FCPF - REDD+ hỗ trợ đắc lực giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam

Chiều 26/6, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 'Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam-giai đoạn 2 (FCPF-2).

 Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội nghị tổng kết Dự án FCPF - 2. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội nghị tổng kết Dự án FCPF - 2. Ảnh: Nguyên Huân.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc FCPF-2 cho biết, dự án được triển khai từ tháng 11/2016 - 30/6/2020 tại Hà Nội cùng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, với tổng kinh phí gần 5,7 triệu USD mục đích hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế, kỹ thuật cho các cơ quan liên quan.

Trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 5 triệu USD, đến từ quỹ Đối tác Các-bon Lâm nghiệp (FCPF) ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPD) giai đoạn 2018 - 2025, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP) theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Chính phủ và đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris 2015.

Dự án FCPF-2 có tất cả 4 hợp phần, trong đó:

Hợp phần 1: Nghiên cứu phân tích và phát triển năng lực để triển khai REDD+ hiệu quả cấp Trung ương và cấp tỉnh;

Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật và chính sách về đổi mới Công ty lâm nghiệp Nhà nước, Ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng cung cấp dịch vụ REDD+. Thu hút khu vực tư nhân tham gia và hỗ trợ tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản;

Hợp phần 3: Xây dựng đánh giá môi trường và xã hội các chiến lược REDD+ cấp quốc gia và cấp tỉnh, tham vấn và kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan;

Hợp phần 4: Quản lý, giám sát và đánh giá dự án.

Chương trình Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 – 2025 là chương trình REDD+ đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo cách tiếp cận chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải ở quy mô cấp vùng, được Quỹ Đối tác Các-bon Lâm nghiệp thông qua tại cuộc họp các nước thành viên lần thứ 17 tại Paris.

Việt Nam tự huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động của chương trình với mục tiêu giảm phát thải khoảng 25 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e), trong đó Quỹ Đối tác Các-bon Lâm nghiệp cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2e, tương đương 51,5 triệu USD.

Việt Nam sẽ nhận chi trả này sau khi kết quả giảm phát thải được thẩm định rõ ràng và minh bạch bởi một bên thẩm định độc lập. Phần còn lại, Việt Nam có quyền bán cho các đối tác khác.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết Dự án FCPF - 2 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Nguyên Huân.

Trên cơ sở Thỏa thuận chi trả giảm phát thải ký kết giữa Bộ NN-PTNT và WB, sẽ có 3 kỳ báo cáo giảm phát thải và kiểm chứng kết quả để chi trả như sau:

Kỳ báo cáo 1: Từ 1/2/2018 - 31/12/2019 với 3 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương với 15 triệu USD, kiểm chứng và chi trả lần 1 năm 2020.

Kỳ báo cáo 2: Từ 1/1/2020 - 31/12/2022 với 4 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương 20 triệu USD, kiểm chứng và chi trả lần 2 năm 2023.

Kỳ báo cáo 3: Từ 1/1/2023 - 31/12/2024 với 3,3 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương với 16,6 triệu USD, kiểm chứng và chi trả lần 3 năm 2025.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển, sau ba năm thực hiện, Dự án đã đạt được những thành quả đáng chú ý, trong đó, về mặt hỗ trợ thể chế chính sách ngành lâm nghiệp và REDD+, Dự án hỗ trợ Bộ NN-PTNT xây dựng các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017 và một số văn bản quy phạm pháp luật trong ngành lâm nghiệp.

Dự án cũng đồng thời hỗ trợ xây dựng Quyết định 419 phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng. Bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 và các kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Cán bộ Dự án FCPF - 2 tham vấn người dân Quảng Bình về các vấn đề kinh tế, xã hội trong quá trình triển khai dự án. Ảnh: FCPF.

Về mặt kỹ thuật, dự án đã hỗ trợ Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2025 và tích cực hỗ trợ tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải giữa Việt Nam và WB để thực hiện.

Dự án hỗ trợ cho 6 tỉnh Bắc Trung bộ 675 bộ máy tính bảng và tập huấn sử dụng cài đặt phần mềm chuyên dụng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Tập huấn kỹ thuật cho các Ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó hỗ trợ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lâm nghiệp Hương Sơn (Hà Tĩnh) duy trì giá trị chứng chỉ với tổng diện tích là trên 19.700 ha; Nhóm chứng chỉ rừng Liên hiệp HTX Kim Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) duy trì giá trị chứng chỉ với tổng diện tích là 358 ha/199 hội thành viên; Hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh được cấp chứng chỉ rừng số GFA-FM/COC-003698 tổng diện tích trên 10.200 ha.

Với nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân 6 tỉnh Bắc Trung bộ, việc thực hiện thành công Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải giai đoạn 1 sẽ là tiền đề mở rộng thực hiện REDD+ ra nhiều tỉnh thành có rừng trên cả nước và thu hút các đối tác tài chính mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn bày tỏ sự vui mừng khi một sáng kiến rất mới là REDD+ đã đi được một chặng đường dài tại Việt Nam.

Mặc dù hoàn thành tốt các hạng mục của dự án, tuy nhiên Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý cần phải tiếp tục duy trì thành quả dự án vào giai đoạn mới để làm sao đạt kết quả trước, nhận chi trả sau.

Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải mở ra cơ hội tạo ra giá trị gia tăng của rừng, là động lực cho những nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, với người hưởng lợi là chủ rừng, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, các cộng đồng được giao đất, giao rừng.

REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, chống suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững, tăng cường trữ các bon rừng.

Việt Nam đã tham gia REED+ từ rất sớm vào năm 2008 và tới nay đã có hơn 45 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam đã được triển khai, tạo nền tảng về mặt thể chế, chính sách và kỹ thuật cho REDD+ để tiến tới thực hiện các hoạt động REDD+ và chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải hoặc hấp thụ các-bon.

Nguyên Huân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/fcpf--redd-ho-tro-dac-luc-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-tai-viet-nam-d267128.html