FE Credit cần nhiều thời gian để 'làm đẹp' chất lượng tín dụng

Quý 1/2021, tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit tăng lên 8,2%; Tổng tài sản có vấn đề, bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu, ở mức 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 24% tổng dư nợ.

Sau thương vụ VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản SMFG, người ta mới thấy được sức mạnh đáng gờm của đế chế cho vay tiêu dùng này. Kết quả kinh doanh trong quý 1/2021 của FE Credit cũng đã phần nào cho thấy không phải ngẫu nhiên SMFG lại hào phóng đến vậy.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của VPBank cho thấy, lợi nhuận của ngân hàng tăng mạnh 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4 nghìn tỷ đồng.

FE cần nhiều thời gian để phục hồi chất lượng tín dụng khi tổng tài sản có vấn đề, bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu, ở mức 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 24% tổng dư nợ.

FE cần nhiều thời gian để phục hồi chất lượng tín dụng khi tổng tài sản có vấn đề, bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu, ở mức 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 24% tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay tái cơ cấu lần đầu tiên giảm xuống kể từ quý 2/2020. Tuy nhiên, có sự phân hóa khá rõ rệt giữa ngân hàng mẹ và FE Credit về chất lượng tín dụng. Trong khi ngân hàng mẹ có sự cải thiện rõ ràng hơn, FE Credit sẽ cần thêm một thời gian nữa để chất lượng tín dụng phục hồi trở lại.

Tính đến cuối quý 1/2021, số lượng nhân viên trung bình tại FE Credit là khoảng 12.500 nhân viên, giảm 28% so với cùng kỳ từ 17.380 trong quý 1/2020. Do đó, chi phí hoạt động được kiểm soát ở mức 1 nghìn tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, với đặc thù là một công ty cho vay tiêu dùng, khách hàng đa phần là những người không có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit đã tăng lên 8,2% do 1,3 nghìn tỷ đồng (1,9% tổng dư nợ) được phân loại lại từ dư nợ tái cơ cấu sang nợ xấu.

Tổng tài sản có vấn đề, bao gồm nợ nhóm 2, nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu, ở mức 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 24% tổng dư nợ của FE Credit.

Trong khi đó, chi phí dự phòng bao nợ xấu vẫn ở mức thấp là 1,8 nghìn tỷ đồng và chi phí tín dụng liên tục thấp hơn mức tỷ lệ nợ xấu mới hình thành kể từ quý 2/2020.

Rõ ràng là cần có thêm thời gian để FE Credit đưa chất lượng tín dụng trở về mức bình thường, vậy nên chi phí tín dụng dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm nay.

Theo ước tính của SSI Research, ngân hàng mẹ VPBank sẽ thu về khoản lãi sau thuế từ thương vụ bán vốn FE Credit khoảng 23 nghìn tỷ đồng và sẽ được hạch toán cho năm 2021. Đồng thời, do không có thông tin về kế hoạch/dự án cụ thể mà ngân hàng có thể giải ngân từ nguồn lợi nhuận này và tăng trưởng tín dụng vẫn phải theo hạn mức tín dụng do NHNN cấp, giả định rằng thương vụ này sẽ giúp giảm nhu cầu huy động tiền gửi của khách hàng vào năm 2021, do đó, VPBank sẽ giảm đáng kể chi phí vốn bình quân.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của VPBank ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng (cao hơn mục tiêu đề ra của ngân hàng). SSI Research ước tính ngân hàng mẹ (không bao gồm cổ tức của FE Credit) và FE Credit sẽ đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt là 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ) và 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 mới diễn ra, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm nay là 16,654 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, dựa trên tăng trưởng tín dụng 16,6%. Ngân hàng mẹ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 35%-38%.

Với nguồn doanh thu từ việc bán 49% cổ phần của FE Credit, khả năng đàm phán lại hợp đồng phân phối bảo hiểm với AIA và lợi nhuận của năm 2021, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank dự kiến đạt khoảng 90 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết ngân hàng có thể sẽ đề xuất tăng vốn điều lệ (sử dụng lợi nhuận để lại) lên ít nhất 75 nghìn tỷ đồng vào năm 2022.

Quý 1 vừa qua, lãi suất huy động bình quâ tại VPBank tiếp tục có xu hướng giảm 60 điểm phần trăm so với quý trước, và giảm 196 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 4,31%.

Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu được cải thiện lần lượt ở mức 2,13% và 54,2% (so với 2,48% và 50,6% vào cuối năm 2020). Tỷ lệ nợ xấu mới hình thành thấp hơn ở mức 0,4% (so với 0,62% trong quý 4/2020).

Chỉ số duy nhất đi ngược xu hướng là nợ Nhóm 2, tăng 21,2% so với đầu năm lên 9,3 nghìn tỷ đồng. Theo ngân hàng, 25% trong số dư nợ cho vay này (2,3 nghìn tỷ đồng) đã trở lại trạng thái bình thường và dự kiến sẽ được xếp lại vào nợ Nhóm 1 vào quý tới.

Giang Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/no-xau-tang-tai-san-co-van-de-cua-fe-credit-len-den-24-tong-du-no-283841.html