FDI và nội hàm mở rộng

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ, đồng hành và cùng lớn lên với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh cam kết mà những người lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trong 30 năm qua nhiều lần đề cập, song tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI, người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đến FDI với nội hàm mở rộng.

“Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút FDI, nay Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác FDI với nội hàm mở rộng hơn”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp chính thức tới các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI diễn ra sáng qua (4/10) tại Hà Nội.

.

Theo đó, Việt Nam sẽ không chỉ thu hút vốn FDI, mà sẽ hợp tác về quản lý, kết nối, đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A).

Việt Nam sẽ không chỉ khai thác nguồn lực, mà là hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội.

Việt Nam sẽ không chỉ là nơi nhận các nguồn vốn do giới đầu tư - kinh doanh mang đến, mà sẽ ở thế chủ động, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, lựa chọn, để dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia, để nguồn lực FDI mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, Nhà nước, nền kinh tế ở cả góc độ kinh tế, xã hội, môi trường.

Việt Nam sẽ không để tồn tại tình trạng “hai nền kinh tế trong một nền kinh tế”, sẽ đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Điều này có nghĩa, điểm đến Việt Nam sẽ dành cho các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế; dành cho các nhà đầu tư trong các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao. Điểm đến Việt Nam sẽ dành cho các dự án FDI tiếp cận các công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn...

Cũng phải nhắc lại, sau 30 năm thu hút FDI, với rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất thế giới về thu hút FDI cho dù đi cùng với đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế và cả những thua thiệt mà nền kinh tế đang gánh chịu.

Song, đúng như Thủ tướng đã thẳng thắn trao đổi, các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta là rất quý, nhưng việc có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước hay không là trách nhiệm của chúng ta.

Điều đó cũng có nghĩa, những nội hàm rộng mở hơn về thu hút FDI được hiện thực hóa ra sao sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ, vào hành động của các bộ, ngành, địa phương.

Bảo Duy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/fdi-va-noi-ham-mo-rong-d88875.html