FDI và 'bài toán' chuyển giao công nghệ

Thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, mà quan trọng hơn là qua đó để tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI vào nước ta chưa được như mong muốn, cần sớm có giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhà cung cấp cấp ba

Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, việc đón nhận công nghệ từ các nước tiên tiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần gia tăng nội lực quốc gia, giúp nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển so với việc tự nghiên cứu, thử nghiệm. Bắt đầu thu hút FDI từ năm 1988, sau 30 năm, nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thông tin từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến năm 2016, khu vực FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp; chiếm hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với mặt hàng chủ lực là sản phẩm chế tạo có giá trị gia tăng cao, bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp (DN) trong nước và tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa, 20% GDP và là khu vực chiếm tới 30% lực lượng lao động tại các DN.

Dây chuyền xử lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty Ba Huân Hà Nội (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

Khẳng định sự có mặt của các DN FDI là không thể phủ nhận, góp phần "thay da đổi thịt" nhiều tỉnh, thành phố về tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nguồn thu cho người lao động… Song, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, thực tế FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế, như: Gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, sử dụng công nghệ lạc hậu của một số dự án… Đặc biệt, mục tiêu từ đầu của chính sách thu hút FDI là công nghệ hiện đại và lan tỏa vào cả nền kinh tế, nhưng thực tế, mặc dù Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào, song sự phát triển của những tập đoàn này đã không kéo khu vực DN trong nước phát triển. “Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, các DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ DN Việt Nam, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Điều này chứng tỏ, DN Việt Nam đang được hưởng lợi rất ít từ hiệu ứng lan tỏa do dòng vốn FDI mang lại qua quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất”-ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI phân tích.

Có chung góc nhìn này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lo ngại, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có những biến động và nguồn vốn FDI vì thế có thể cũng “ra-vào” rất nhanh theo những biến động đó. Nếu Việt Nam không nhận được sự chuyển giao công nghệ, khi DN FDI rút khỏi thị trường, Việt Nam sẽ còn lại gì?

Minh chứng rõ nét hơn về quan điểm này, nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng thế giới trong báo cáo “Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của DN vừa và nhỏ (DNVVN)-Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế” cũng chĩ rõ, ở giai đoạn hiện tại, các DNVVN của Việt Nam chủ yếu là nhà cung cấp cấp ba (gián tiếp), được mô tả như là ngành sản xuất các nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu đơn giản và ít giá trị gia tăng. Đáng chú ý, các nhà cung cấp cấp ba này cũng không liên kết được với các công ty đầu chuỗi-là những công ty có công nghệ và kiến thức để giúp DN Việt Nam tăng năng suất.

Ppp

Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YuLun (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Để doanh nghiệp nội phát triển cùng doanh nghiệp FDI

Theo các chuyên gia kinh tế, với tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế chung của thế giới, để DN FDI không áp đảo DN nội, đồng thời tạo tính lan tỏa, Chính phủ cần tạo mọi điều kiện để DN FDI vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cần thu hút có chọn lọc, ưu tiên DN có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị tốt; ưu tiên nhiều hơn cho các DN FDI có chính sách kết nối với DN Việt Nam. Việc kết nối này sẽ giúp cả hai khu vực mạnh lên, cùng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là cần có giải pháp để DN Việt Nam rút ngắn được khoảng cách về công nghệ với các DN lớn và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. Chính sách FDI hiện vẫn chưa làm tốt được vai trò tạo liên kết giữa DN FDI với DN trong nước. Do đó, cần xây dựng khung chính sách FDI, trong đó cần coi nhiệm vụ tăng năng lực cạnh tranh và tính liên kết của khu vực DN trong nước, đặc biệt DN tư nhân là một cấu thành quan trọng của chính sách FDI, như vậy mới tăng hiệu quả lan tỏa của FDI. “Tôi rất đồng ý về việc các DN phải chủ động, nhưng nếu DN quá nhỏ thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, tập trung vào năng lực công nghệ; đào tạo nhân lực; năng lực thực thi hợp đồng; năng lực quản lý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh gợi ý.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Hansae Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, Nhà nước cần thành lập các trung tâm hỗ trợ DNVVN, tại đây DN sẽ từng bước bắt đầu làm chủ công nghệ, cải tiến sau đó sáng chế. Đặc biệt, để DNVVN có thể phát triển được thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần tổ chức liên kết DN lớn, DN FDI hợp tác với các DN nhỏ, các hộ kinh doanh. Các DN lớn này sẽ là “đầu đàn” dẫn dắt DNVVN tham gia vào chuỗi kinh doanh, sản xuất toàn cầu.

Bổ sung vào ý kiến này, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cùng với việc đưa ra các ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư, ưu tiên các DN FDI có liên kết, chuyển giao công nghệ với DN trong nước, Nhà nước cần đưa ra các cam kết cụ thể với DN FDI, đồng thời tăng cường hậu kiểm trong việc thực hiện các cam kết, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của khu vực DN này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính lũy kế đến ngày 20-10, cả nước có 24.397 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 312,91 tỷ USD. Trong đó vốn thực hiện đạt 169,05 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký. Trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 57,1 tỷ USD (chiếm gần 18,2%), Nhật Bản đứng thứ hai với 46,3 tỷ USD, tiếp theo là Singapore và Đài Loan.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/fdi-va-bai-toan-chuyen-giao-cong-nghe-524443