTNN đổ vào kết hợp thành dòng tiền tích cực cho thị trường.

VN-Index vượt 1.100 điểm nhưng xác xuất không cao

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng VN

Tôi cho rằng Fed giảm lãi suất mang tính kỹ thuật là nhiều, trong bối cảnh họ đã giữ và tăng lãi suất 11 năm qua.

TTCK Mỹ rớt điểm hôm qua, có hai lý do: một là việc này đã được dự báo từ trước, thứ hai Chủ tịch Fed cho rằng động thái hạ lãi suất này các nhà đầu tư không nên hiểu là xu hướng kéo dài, nghĩa là việc hạ lãi suất của Fed chưa chắc tiếp diễn ra trong tương lai.

Tôi thấy Fed cũng khó khăn trong vấn đề này, lãi suất 2,5% xuống 2,25%, nhiều nhận định là cao nhưng phải lưu ý, cao nhất trong lịch sử lãi suất đồng USD là 20%, tức gấp 10 lần hiện nay. Như vậy nếu so trong lịch sử mức lãi suất vậy không cao nên dư địa của Fed để hạ lãi suất là không nhiều.

Không chỉ Fed mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới như Nhật, lãi suất đang bị âm vậy thắt chặt bằng cách nào, rất khó để hạ thêm. Fed cũng tương tự, lãi suất đã ở mức thấp, chỉ có thể hạ thêm chút.

Thứ hai nợ công, thâm hụt ngân sách của Mỹ, bảng cân đối kế toán của Fed đã ở mức cao nhất lịch sử, nên Fed khó khăn trong việc hạ lãi suất. Đêm qua đồng USD lên mạnh trong khi lẽ ra chuyện này phải làm USD giảm.

Điều lo ngại lớn đó là các ngân hàng trung ương các nước khác, NHTM hạ lãi suất theo để cân đối với hành động của đồng USD. Theo đó là lo ngại về chiến tranh tiền tệ xảy ra.

Chuyện hạ lãi suất về nguyên tắc tốt ít nhất trong ngắn hạn, nhưng là trong một nền kinh tế bình thường. Có thể thấy nền kinh tế hiện nay thế gới như Nhật, châu Âu lãi suất là âm nhưng nền kinh tế châu Âu phát triền èo uột trong khi kinh tế Mỹ lại tăng tương đối khá.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng lạm phát ở mức rất thấp, chuyện này thông thường không đi chung với nhau, bởi thường bơm tiền thì lạm phát tăng lên và kinh tế tăng trưởng còn đằng này kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng lạm phát không đạt được mục tiêu, trong khi đó đó nợ công lại cao.

Còn những nước khác ngược lại, lãi suất âm nhưng tăng trưởng kinh tế lại thấp. Như Trung Quốc kinh tế đã giảm 11 năm liên tiếp, Nhật thì đứng, một số nước châu Âu suy thoái kỹ thuật với một quý âm.

Trước đây trong nền kinh tế bình thường thì việc giảm lãi suất là tốt nhưng hiện nay điều nay sẽ dẫn đến chiên tranh tiền tệ như tôi đề cập ở trên. Điều này nghĩa là bất ổn, thể hiện giá vàng tiếp tục tăng, trái phiếu chính phủ các nước được mua nhiều, kể cả TPCP Việt Nam trong khi vào năm trước là “ế”.

Việc các ngân hàng trong nước hạ lãi suất tôi cho rằng chỉ tốt trong ngắn hạn và vấn đề quan tâm việc giảm lãi suất có là xu thế không hay chỉ giảm một lần thôi.

Dòng tiền vào chứng khoán vẫn chưa tốt. Thanh khoản có thể tăng nhưng so với mức trung bình của năm 2018 là thấp hơn khoảng 30- 40%. Margin của chứng khoán đang cao nhất lịch sử.

VN-Index có nhiều nhận định sẽ vượt 1.100 điểm, xác suất là có nhưng rất nhỏ. Tôi cho rằng thị trường trung tính và đi xuống nhiều hơn. Bởi phải kích hoạt dòng tiền vào thị trường, có tiền thì giá chứng khoán mới lên được.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/fed-va-cac-ngan-hang-viet-ha-lai-suat-kich-ban-nao-cho-vn-index-3515710.html