FBI lo ngại việc Tổng thống Mỹ cho công bố tài liệu mật

Trong một tuyên bố ngày 31.1 (giờ Mỹ), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố 'quan ngại sâu sắc' về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép công bố một văn bản ghi nhớ, được cho là quy chụp FBI lạm dụng quyền theo dõi một trong những trợ lý tranh cử của ông Trump.

Tổng thống Trump đang đấu đá với Giám đốc FBI Wray - Ảnh : AP

Tổng thống Trump đang đấu đá với Giám đốc FBI Wray - Ảnh : AP

Trước khi đọc Diễn văn liên bang vào tối 31.1, ông Trump nói ông sẽ sẵn sàng 100% đồng ý công bố văn bản ghi nhớ, do Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes và các nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban này đã bỏ phiếu thông qua, trình chủ nhân Nhà Trắng ký duyệt, và văn bản này có thể công bố trong ngày 1.2. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng tuyên bố ủng hộ việc công bố tài liệu này.

FBI bị quy chụp lạm dụng quyền theo dõi

Văn bản ghi nhớ do nghị sĩ Nunes soạn, mang tên “Bản ghi nhớ FISA”, và được cho là FBI lạm dụng Luật theo dõi tình báo nước ngoài (Foreign Intelligent Surveillance Act-FISA) khi điều tra hai nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và nhóm vận động bầu cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga.

“Bản ghi nhớ FISA” đã được Ủy ban Tình báo Hạ viện đọc qua, vạch ra hành vi lạm dụng của FBI và Bộ Tư pháp (DOJ) thuộc chính quyền tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Một nguồn tin tình báo cho báo Washington Times biết: “Bản ghi nhớ FISA” sẽ công bố chi tiết nhiều quan chức FBI cấp cao tuồn thông tin chi tiết về cuộc điều tra nghi án Nga thông đồng cho giới báo chí, sau khi FBI lạm dụng một hồ sơ do công ty nghiên cứu Fusion GPS cung cấp, để xin FISAR theo dõi nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump vốn có nghị sĩ Nunes, một đồng minh trung thành với ông Trump.

Vẫn theo nguồn tin trên, nhân viên điều tra của Ủy ban Tình báo Hạ viện đã dò ra hoạt động của 3 nhà báo giấu tên hưởng tiền công của Fusion GPS. Các nhân viên nói 3 nhà báo này có được thông tin nhạy cảm về cuộc điều tra, trong những cuộc gặp với những quan chức FBI cấp cao.

Cuộc "đấu giá" giữa Tổng thống và Giám đốc FBI

Trong tuyên bố, FBI khẳng định họ nghiêm túc tuân thủ các quy định của FISAR, tuân thủ các quy trình được lãnh đạo FBI và DOJ giám sát chặt chẽ. Về “Bản ghi nhớ FISA”, FBI khẳng định họ bị hạn chế cơ hội xem văn bản này.

Phản ứng về tuyên bố của FBI, nghị sĩ Nunes từng tham gia nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump liền ra tuyên bố cáo buộc FBI “lạm dụng quyền theo dõi”, đồng thời bác bỏ một văn bản tương tự do các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện bỏ phiếu thông qua.

Theo báo Guardian, tuyên bố bất thường của FBI (thuộc DOJ) là theo lệnh của ông Christopher Wray, người được chính ông Trump chỉ định làm Giám đốc FBI.

Vẫn theo tờ báo Anh, đang có một cuộc đấu đá giữa 2 ông Trump-Wray, mà các quan chức cảnh báo đó là một cuộc cung đột nguy hiểm gia tăng giữa Nhà Trắng với DOJ, với nhiều vụ “xì” thông tin cho báo chí để trả đũa và cách chức nhiều quan chức.

Chưa thể biết rõ nội dung chính xác của “Bản ghi nhớ FISA”, nhưng nó được cho là FBI đề nghị Tòa án theo dõi tình báo nước ngoài (FISAR) cấp trát theo dõi để thu thập tin tình báo về Carter Page, một cố vấn trong nhóm tranh cử của ông Trump.

FISAR là một tòa án bí mật, chuyên xét các đề nghị của những cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ muốn theo dõi điện tử đối với công dân Mỹ bị nghi là điệp viên cho nước ngoài và bị nghi là tội phạm hình sự.

Không hứa trung thành với Tổng thống Mỹ sẽ bị đuổi việc?

“Bản ghi nhớ FISA” được cho là có “thuốc nổ”, phần nào vì nó quy trách nhiệm đề nghị cho phép theo dõi ông Page cho trợ lý Bộ trưởng Rod Rosenstein, người giám sát hai cuộc điều tra nghi án Nga của FBI dưới quyền Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Theo nguồn tin giấu tên của CNNngày 31.1, ông Trump từng đòi ông Rosenstein hứa trung thành và hỏi “về phe tôi hay không?” trong một cuộc gặp hồi tháng 12.2017. Lúc đó, vị trợ lý Bộ trưởng DOJ Rosenstein đáp: “Thưa Tổng thống, dĩ nhiên tất cả chúng tôi thuộc đội ông”.

Trước đó, ông Trump đã có nhiều lần chỉ trích ông Rosenstein. Nhưng nếu ông Trump sa thải vị này, thì sẽ là sự đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc điều tra hai nghi án Nga của FBI dưới quyền Công tố viên đặc biệt Muller, các nhà phân tích cảnh báo.

Tổng thống Trump từng viện lý do FBI điều tra lạc hướng để sa thải Giám đốc FBI James Comey hồi tháng 5.2017, sau khi ông yêu cầu ông Comey hứa trung thành nhưng ông Comey từ chối hứa.

Còn có tin ông Trump đòi Phó giám đốc FBI Andrew McCabe hứa trung thành, sau khi ông sa thải ông Comey. Sau một thời gian ngắn làm Giám đốc FBI tạm quyền, ông McCabe trở lại chức vụ Phó giám đốc, và ngày 26.1 thì bất ngờ tuyên bố về hưu non.

Phe Cộng hòa đã hoan nghênh ông McCabe nghỉ việc. Tuần trước, đảng này cũng cáo buộc “có hội kín trong FBI” nhằm chống đối.

Còn có thông tin Giám đốc FBI Wray ép người phó nghỉ việc, để tỏ ra trung thành với ông Trump. Và có tin trong cuộc gặp giữa ông Rosenstein với Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, ông Wray đã đề nghị Nhà Trắng không duyệt công bố “Bản ghi nhớ FISA”

Đảng Cộng hòa cũng cùng ông Trump công kích Công tố viên đặc biệt Muller, người mà ông Trump đã ra lệnh sa thải hồi tháng 7, nhưng rồi rút lệnh sau khi các luật sư Nhà Trắng can, theo báo New York Times.

Ông Muller đã báo cáo vụ này với trợ lý Bộ trưởng DOJ Rosenstein, người giải trình trước Quốc hội Mỹ rằng chỉ có ông mới có quyền sa thải ông Muller.

Điều tra vụ nghỉ việc của người phát ngôn nhóm luật sư của ông Trump

Liên quan hai cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp-thông đồng, FBI dưới quyền ông Muller đã lên kế hoạch 2 tuần nữa sẽ phỏng vấn ông Mark Corallo cựu phát ngôn viên của nhóm luật sư riêng của Trump, theoReutersngày 1.2 dẫn một nguồn tin.

Ông Corallo nghỉ làm người phát ngôn hồi tháng 6.2017 sau thông tin có cuộc gặp giữa Donald Trump Jr, con trai cả của ông Trump, với một nhóm người Nga. FBI đã liên lạc với luật sư của ông Corallo, để tìm hiểu hoàn cảnh ông thôi việc.

Theo Reuters, vụ nghỉ việc này vào lúc ông Trump thay nhóm luật sư, và giới truyền thông đưa tin các luật sư của ông xem xét cách hạn chế cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Muller.

Nguồn tin của Reuters nói một trong những lý do ông Corallo nghỉ việc, là ông từ chối chỉ trích sự trong sáng của ông Muller, và từ chối công kích các quan chức DOJ cấp cao. Ông cũng bất bình với việc ông cho là Tổng thống Mỹ tuyên bố sai về cuộc gặp của con trai với nhóm của nữ luật sư Natalia Veselnitskaya tại Tháp Trump. Nhóm người Nga đã hứa giao cho con trai ông Trump thông tin gây hại cho đối thủ tranh cử tổng thống của ông: bà Hillary Clinton.

Chính phủ Nga đã phủ nhận những cáo buộc can thiệp-thông đồng, ông Trump nói đó là “trò săn phù thủy”.

Tháng 7.2017, khi trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông Trump trách Bộ trưởng DOJ Jeff Sessions tự rút khỏi nhiệm vụ giám sát cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp, điều dẫn đến việc ông Rosenthein chỉ định ông Muller làm Công tố viên đặc biệt.

Cuộc điều tra này đã có kết quả là buộc tội 4 cựu cố vấn tranh cử của ông Trump: cựu trưởng nhóm tranh cử Paul Manafort và phó nhóm Rick Gates về có âm mưu và rửa tiền, đồng thời buộc tội cựu cố vấn chính sách đối ngoại George Papadopoulos và cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Michael Flynn đã khai man với FBI về mối quan hệ với người Nga.

Bảo Vĩnh (theo Guardian, Washington Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/fbi-lo-ngai-viec-tong-thong-my-cho-cong-bo-tai-lieu-mat-81412.html