FDI qua lăng kính một chuyên gia

Các bài viết trong 'FDI: Đồng tiền hai mặt' được tác giả chọn lọc, sắp xếp thành 4 chương với những tiêu chí cụ thể giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin một cách hệ thống, tập trung và xuyên suốt...

Lâu nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn được coi là nguồn lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển nói chung và trong nền kinh tế nước ta nói riêng. Không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

FDI còn giúp Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo công ăn việc làm và đào tạo nhân công, thúc đẩy nền kinh tế trong nước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần vào hội nhập quốc tế…

Mặt bìa cuốn sách

Tuy nhiên, bên cạnh đó, FDI cũng mang đến cho Việt Nam không ít những mặt trái, hệ lụy cần kịp thời giải quyết, như: công nghệ chưa hiện đại, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước chưa được như kỳ vọng, tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn còn nhiều, xử lý môi trường chưa nghiêm, tác động lan tỏa đến nền kinh tế còn hạn chế, đóng góp chưa tương xứng với vốn FDI và ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này, thậm chí còn gây tổn thất cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đó cũng chính là những vấn đề lớn được đề cập trong cuốn sách mang tên “FDI: Đồng tiền hai mặt” của TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư – một trong số ít người có may mắn được gắn bó với FDI Việt Nam ngay khi có các dự án FDI đầu tiên vào Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực FDI.

“FDI: Đồng tiền hai mặt” được tác giả, TS. Phan Hữu Thắng tập hợp, tuyển chọn dựa trên một loạt bài báo, trả lời phỏng vấn của ông đã được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương về FDI trong suốt giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017, nhằm mang đến cho độc giả hiểu sâu hơn về thực chất của “đồng tiền FDI”, cũng như những nhận định đa chiều về FDI ở Việt Nam.

Cuốn sách cũng thể hiện quan điểm nhất quán của tác giả đối với việc đánh giá tác động, thành quả và vấn đề của FDI trong 30 năm, kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đến nay.

“FDI: Đồng tiền hai mặt” - cuốn sách dày 500 trang, in trang trọng, trình bày đẹp do NXB Chính trị quốc gia sự thật ấn hành năm 2018. Theo lời NXB: Đồng hành và gắn bó với quá trình phát triển của FDI ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên tìm đối tác, đàm phán các vấn đề then chốt của dự án… đến khi FDI đã đi được một chặng đường dài trên con đường phát triển FDI của Việt Nam, qua những bài viết, bài trả lời phỏng vấn, tác giả Phan Hữu Thắng đã chuyển tải đến bạn đọc những câu chuyện đầy ắp thông tin với góc nhìn của người trong cuộc.

Các bài viết được thực hiện vào những mốc thời gian khác nhau, không chỉ phản ánh sự kiện mà còn thể hiện ý kiến, nhận định, đề xuất hướng xử lý vào thời điểm đó, mang ý nghĩa lịch sử, tính tham khảo, tổng kết khi nhìn lại từ thời điểm hiện tại.

Các bài viết trong “FDI: Đồng tiền hai mặt” được tác giả chọn lọc, sắp xếp thành 4 chương với những tiêu chí cụ thể giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin một cách hệ thống, tập trung và xuyên suốt.

Theo đó, chương I gồm 13 bài liên quan đến các vấn đề chung nhất của FDI và các thông tin mang tính thời sự về một số vấn đề FDI trong năm 2017.

Chương II: Trao đổi FDI giai đoạn 2011- 2017 với 6 cấu phần về nhóm các sự cố và chuyên ngành như sự cố về môi trường, chuyển giá - trốn thuế, doanh nghiệp và hiện tượng, quy hoạch và chính sách, FDI với bất động sản và du lịch; Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Chương III, liên quan đến một số vấn đề quản lý Nhà nước đối với FDI.

Và chương IV: Nghiên cứu quá trình phát triển của FDI. Chương này bao gồm các bài có tính nghiên cứu về kết quả thu hút FDI hàng năm giai đoạn 2011- 2017, cùng Phụ lục kết quả thu hút FDI từng năm trong suốt thời kỳ hạn chế và phát triển FDI với biểu đồ kèm theo. Cuối cùng: Thay lời kết là phần những thông tin về hoạt động của tác giả qua lăng kính của báo chí.

Nhìn vào danh mục các chương với các tiêu đề nhỏ trong đó, có thể nói, hầu như dừng lại ở bài báo nào, người đọc cũng có thể phát hiện ra những điểm thú vị dù đó là vấn đề của ngày hôm qua, của nhiều năm về trước. Có bài, hôm nay đọc lại, người đọc có thể hình dung một cách sống động những vấn đề nóng gắn với diễn biến nền kinh tế trong một thời điểm nhất định như: FDI năm 2011 và giải pháp đột phá; FDI 2017 – Vượt khó, tiếp tục đà tăng trưởng; Thu hút FDI: Việt Nam cần học cách “lắc đầu”…

Song cũng có không ít bài được thực hiện từ năm 2011, 2012…, nhưng đến nay vẫn còn tính thời sự, bởi khả năng phân tích, dự báo, kiến thức mang tầm sâu rộng của chuyên gia về một vấn đề đã đang là mối quan tâm của xã hội…Ví như: Thu hút FDI: Vì sao Formosa “ở lại”, Nhật Bản “ra đi”?; Người đến đặc khu, Đừng vội mừng với dự án “tỷ đô”, Muốn nhà đầu tư nước ngoài “mở hầu bao”, cần gỡ từ “nút thắt” hạ tầng…

Có thể nói, từ trang đầu đến trang cuối, “FDI: Đồng tiền hai mặt” là một trong những cuốn sách “đáng đọc” đối với những ai quan tâm đến lĩnh vực này. “Đáng đọc” không chỉ bởi tính sinh động, đa chiều của thông tin, của cách đặt và giải quyết từng vấn đề một cách thấu đáo dưới con mắt một chuyên gia “trong cuộc” hiểu rõ ngọn ngành tính hai mặt của “đồng tiền FDI” mà nó còn giá trị ở năng lực phân tích, phản biện, dự báo thậm chí là cảnh báo về những mặt tồn tại của FDI, từ đó, giúp những nhà hoạch định chính sách có thể tham chiếu để đưa ra những chính sách phù hợp nhất.

Nói như nhận xét của GS.TSKH Nguyễn Mại: Là một người hoạt động quản lý nhà nước về FDI – lĩnh vực mới mẻ đối với nước ta kể từ khi bắt đầu thực hiện chủ trương của Đảng về “ đổi mới và hội nhập”, TS. Phan Hữu Thắng đã không chỉ coi trọng nghiên cứu lý thuyết, mà còn quan sát thực tiễn thu hút và sử dụng FDI, từ đó có những bài viết có chất lượng trên báo chí, phương tiện truyền thông, đóng góp vào việc tổng kết FDI trong từng giai đoạn 5 năm để hoàn thiện chính sách, luật pháp, cải thiện môi trường đầu tư nhằm làm cho khu vực FDI tác động nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Sơn Nam

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/fdi-qua-lang-kinh-mot-chuyen-gia-77212.html