Facebook sẽ hứng hậu quả gì sau khi 'nhường bước' Australia?

Sau 11 giờ thảo luận với chính phủ Australia về luật mới nhất, Mark Zuckerberg đã có một số nhượng bộ. Đây có thể là khởi đầu cho loạt rắc rối của Facebook trong năm 2021.

Ngày 18/2, Mark Zuckerberg đã chặn các tin tức ở Australia để phản đối việc yêu cầu trả phí tin tức cho nội dung được chia sẻ trên nền tảng này.

Ngày 18/2, Mark Zuckerberg đã chặn các tin tức ở Australia để phản đối việc yêu cầu trả phí tin tức cho nội dung được chia sẻ trên nền tảng này.

Sự việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, tạo ra làn sóng phản đối Facebook tại nhiều quốc gia. Nhất là trong bối cảnh tin tức toàn cầu vốn đang chịu không ít sự ảnh hưởng từ những gã công nghệ khổng lồ.

Facebook đã thừa nhận một số nội dung nằm ngoài lĩnh vực tin tức vô tình bị chặn, gây ra không ít phiền toái cho người dùng tại Australia.

Cuối cùng, sau 11 giờ thảo luận với chính phủ Australia về luật mới nhất, Mark Zuckerberg đã có một số nhượng bộ. Dự luật của Australia cũng liên quan đến Google, dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội để bỏ phiếu trong tuần này.

"Sau thời gian bàn thảo, chúng tôi thỏa mãn với việc chính phủ Australia đồng ý một số thay đổi và hứa hẹn để giải quyết những lo ngại lớn nhất của chúng tôi", mạng xã hội này tuyên bố.

Bên cạnh đó, ngày 24/2, Facebook đưa ra thông báo cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào ngành công nghiệp tin tức trong vòng 3 năm tới.

Tuy nhiên, hiệu ứng domino của quy định có thể khiến các quy định ngặt nghèo hơn dành cho Facebook sẽ tiếp tục được đưa ra trong tương lai.

Cộng với việc Apple đang “nhân cơ hội” đặt câu hỏi về việc Facebook sử dụng dữ liệu người dùng để quảng cáo trúng mục tiêu, mô hình kinh doanh của nền tảng truyền thông xã hội này tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới.

Dân biểu Rhode Island và Chủ tịch Tiểu ban Chống độc quyền David Cicilline gần đây chỉ trích Facebook “không phù hợp với chế độ dân chủ”. Quốc hội Mỹ cũng sẽ tổ chức một phiên điều trần trong tuần này nhằm xem xét phương án hạn chế quyền lực của Facebook và những gã khổng lồ công nghệ khác.

Đồng thời, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông đã làm việc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson để thảo luận về vấn đề Facebook. Chính phủ Australia cũng có kế hoạch mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với hoạt động kinh doanh của Facebook.

Ngoài ra, Facebook đang phải đối mặt với sự truy tố của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), với cáo buộc “tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong nhiều năm” và hành vi chống cạnh tranh. Kết quả tồi tệ nhất là Facebook buộc phải khai tử Instagram.

Zuckerberg và các CEO của Twitter, Alphabet sẽ tham dự một phiên điều trần mới vào tháng 3 để trả lời câu hỏi từ các nhà lập pháp về việc lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến và trách nhiệm của nền tảng này.

Thùy Dung

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/facebook-se-hung-hau-qua-gi-sau-khi-nhuong-buoc-australia-1503253.html