FED duy trì chính sách tiền tệ 'lỏng lẻo' - Vàng, dầu mỏ, chứng khoán biến động

Giá dầu tăng trong khi chứng khoán và giá vàng lao dốc mạnh. Đây là phản ứng của thị trường, ngay sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo một số thông tin sau cuộc họp kéo dài 2 ngày qua.

Sau cuộc họp 2 ngày, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0 và tiếp tục bơm 120 tỷ USD/tháng để mua trái phiếu hỗ trợ nền kinh tế. Đây được xem là quyết định đầy bất ngờ của FED. Bởi tình hình kinh tế Mỹ hiện đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc và lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tăng nhanh hơn dự báo.

Giới đầu tư và thị trường tài chính thời gian qua đã tìm kiếm những dấu hiệu về thời điểm mà FED có thể siết lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã triển khai suốt 2 năm qua nhằm vực dậy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sau cú sốc mà Covid-19 gây ra. Lý giải về quyết định này, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng sẽ đợi cho tới khi “có thêm bước tiến quan trọng” về phục hồi tăng trưởng và thị trường lao động rồi mới bắt đầu chuyển sang chính sách tiền tệ phù hợp với một kinh tế hoàn toàn mở cửa. Chủ tịch FED cũng để ngỏ khả năng sẽ bắt đầu nâng mức lãi suất trong năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Đại dịch vẫn tiếp tục đặt ra nguy cơ đối với triển vọng kinh tế. Tiến triển trong hoạt động tiêm vaccine đã giới hạn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục giảm tác động của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tiêm vaccine vẫn còn chậm và các biến thể mới vẫn là một nguy cơ. Kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, điều kiện để kinh tế khởi sắc mạnh sẽ cần thêm một thời gian nữa. Chúng tôi sẽ có sự cân nhắc điều chỉnh chính sách trong tương lai”, Chủ tịch FED nói.

Chính sách siêu nới lỏng của FED, ngoài mức lãi suất gần 0, còn có chương trình mua tài sản khổng lồ. Hai biện pháp này khi kết hợp với nhau sẽ cho phép tiền tệ dễ dàng lưu thông trong nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ hơn, giúp tăng tốc độ tăng trưởng và phục hồi thị trường việc làm.

Ngay sau tuyên bố của FED, giá vàng thế giới bắt đầu lao dốc mạnh. Chốt phiên giao dịch trong ngày, giá vàng giao ngay hạ hơn 46,8 USD/ounce, tương đương mức giảm hơn 2,51 %. Trong khi, chứng khoán Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất. Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 0,8% giá trị trong khi chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,5% ở thời điểm cuối phiên. Chỉ số Nasdaq cũng đã giảm 0,2%.

Trái với sự đi xuống của giá vàng và giá chứng khoán, giá dầu mỏ thế giới đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 4/2019. Chốt phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu Brent biển Bắc tăng 40 cent lên 74,39 USD/thùng trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng tăng lên 72,15 USD/thùng. Bên cạnh thỏa thuận cắt giảm nguồn cung do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, dự đoán về đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023 của FED cũng được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao./.

Hồng Nhung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/fed-duy-tri-chinh-sach-tien-te-long-leo-vang-dau-mo-chung-khoan-bien-dong-866932.vov