FBI kêu gọi Quốc hội Mỹ coi khủng bố trong nước là tội phạm liên bang

Hiệp hội các đặc vụ Cục Điều tra LB Mỹ nhấn mạnh, việc coi khủng bố trong nước là tội phạm liên bang sẽ cho phép các nhân viên FBI và các công tố viên có các công cụ tốt nhất để chống khủng bố.

Lực lượng an ninh được triển khai tại hiện trường vụ xả súng ở thành phố El Paso thuộc bang Texas, Mỹ ngày 3/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng an ninh được triển khai tại hiện trường vụ xả súng ở thành phố El Paso thuộc bang Texas, Mỹ ngày 3/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/8, Hiệp hội các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBIAA), đại diện cho hơn 14.000 nhân viên hiện đang hoạt động cũng như các cựu nhân viên, kêu gọi Quốc hội Mỹ coi khủng bố trong nước là tội phạm liên bang.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Chủ tịch FBIAA Brian O’Hare cho rằng khủng bố trong nước là mối đe dọa đối với người dân và nước Mỹ.

Do đó, các hành vi bạo lực nhằm đe dọa người dân, hoặc gây ảnh hưởng hoặc tác động tới chính sách của chính phủ nên bị truy tố là khủng bố trong nước bất luận tư tưởng đằng sau chúng là gì.

Ông O’Hare nhấn mạnh việc coi khủng bố trong nước là tội phạm liên bang sẽ cho phép các nhân viên FBI và các công tố viên có các công cụ tốt nhất để chống khủng bố trong nước.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nước Mỹ bị chấn động vì hai vụ xả súng liên tiếp trong hai ngày cuối tuần.

Chiều 3/8, nghi phạm Patrich Crusius, 21 tuổi, đã xả súng trong siêu thị Walmart ở thành phố El Paso, bang Texas, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 7 công dân Mexico và 26 người bị thương.

Tiếp đó, rạng sáng 4/8, Connor Betts, 24 tuổi, dùng súng tấn công quán bar Ned Peppers ở thành phố Dayton, bang Ohio, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 16 người bị thương, nghi phạm bị tiêu diệt tại chỗ.

Sau vụ xả súng tại Dayton, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine đã đề xuất thông qua dự luật trong đó cho phép tước súng của những đối tượng có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác.

Ông DeWine cho biết sẽ đề nghị Quốc hội thông qua luật cho phép các thẩm phán tạm thời tịch thu súng của những cá nhân bị cảnh sát hoặc người thân xem là mối nguy hiểm, đồng thời cung cấp điều trị sức khỏe tâm thần cho họ.

Việc kiểm soát súng đạn là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trên chính trường Mỹ.

Những người ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ súng đạn tin rằng đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn bạo lực, trong khi những người phản đối cho rằng điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu súng theo Hiến pháp Mỹ.

Cùng ngày, liên quan đến vụ xả súng tại Texas, Chính phủ Mexico đã bày tỏ mong muốn đóng vai trò tích cực trong cuộc điều tra.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nêu rõ Mexico muốn Văn phòng Tổng Công tố quốc gia được tiếp cận cuộc điều tra.

Chính phủ Mexico đang quan ngại về nguy cơ có thêm các tay súng nhằm vào người gốc Mỹ Latinh trong bối cảnh căng thẳng sắc tộc đang leo thang tại Mỹ.

Điều tra cho thấy chỉ vài phút trước khi tiến hành vụ xả súng, Patrick Crusius đã đăng bài chống người nhập cư trên mạng.

Các công tố viên muốn xác định xem liệu tay súng có mối liên hệ với những kẻ cùng "tư tưởng", hay liệu hắn có phải là tác giả bài viết kia hay không./.

Đặng Huyền-Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/fbi-keu-goi-quoc-hoi-my-coi-khung-bo-trong-nuoc-la-toi-pham-lien-bang/588747.vnp