Fan tự tử theo thần tượng - mặt tối của văn hóa hâm mộ

Không chấp nhận nổi sự ra đi của thần tượng, nhiều fan cuồng sẵn sàng hành hạ bản thân hay thậm chí tìm đến cái chết giống người mình hâm mộ.

Ngày 14/6, cái chết của nam diễn viên nổi tiếng Ấn Độ Sushant Singh Rajput khiến người hâm mộ và giới giải trí bàng hoàng.

Diễn viên 34 tuổi từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng Bollywood, gần nhất là tác phẩm The Helpless Heart được phát hành tuần trước.

Nhiều người tin rằng cái chết của Sushant có điều "mờ ám" khi anh không để lại thư tuyệt mệnh dù các thông báo chính thức cho biết anh chọn kết thúc cuộc đời bằng cách tự sát.

Nhiều người hâm mộ anh đã tuần hành trên phố cùng các tấm bảng ghi: "Công lý cho Sushant". Thậm chí, báo cáo đã ghi nhận có ít nhất 3 người đã tự tử theo Sushant, bao gồm một diễn viên 30 tuổi.

 Sự ra đi của Sushant Singh Rajput khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng.

Sự ra đi của Sushant Singh Rajput khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng.

Sức ảnh hưởng của người nổi tiếng

"Nhiều nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng những cái chết của người nổi tiếng luôn có thể gây ra hiệu ứng bắt chước. Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận thấy tình trạng này, đặc biệt tại Hàn Quốc - quốc gia có nhiều người dân bị ám ảnh bởi các ngôi sao giải trí", Giáo sư Paul Yip tại Đại học Hong Kong cho biết.

Giáo sư Paul cũng cho biết thêm hiệu ứng này cũng có thể được tìm thấy ở Ấn Độ hay Hollywood. Những người hâm mộ không chỉ cố gắng bắt chước kiểu tóc, thời trang mà còn cả lối sống của người nổi tiếng. Vì vậy, khi một diễn viên, ca sĩ qua đời, nhiều người cảm thấy như bị trói buộc với thần tượng, cảm thấy bất ổn rồi hành động dại dột theo.

Giáo sư Paul dẫn chứng các trường hợp từng được ghi nhận ở Hollywood và Hong Kong. Khi diễn viên hài Robin Williams qua đời vào tháng 8/2014, nhiều ca tự sát cũng được ghi nhận trong một tuần sau đó ở Mỹ. Khi Trương Quốc Vinh qua đời tại Hong Kong năm 2003, trong vòng 24 tiếng sau đó, 6 người cũng tự tử.

"Nhiều hồ sơ về tâm lý học cho thấy những người tự nhận mình bị trầm cảm thường coi các ngôi sao là thứ để 'bám' vào. Khi ngôi sao ấy qua đời, họ chẳng còn gì để nuối tiếc cuộc sống", Giáo sư Paul nói.

Sushant Singh Rajput là ngôi sao nổi tiếng Bollywood.

Tuy nhiên, đối với cái chết của Sushant, vị giáo sư nhận định có nhiều sự phán đoán và đưa tin vội vàng trên mạng xã hội.

"Khi tôi tìm kiếm nhanh về cái chết của Sushant trên Google, những tin tức hiện ra thật đáng lo ngại. Thông tin này phải được đưa một cách khéo léo, bình tĩnh chứ không phải giật gân", ông nói.

Ông Paul cho biết khi một người nổi tiếng rơi vào kết cục bi thảm như vậy, những người hâm mộ của anh ấy sẽ càng đau lòng hơn khi đọc các tin tức về cái chết của anh. Những thông tin, báo cáo sai lệch thời điểm này không chỉ sai về mặt đạo đức mà còn gây nguy hiểm.

Nhiều người hâm mộ không tin rằng Sushant đã qua đời. Theo các cuộc điều tra của cảnh sát Mumbai và Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ, những cáo buộc mơ hồ và loạt bài đăng trên mạng xã hội đã khiến đám đông tức giận và dẫn đến hình thức quấy rối nguy hiểm: Bắt nạt trực tuyến.

Người hâm mộ bày tỏ sự thương tiếc trên trang cá nhân nam diễn viên.

Các nhà sản xuất phim, đạo diễn từng hợp tác, bạn diễn hay bạn gái cũ của Sushant bị nhiều người đe dọa theo cách đáng báo động. Bạn gái tin đồn cũ của Sushant báo với cảnh sát cô bị 2 người đàn ông đe dọa "giết, hiếp" thông qua Instagram. Một nhà sản xuất phim thì bị người khác dọa sẽ làm hại con nhỏ và mẹ anh. Cả hai người này hiện đều phải thắt chặt an ninh cá nhân.

"Những cơn giận dữ và sự tấn công này là điều có thể hiểu được. Chúng ta có thể hiểu nỗi buồn và sự thất vọng đó của người hâm mộ nhưng thay vì chấp nhận sự thật, họ tìm cách đổ lỗi. Họ cần được tư vấn và điều trị thay vì tìm kiếm sự xoa dịu bằng sự sụp đổ của người khác", Giáo sư Paul nói.

Học cách chấp nhận

Cả người hâm mộ và gia đình của nam diễn viên quá cố chưa thể tìm thấy sự bình yên hay sự thật, trong khi có quá nhiều giả thuyết, cáo buộc, bài đăng phỏng đoán trên mạng xã hội.

"Một sự thật phũ phàng là người ngoài cuộc không thể hiểu được những gì người trong cuộc đang trải qua. Rất nhiều người không thể đối phó được với sự nổi tiếng. Khi bạn đột nhiên được biết đến, trở nên nổi tiếng, mọi khía cạnh cuộc sống của bạn đều được khuếch đại, trở thành tâm điểm chú ý. Sau đó, khi có chuyện gì sai sót, bạn lo lắng rằng mình sẽ mất tất cả những gì đã kiếm được", giáo sư nói.

Theo ông Paul, nhiều người trong giới giải trí hiếm khi tìm đến các nhà trị liệu tâm lý, nhất là ở xã hội châu Á.

"Trong quần vợt và nhiều môn thể thao khác, vận động viên có nhân viên tư vấn. Trong bóng rổ, các huấn luyện viên đôi khi cũng vừa huấn luyện vừa làm công tác tâm lý. Nhưng với người nổi tiếng, họ không có người giúp đối phó với những áp lực, nỗi đau và sự thống khổ đi kèm với danh tiếng. Vẫn còn nhiều người ở châu Á e ngại khi tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu, nhưng điều này đang dần thay đổi", ông cho biết.

Trước khi trở thành diễn viên nổi tiếng, Sushant từng đoạt giải quốc gia về Vật lý và theo học ngành cơ khí tại Đại học Kỹ thuật Delhi, dù sớm bỏ ngang để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Những năm gần đây, anh tập luyện để thực hiện một bộ phim về phi hành gia và thậm chí còn làm một bộ phim về không gian.

Anh cũng là một vũ công được đào tạo, chiến thắng một số giải thưởng về diễn xuất, góp mặt trong các vở kịch trên truyền hình và biểu diễn ở nhiều sân khấu trên khắp thế giới.

Trong vòng 24 tiếng sau khi Trương Quốc Vinh qua đời, 6 người hâm mộ tự sát theo anh.

"Lịch sử từng ghi nhận nhiều người thông minh, thành công chọn cách kết thúc cuộc đời bằng tự sát. Họ có những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, mục tiêu của họ trở nên không thể thực hiện được, họ rơi vào trạng thái trầm cảm, tự hạ thấp bản thân mình hơn bất kỳ nhà phê bình nào", ông Paul nói.

"Chúng tôi cũng nhận thấy điều này trong những học sinh cấp ba có hành vi tự làm hại bản thân, đặc biệt là những học sinh top đầu. Họ luôn muốn trở thành số 1. Khi họ về thứ 2, đạt được 99,5% thay vì 100%, họ không chấp nhận được. Họ trở thành những người theo chủ nghĩa hoàn hảo và thậm chí là một lời phê bình hay sai lầm nhỏ cũng có thể tàn phá họ. Vì vậy, khi bạn thông minh, bạn cũng lo lắng, bất ổn nhiều hơn. Bằng cách nào đó, bạn phải tìm được sự cân bằng và những lời khuyên tốt để nhận ra được điều này".

Từ sự việc của Sushant, Giáo sư Paul nhận định người hâm mộ của anh có thể đau buồn, thương tiếc về sự mất mát đã xảy ra nhưng điều quan trọng là đừng để mọi thứ trở thành một bi kịch kép.

"Đừng làm hại chính mình hoặc người khác. Đừng để anh ấy ra đi vô nghĩa", ông nói.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/fan-tu-tu-theo-than-tuong-mat-toi-cua-van-hoa-ham-mo-post1113739.html