FDI diễn biến tích cực

2017 là năm thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

2018 là năm thứ 3 mà Chính phủ nhiệm kỳ mới thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm (2016-2020), trong đó cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh là những mục tiêu trọng tâm để tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI.

Nhiều dự án khủng

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với tổng nguồn vốn đăng ký năm 2017 đạt mức cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, với gần 36 tỷ USD (tăng 44% so với năm 2016). Nguồn vốn FDI giải ngân cũng tạo đỉnh cao mới tăng 10,8%, đạt 17,5 tỷ USD. Nếu tính theo lĩnh vực đầu tư, sản xuất dẫn đầu với 15,9 tỷ USD (chiếm 44,2% trên tổng nguồn vốn đăng ký). Các lĩnh vực xếp thứ hai và thứ ba là sản xuất và phân phối điện với 8,4 tỷ USD (chiếm 23,3%), bất động sản 3,1 tỷ USD (chiếm 8,5%).

Như vậy tính đến cuối năm 2017, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 186,1 tỷ USD. Năm 2017, FDI đã đầu tư vào 59/63 tỉnh, thành, trong đó TPHCM là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,5 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư); Bắc Ninh đứng thứ hai với 3,4 tỷ USD (chiếm 9,5%), Thanh Hóa đứng thứ ba với tổng vốn 3,17 tỷ USD (chiếm 8,8%). Xét theo nhà đầu tư, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tiếp tục thống trị dòng tiền vào Việt Nam.

Sau thời gian ồ ạt hiện là lúc Việt Nam cần chọn lọc hơn trong thu hút FDI. Với doanh nghiệp trong nước, cần tìm cách để gia nhập vào chuỗi cung ứng của tập đoàn đa quốc gia và tận dụng các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

TS. Vũ Thành Tự Anh,
Trường Đại học kinh tế Fulbright

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, có rất nhiều nguyên nhân khiến FDI năm 2017 tăng mạnh và vượt xa dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế. Ngoài nguyên nhân môi trường kinh doanh đã được cải thiện, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có những lợi thế nhất định trong thu hút đầu tư như chính trị ổn định, dân số đông, số người trong độ tuổi lao động lớn.

Thu hút FDI tăng đột biến trong năm qua có sự đóng góp của những dự án khủng với giá trị đầu tư lên đến hàng tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.

Đơn cử là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (2,79 tỷ USD), dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD, dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (2,07 tỷ USD), dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (1,27 tỷ USD). Chỉ tính riêng 5 dự án tỷ USD và dự án quy mô lớn ở TPHCM đã đóng góp trên 12 tỷ USD, chiếm trên 40% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017.

Thực tế, nếu tính đơn thuần về con số, năm 2008 mới là năm đỉnh cao của Việt Nam trong thu hút FDI, có tới 72 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau này rất nhiều dự án tỷ USD trong năm đó bị cho là “ảo” và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nên thành tích đó gần như ít được nhắc tới. Đơn cử là các dự án khu liên hợp thép Cà Ná (9,8 tỷ USD), dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Ngọc Châu Á (2 tỷ Eur), dự án bãi biển Rồng (4 tỷ USD), dự án thành phố sáng tạo Nam Phú Yên (11,4 tỷ USD), dự án công viên Thế giới kỳ diệu (1,3 tỷ USD)…

Thực tế, khối FDI thể hiện vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Cán cân thương mại Việt Nam liên tục ghi nhận thặng dư theo cùng làn sóng đầu tư mạnh của khu vực FDI từ năm 2012-2013 đến nay. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP của khối FDI cũng tăng từ mức khoảng 16% năm 2013 lên hơn 18% trong năm 2017 và gián tiếp tạo sức lan tỏa sang tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác.

Bước đệm cho 2018

Có thể nói, thành công của Việt Nam trong thu hút FDI năm 2017 cũng đồng thời đánh dấu thành công của Việt Nam trong 30 năm thu hút FDI. Thành công của năm 2017 cũng tạo ra áp lực cho kế hoạch thu hút FDI trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang diễn biến tích cực. Kinh nghiệm từ hơn 10 năm trước cho thấy, hiệu ứng tích cực từ APEC sẽ đưa Việt Nam đứng trước một cơ hội chưa từng có là thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng, trước hết từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Một khi các thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ APEC, hay trong khuôn khổ các chuyến thăm Hoa Kỳ, Nhật Bản, cũng như các quốc gia khác của các vị lãnh đạo được hiện thực hóa, kỷ lục vốn FDI vào Việt Nam có thể tiếp tục được thiết lập. Tháng 11-2017, khi Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng, đã có thêm trên 4,8 tỷ USD vốn FDI.

Năm 2018 tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh là những trọng điểm được ưu tiên nhằm tạo niềm tin của nhà đầu tư. Môi trường kinh doanh tiếp tục được chú trọng thông qua các chủ trương bãi bỏ điều kiện kinh doanh của Chính phủ và các bộ ngành.

Cụ thể, Nghị định 08/2018/NĐ-CP bãi bỏ khoảng 600/1.200 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa phần lớn các điều kiện khác; Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo quyết liệt, bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau thất bại của TPP do Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vẫn kiên định với lộ trình đàm phán với hiệp định TPP-11, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 3-2018. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiến đến các hiệp định thương mại chủ chốt khác như RCEP và EVFTA, thể hiện cam kết của Chính phủ về tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư FDI.

Nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dựa vào khối FDI để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, sẽ tạo động lực mở rộng và phát triển cho các lĩnh vực hạ tầng, điện nước, xây dựng, logistics và phụ trợ. Chính vì vậy, dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt 6,7% đối với kịch bản cơ sở và đạt 7% đối với kịch bản tích cực.

Thảo Nguyên

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/fdi-dien-bien-tich-cuc-54779.html