Fantasia - Chiến dịch điên rồ nhất của người Mỹ trong thế chiến II

Ngày 7/12/1941, Phát xít Nhật bất ngờ mở cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, gây thiệt hại nặng nề cho hạm đội Mỹ với 2.352 người thiệt mạng, 1.292 người bị thương, 13 tàu chiến các loại bị đánh chìm, 16 chiếc khác hư hỏng nặng. Ngoài ra còn có 207 máy bay bị bắn cháy, 155 máy bay không còn khả năng hoạt động. Để trả đũa, người Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch và một trong số đó là chiến dịch Fantasia.

Một con cáo giả với bộ lông phát sáng và đôi chân chim ưng.

Một con cáo giả với bộ lông phát sáng và đôi chân chim ưng.

Tác giả của chiến dịch Fantasia là Ed Salinger, người Mỹ, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu đã từng kinh doanh ở Nhật hơn 10 năm trước khi chiến tranh xảy ra. Do thường xuyên tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản, Ed Salinger am hiểu tường tận về phong tục, tập quán, văn hóa và ngôn ngữ Nhật.

Cũng chính vì am hiểu văn hóa Nhật nên Ed Salinger biết rằng đại đa số người Nhật đều theo Thần đạo, trong đó họ đặc biệt sợ hãi một con vật được gọi là “Kisune-Linh hồn loài cáo” vì nó tượng trưng cho sự diệt vong. Khi trình bày với các quan chức Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA sau này), Ed Salinger đề xuất một phương pháp khủng bố tinh thần người Nhật. Trong bản phác thảo, Ed Salinger viết: “Dựa trên thực tế tín đồ Thần đạo là đối tượng của mê tín dị đoan. Họ đặt niềm tin vào linh hồn cũng như ma quỷ nên rất dễ bị kích động. Vì thế, cần tạo ra một loài có thể khiến họ bị lung lạc và thay đổi quan điểm nước Nhật sẽ chiến thắng…”.

Năm 1943, OSS chấp thuận kế hoạch của Ed Salinger, được gọi là chiến dịch Fantasie. Theo đó, bằng cách sử dụng những quả bóng bay tạo hình loài cáo, có gắn thiết bị phát ra tiếng kêu của cáo rồi thả cho bay qua những ngôi làng của người Nhật vào ban đêm nhằm gây ra sự sợ hãi, những con cáo giả nếu được sử dụng với số lượng lớn chắc chắn sẽ tạo nên hiệu ứng về sự sụp đổ của Đế quốc Nhật.

Sau khi 10.000 quả “bóng cáo” hình thành, OSS thuê một công ty dệt len chế tạo 10.000 bộ lông cáo, đồng thời thuê một hãng sản xuất mỹ phẩm làm ra cái mùi đặc trưng của cáo. Họ tin rằng người Nhật - bằng những cách nào đó - sẽ nhận ra mùi này. Cuối cùng OSS họp lại, tính toán xem bộ lông của những con cáo nhân tạo được sơn màu gì để có thể nhìn rõ vào ban đêm.

Thoạt đầu, tập đoàn Radium đưa ra phương án sử dụng sơn phát sáng nhưng nó gây ra nhiều quan ngại bởi lẽ năm 1917, hàng ngàn công nhân làm việc trong những xưởng lắp ráp đồng hồ ở Mỹ bị mắc phải những chứng bệnh bí ẩn - sau này mới biết là ung thư - do họ thường xuyên dùng miệng miết vào đầu ngọn bút lông cho nó co gọn lại trước khi chấm vào đĩa sơn radium, tô lên các chữ số trên mặt đồng hồ. Tuy nhiên, do không có một giải pháp nào khả thi nên cuối cùng, sơn phát sáng radium vẫn được chọn. Bên cạnh đó, nhằm làm tăng thêm vẻ kinh dị, OSS còn thay đôi chân trước của con cáo bằng chân của loải chim ưng.

Cuối cùng, trước khi tiến hành chiến dịch Fantasie, với mục đích tìm hiểu xem liệu cái đồ giả ấy có thật sự khiến người Nhật sợ hãi hay không, OSS quyết định thả 30 con ở Công viên Rock Creek, Washington, DC. Nếu những con cáo ấy làm người Mỹ sợ hãi thì theo logic, chắc chắn chúng cũng sẽ khiến người Nhật sợ hãi.

Đêm 21/3/1944, hàng trăm người dân Mỹ hoang mang khi nhìn thấy những con cáo phát sáng trên bầu trời, lướt qua những đường mòn, những bụi cây trong công viên với hàng tràng tiếng kêu ai oán. Cảnh tượng ma quái lúc đầu khiến họ thắc mắc rồi sau đó biến thành nỗi sợ hãi của tất cả những người đang đi dạo. Chỉ trong 1 đêm, cảnh sát công viên Rock Creek nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, đa số đều mô tả “những con vật ma quái đột ngột xuất hiện với thứ ánh sáng địa ngục cùng tiếng kêu ghê rợn, bay trong bóng tối công viên. Ai nấy đều bị sốc khi nhìn thấy”.

Cuộc thăm dò phản ứng của người dân Mỹ xem như thành công nhưng một loạt câu hỏi khác lại nổi lên: Làm thế nào những con cáo giả đến được các làng mạc Nhật Bản? Ban đầu OSS dự định dùng máy bay thả chúng theo luồng gió để gió đưa chúng đến nơi. Tuy nhiên, nếu máy bay tiến sát vào lãnh thổ Nhật thì không an toàn, còn nếu thả ở xa thì không chắc chúng đến được đích.

Nhằm tìm ra câu trả lời, Ed Salinger tiến hành thực nghiệm. Một buổi sáng, ông đưa 50 con cáo giả đến giữa vịnh Chesapeake rồi thả chúng. Sau khi bay được 200 dặm (hơn 330 km) - một khoảng cách đủ an toàn cho máy bay, cáo được thu hồi nhưng rắc rối thay, 2/3 lông cáo rụng sạch bởi lẽ khi dán lông vào bong bóng, người ta không thể sử dụng các loại keo công nghiệp bởi nó chứa những hóa chất, có thể ăn mòn lớp cao su tạo ra bong bóng khiến bóng xì hơi. Thay vào đó, họ chỉ dùng keo nấu từ da bò. Dưới tác dụng của hơi ẩm, keo nhão ra, kéo theo từng mảng lông làm từ loại len vụn!

Và trong khi OSS vẫn loay hoay tìm giải pháp cho lông cáo giả thì ở mặt trận Thái Bình Dương, hải quân Đế quốc Nhật đã bị hải quân Mỹ đánh cho tan tác. Phần lớn những hòn đảo ở khu vực này lọt vào tay quân Mỹ. Từ những sân bay trên đảo, máy bay Mỹ liên tục tung ra những đợt oanh tạc nhắm vào nước Nhật. Hàng chuỗi những trận mưa bom đã làm lung lay lòng tin vào chiến thắng của người Nhật nên những con cáo giả dù có hoàn thiện kỹ thuật đi chăng nữa, cũng chẳng mang lại ý nghĩa gì…

VŨ CAO (Theo Wars History)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/202011/fantasia-chien-dich-dien-ro-nhat-cua-nguoi-my-trong-the-chien-ii-912986/