Facebook sắp bị hơn 40 bang nước Mỹ đâm đơn kiện về việc thâu tóm 2 đối thủ Instagram và Whatsapp

Các nhà điều tra sẽ dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để xác định hành vi của Facebook có cản trở cạnh tranh, giảm sự lựa chọn hay gây rủi ro cho dữ liệu người dùng hay không.

Tờ Washington Post cho hay, các nhà điều tra Mỹ đang chuẩn bị đưa ra các cáo buộc độc quyền với Facebook vì các thương vụ thâu tóm các đối thủ cạnh tranh của MXH này.

Theo đó, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) và các nhóm gồm nhiều Tổng chưởng lý bang chuẩn bị đệ đơn kiện chống độc quyền với Facebook vào đầu tháng 12/2020. Nguồn tin từ Reuters tiết lộ có thể sẽ có hơn 40 bang ký đơn kiện này.

Các nhà điều tra Mỹ đang chuẩn bị đưa ra các cáo buộc độc quyền với Facebook vì các thương vụ thâu tóm các đối thủ cạnh tranh Instagram và Whatsapp

Các nhà điều tra Mỹ đang chuẩn bị đưa ra các cáo buộc độc quyền với Facebook vì các thương vụ thâu tóm các đối thủ cạnh tranh Instagram và Whatsapp

Các nhà điều tra sẽ dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để xác định hành vi của Facebook có cản trở cạnh tranh, giảm sự lựa chọn hay gây rủi ro cho dữ liệu người dùng hay không.

Luật cạnh tranh của Mỹ có điều khoản cho phép truy tố một công ty nếu họ sử dụng cái gọi là "từ chối giao dịch" với các đối thủ nếu mục đích là duy trì sự độc quyền. Đây là lý do khiến Facebook sắp phải đối mặt với các động thái pháp lý từ chính phủ Mỹ.

Tờ Washington Post đưa nhận định của các chuyên ra cho rằng, đây là thách thức pháp lý lớn nhất mà Facebook từng phải đối mặt trong lịch sử gần 17 năm tồn tại của MXH lớn nhất hành tinh.

Cụ thể, Facebook bị đặt dấu hỏi về việc độc quyền khi "gã khổng lồ" công nghệ này mua lại 2 đối thủ Instagram và Whatsapp với giá hàng tỷ USD trong 2 năm 2012 và 2014, giúp hãng này chống cạnh tranh, khiến người dùng không có nhiều lựa chọn thay thế chất lượng.

Các nhà điều tra đã phát hiện ra những thay đổi của Instagram và Whatsapp kể từ khi được Facebook mua lại. Các cơ quan giám sát chống độc quyền của Mỹ đang cân nhắc xem liệu điều này có khiến người dùng phải trải nghiệm dịch vụ kém hơn, ít được bảo vệ quyền riêng tư hơn, so với những gì họ từng được hưởng khi các công ty vẫn còn độc lập.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg sắp phải đối mặt với các động thái pháp lý từ chính phủ Mỹ

Với dịch vụ nhắn tin của Whatsapp, Facebook từng cam kết với người dùng sẽ duy trì sự độc lập của nền tảng này cũng như bảo vệ quyền riêng tư người dùng khi mua lại nó hồi năm 2014. Cam kết này được cho là một bước quan trọng khiến các nhà quản lý "bật đèn xanh" cho thương vụ.

Tuy nhiên, Facebook bị cáo buộc đã không tuân thủ cam kết vào những năm sau này khi tìm cách tích hợp dữ liệu người dùng với các dịch vụ khác trên MXH. Động thái gây tranh cãi này từ Facebook đã làm dấy lên những lo ngại mới về rủi ro quyền riêng tư – thứ mà Facebook vốn đã có "phốt" trước đó.

Bên cạnh đó, các nhà điều tra cũng xem xét cách thức mà Facebook quản lý kho dữ liệu người dùng khổng lồ của hãng, các chính sách Facebook áp dụng với ứng dụng bên thứ ba có quyền truy cập vào kho dữ liệu, để tìm ra câu trả lời cho việc có hay không Facebook đã và đang "vũ khí hóa" ("vũ khí hóa" dữ liệu người dùng là việc Facebook đè bẹp một cách có chọn lọc các đối thủ bằng cách từ chối chia sẻ dữ liệu người dùng) tài sản giá trị nhất này như một cách đánh bại các đối thủ mới nổi.

Được biết, FTC và các bang vẫn chưa quyết định việc họ sẽ nộp đơn kiện như thế nào. FTC có thể đơn phương đệ đơn lên tòa án quận, còn các bang thực hiện độc lập hoặc FTC có thể đệ đơn lên thẩm phán luật hành chính, còn các bang nộp lên quận, hoặc tất cả tham gia cùng nhau và cùng kiện lên tòa án quận.

Facebook bị cáo buộc đã không tuân thủ cam kết vào những năm sau này khi tìm cách tích hợp dữ liệu người dùng với các dịch vụ khác trên MXH

Các công tố viên tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, Facebook đã vi phạm luật cạnh tranh khi hạn chế hoặc loại các công ty khởi nghiệp dùng tính năng "Liên kết ứng dụng với Facebook" do mạng xã hội này cung cấp.

Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,7 tỷ người dùng. Với cơ sở dữ liệu khổng lồ này, việc được quyền truy cập vào tính năng "Liên kết ứng dụng với Facebook" được coi là yếu tố quan trọng cho bất cứ phần mềm mới phát triển nào. Nếu không có, nhà phát triển chỉ còn cách yêu cầu người dùng tự tạo danh sách bạn bè theo cách thủ công trên ứng dụng mới, hoặc dựa vào danh bạ được lưu trong smartphone.

FTC từng kỳ vọng sẽ "đưa Facebook ra ánh sáng" trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra tháng 11, sớm nhất là cuối tháng 10. Tuy nhiên, những bất đồng nội bộ đã khiến việc công bố bị trì hoãn.

Ngày 21/10, Bộ Tư pháp Mỹ cùng 11 tiểu bang cũng đã đệ đơn kiện Google, cáo buộc công ty độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo. Google đã bác bỏ các tuyên bố và nói rằng vụ kiện là "thiếu sót sâu sắc".

Google cũng bị cáo buộc độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo

Các ủy viên FTC sẽ có cuộc họp vào hôm nay (20/11) trước khi đưa ra những quyết định hệ trọng về việc có khởi kiện Facebook hay không.

Ông chủ Facebook bị chất vấn vì kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam. Nguồn: VOA

Hải Yến

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/facebook-sap-bi-hon-40-bang-nuoc-my-dam-don-kien--23893.html